Chỉnh trị dòng chảy Vu Gia – Thu Bồn để đảm bảo nguồn nước trong mùa kiệt cho Quảng Nam và Đà Nẵng

Tài nguyên nước - Ngày đăng : 21:05, 25/05/2018

(TN&MT) - Ngày 25/5, UBND TP. Đà Nẵng đã tổ chức Hội thảo “Hỗ trợ xây dựng thể chế liên tỉnh để nâng cao khả năng chống chịu ở lưu vực sông Vu Gia – Thu Bồn”. Hội thảo có sự tham dự của lãnh đạo tỉnh Quảng Nam và TP. Đà Nẵng cùng Ban điều phối Quản lý tổng hợp lưu vực Vu Gia – Thu Bồn.
Hội thảo nhằm đánh giá toàn diện khu vực sông Quảng Huế và các công trình chỉnh trị đã xây dựng để xây dựng giải pháp điều tiết nâng cao lượng nước về hạ du sông Vu Gia
Hội thảo nhằm đánh giá toàn diện khu vực sông Quảng Huế và các công trình chỉnh trị đã xây dựng để xây dựng giải pháp điều tiết nâng cao lượng nước về hạ du sông Vu Gia

Đây là chương trình Hội thảo trao đổi – đối thoại lần thứ 5 giữa hai địa phương Quảng Nam và Đà Nẵng về vấn đề lưu vực Vu Gia – Thu Bồn. Hội thảo lần này hướng đến mục tiêu đánh giá toàn diện tại khu vực sông Quảng Huế và các công trình chỉnh trị đã xây dựng để xây dựng giải pháp điều tiết nâng cao lượng nước về hạ du sông Vu Gia phục vụ việc đẩy mặn, cấp nước cho sinh hoạt, nông nghiệp và phát triển kinh tế - xã hội của cả hai địa phương.

Tại Hội thảo các đại biểu đã được nghe báo cáo về Đề cương Đề xuất giải pháp chỉnh trị và nâng cao đập điều tiết nước tại đầu sông Quảng Huế. Đây là nghiên cứu của nhóm chuyên gia với các nội dung nghiên cứu: Xây dựng bộ cơ sở dữ liệu địa hình thủy văn (được cập nhập đến 2017) phục vụ cho việc mô phỏng, dự báo tác động lòng Quảng Huế; Thiết lập mô hình thủy lực 1D và 2D mô phỏng dòng chảy; Tính toán tỷ phân lưu hiện nay ứng với hiện trạng công trình khi xét đến tác động của hồ chứa thượng nguồn tương ứng với các cấp lưu lượng; Nếu cần can thiệp giải pháp công trình bằng đập dâng thì tính toán thử dần xác định cao trình phù hợp cho công trình chỉnh trị sông Quảng Huế; Đánh giá tác động của vận hành hồ chứa theo Quy trình liên hồ 1537/QĐ-TTg trên lưu vực VGTB đến ảnh hưởng tỷ phân lưu lưu vực sông Quảng Huế; Xây dựng các kịch bản tính toán dòng chảy kiệt ứng với các tỷ phân lưu lưu vực sông Quảng Huế với các mức đảm bảo dùng nước tần suất P=50%, P=75%, P=85%, P = 90%; Để xuất các giải pháp công trình nâng cao khả nâng cấp nước trong mùa cạn; Mô phỏng đánh giá tác động của công trình đến ảnh hưởng lòng dẫn khu vực nghiên cứu; Tính toán ổn định với kết cấu công trình đã đề xuất nếu có.

Kinh phí thực hiện dự kiến là 1,5 tỷ đồng với thời gian thực hiện 18 tháng.

Với đề xuất này các đại biểu cho rằng để chỉnh trị dòng chảy của sông Quảng Huế cần mở rộng phạm vi nghiên cứu ở thượng nguồn với các trạm quan trắc rộng hơn. Một số đại biểu cho rằng, ngay từ đầu không nên can thiệp các công trình vào các công trình tự nhiên, nhưng sông Quảng Huế đã bị can thiệp bởi các công trình xây dựng nên cần phải có thêm công trình khác để can thiệp lại các công trình đó nhằm bảo đảm dòng chảy tự nhiên của sông. Đồng thời, hai địa phương Quảng Nam và Đà Nẵngcần  khai thác nguồn nước, sử dụng nước hiệu quả nhất là vào mùa kiệt...

Các đại biểu cho rằng để chỉnh trị dòng chảy của sông Quảng Huế cần mở rộng phạm vi nghiên cứu ở thượng nguồn với các trạm quan trắc rộng hơn
Các đại biểu cho rằng để chỉnh trị dòng chảy của sông Quảng Huế cần mở rộng phạm vi nghiên cứu ở thượng nguồn với các trạm quan trắc rộng hơn

Bên cạnh việc đề xuất giải pháp chỉnh trị dòng chảy sông Quảng Huế, tổ chức CARE Quốc tế tại Việt Nam còn khuyến nghị cần có thêm các hoạt động hỗ trợ cộng đồng nhằm nâng cao khả năng thích ứng.

Theo đó, tổ chức CARE khuyến nghị các cơ quan quản lý đập nước, hồ chứa, chính quyền địa phương, trạm khí tượng thủy văn và ban điều phối liên tỉnh cần thông báo kịp thời và chính xác cảnh báo lũ lụt cho người dân, đầu tư thêm hệ thống cảnh báo, Lắp đặt thiết bị, phần mềm tự động để đo lưu lượng xả lũ và cơ chế giám sát; Tăng cường trách nhiệm xã hội; Tổ chức công tác điều phối và rút kinh nghiệm giữa các ban ngành hữu quan và giữa 2 tỉnh; Đôn đốc các bên liên quan và tham mưu lãnh đạo tỉnh chỉ đạo các giải pháp giảm rủi ro lũ lụt, hạn hán...

Ngoài ra cần phải chú trọng đến rủi ro hạn hạn. Ban quản lý Thủy điện phối hợp với cơ quan thủy lợi các cấp và đại diện cộng đồng các xã hạ lưu lên phương án xả nước trong mùa hạn và điều tiết nước sản xuất hợp lý dung hòa lợi ích của thủy điện và thủy lợi, tưới tiêu; Có phương án chống xâm nhập mặn bao gồm trạm xử lý nước mặn, đập ngăn mặn, đảm bảo nguồn cung nước từ thượng nguồn về để đẩy mặn ra, cải thiện hệ thống thủy lợi, xây kênh dẫn nước từ sông chính Thu Bồn (Đại Hồng), Duy Vinh và Duy Phước (Cẩm Kim) phục vụ việc tưới tiêu, nạo vét kênh mương; Nâng cao năng lực tưới tiêu của hệ thống trạm bơm vào mùa mưa và mùa khô hạn; Cung cấp điện 3 pha cho các điểm tưới tiêu bằng máy bơm ngoài đồng ruộng khu vực hạn.