Nghệ An: Tăng cường quản lý vận hành các nhà máy thủy điện trong mùa lũ
Tài nguyên nước - Ngày đăng : 20:57, 30/05/2018
Nghệ An là một trong những tỉnh có nhiều Nhà máy thủy điện của cả nước, hiện nay toàn tỉnh có 12 nhà máy thủy điện đã đi vào hoạt động với dung tích cấp phép khoảng 2,6 tỷ m3. Việc vận hành các nhà máy thủy điện, nhất là vào mùa mưa lũ là vấn đề hết sức quan trọng và cần được sự giám sát chặt chẽ của các cơ quan chức năng.
Vì thế, UBND tỉnh Nghệ An yêu cầu chủ đầu tư các Dự án thủy điện thực hiện nghiêm túc quy trình vận hành hồ chứa, quy trình vận hành liên hồ chứa đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt, các quy định, quy chế phối hợp đã được ký kết; tổ chức rà soát quy trình vận hành hồ chứa và kiến nghị cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, điều chỉnh nội dung chưa phù hợp. Kiểm tra, đánh giá tình trạng đập, các thiết bị, công trình xả lũ bảo đảm khắc phục kịp thời các khiếm khuyết trước mùa mưa, bão, lũ năm 2018. Xây dựng phương án phòng chống lụt, bão bảo đảm an toàn đập; phương án bảo vệ đập; phương án phòng chống lũ, lụt vùng hạ du đập trong tình huống xả lũ hồ chứa hoặc sự cố đập và tổ chức diễn tập theo phương án được duyệt.
Tăng cường công tác cảnh báo cho người dân vùng hạ du khi vận hành xả lũ và vận hành phát điện; lắp đặt bổ sung các hình thức cảnh báo phù hợp với đặc điểm hạ du của công trình thủy điện, đặc biệt khu vực đông dân cư sinh sống, sản xuất, khu vực hạ du có người qua lại... Chuẩn bị nguồn lực, vật tư cho công tác phòng chống lụt bão, bảo đảm an toàn đập và công tác phòng chống lũ lụt vùng hạ du đập thủy điện theo phương án đã được phê duyệt. Tổ chức trực ban nghiêm túc và thực hiện chế độ báo cáo, cung cấp thông tin liên quan đến hồ chứa theo đúng quy định...
Bên cạnh đó, UBND tỉnh yêu cầu UBND các huyện: Kỳ Sơn, Tương Dương, Con Cuông, Anh Sơn, Đô Lương, Thanh Chương, Nam Đàn, Quế Phong, Quỳ Châu, Nghĩa Đàn và các địa phương có liên quan thực hiện tốt các quy định, quy chế phối hợp giữa chính quyền địa phương và chủ đập thủy điện trong việc tổ chức vận hành hồ chứa theo quy trình được phê duyệt; phối hợp với các cơ quan thông tin, truyền thông và các Sở, Ban ngành liên quan tăng cường tuyên truyền cho người dân nhận biết nguy hiểm, kỹ năng phòng tránh đuối nước khi sinh sống, sản xuất, đi lại tại khu vực hạ du nhà máy thủy điện; quản lý, khuyên, ngăn các cháu học sinh không tự ý đi lại, bơi lội tại sông, suối, hồ và hạ du nhà máy thủy điện. Tổ chức, thực hiện công tác PCTT&TKCN tại địa phương theo phương châm “bốn tại chỗ”, bố trí lực lượng ứng cứu, phương tiện thiết bị, dự trữ lương thực, thực phẩm, các nhu yếu phẩm, thuốc y tế,… ở những khu vực dễ bị cô lập, chia cắt dài ngày khi xảy ra thiên tai. Theo dõi tình hình xả lũ vận hành hồ chứa, phòng chống lụt, bão và thiên tai để phối hợp với các cơ quan liên quan, chủ đầu tư xử lý và kịp thời báo cáo UBND tỉnh.
Giao các Sở Công Thương, NN&PTNT, Ban chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Nghệ An chỉ đạo các chủ đập thủy điện thực hiện nghiêm túc quy trình vận hành hồ chứa, góp phần cắt giảm lũ cho hạ du đập, đảm bảo an toàn cho các công trình thủy điện, thủy lợi. Chủ trì, phối hợp với các cơ quan chuyên môn và địa phương kiểm tra an toàn công trình hồ chứa thủy điện, thủy lợi trước mùa mưa lũ năm 2018; Thường xuyên theo dõi diễn biến thời tiết và tình hình quản lý, khai thác đảm bảo an toàn công trình thủy điện, tổng hợp báo cáo UBND tỉnh kịp thời khi có sự cố xảy ra.