Hồ thủy điện ở Quảng Nam: Khó vận hành và điều tiết

Tài nguyên nước - Ngày đăng : 17:07, 06/04/2018

(TN&MT) - Qua hơn 2 năm triển khai Quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn, các quy định khi áp dụng vào thực tế tại Quảng Nam đang...
(TN&MT) - Qua hơn 2 năm triển khai Quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn, các quy định khi áp dụng vào thực tế tại Quảng Nam đang nảy sinh nhiều vướng mắc, khiến chính quyền địa phương gặp khó trong việc ra quyết định vận hành, điều tiết các hồ chứa thủy điện trên địa bàn.
Hồ thủy điện ở Quảng Nam  Khó vận hành và điều tiết
Quảng Nam đang gặp khó trong việc ra quyết định vận hành, điều tiết các hồ chứa thủy điện. Ảnh: MH
Bản đồ ngập vùng hạ du chưa phù hợp
 
Trên địa bàn tỉnh Quảng Nam, có 6 nhà máy thủy điện (A Vương, Đăk Mi 4, Sông Tranh 2, Sông Bung 4, Sông Bung 4A và Sông Bung 5) thực hiện vận hành theo Quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn theo Quyết định số 1537/QĐ-TTg ngày 7/9/2015 của Thủ tướng Chính phủ. Theo các quy định về quản lý an toàn đập và xây dựng phương án phòng, chống lũ, lụt cho vùng hạ du đập thủy điện, bản đồ ngập lụt vùng hạ du phải được xây dựng các kịch bản lưu lượng xả ứng với các loại tần suất và trường hợp vỡ đập.
 
Đặc thù vùng hạ du hệ thống sông Vu Gia - Thu Bồn đều chịu ảnh hưởng của 4 hồ thủy điện Sông Tranh 2, A Vương, Sông Bung 4 và Đăk Mi 4. Bởi vậy, việc quy định mỗi hồ xây dựng bản đồ là chưa phù hợp mà cần phải xây dựng bản đồ ngập lụt trong điều kiện các hồ cùng tham gia vận hành điều tiết lũ theo nhiều kịch bản khác nhau.
 
Ban Chỉ huy Tìm kiếm cứu nạn và Phòng chống thiên tai (PCTT&TKCN) tỉnh Quảng Nam cho biết, trong mùa lũ năm 2016, 2017, thực tế triển khai theo dõi, chỉ đạo vận hành, điều tiết các hồ chứa thủy điện theo Quy trình 1537 đã cho thấy những tồn tại về vận hành giảm lũ cho hạ du. Theo Điều 7, Điều 8 - Quy trình 1537, khi xuất hiện mưa, lũ mà trong vòng 24 - 48 giờ tới có khả năng ảnh hưởng trực tiếp đến các địa phương trên lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn và mực nước tại trạm thủy văn Ái Nghĩa và Câu Lâu dưới báo động II, Trưởng Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh quyết định vận hành để hạ dần mực nước các hồ chứa thủy điện A Vương, Sông Bung 4, Đắk Mi 4 và Sông Tranh 2 về cao trình mực nước đón lũ. Khi đó, dung tích phòng lũ của các hồ chứa thủy điện sẽ đạt tối đa, nhưng nếu thời gian sau đó không xảy ra mưa thì các hồ có khả năng thiếu nước để cấp cho mùa cạn năm sau.
 
Đối với hạ lưu sông Vu Gia, trường hợp cả 3 hồ A Vương, Sông Bung 4 và Đắk Mi 4 đồng thời hạ về mực nước đón lũ thì lũ sẽ lên nhanh ở hạ du, và hậu quả sẽ đặc biệt nghiêm trọng nếu ở khu vực này đã có mưa lớn.
 
Tình hình thời tiết mùa mưa lũ 2 năm qua diễn biến khá phức tạp, mưa lớn xảy ra trên diện rộng hoặc cục bộ, kéo dài nhiều ngày đã gây không ít khó khăn trong công tác vận hành, điều tiết các hồ chứa thủy điện trên địa bàn tỉnh. Thực tế, các chủ đập chưa kịp thời gửi dự báo lũ về hồ, số liệu dự báo tại các thời điểm không thống nhất, thậm chí sai lệch nhiều. Điều này dẫn đến công tác tham mưu ban hành lệnh vận hành điều tiết giảm lũ cho hạ du còn bị động. Trường hợp lũ về nhanh sẽ không kịp vận hành hạ mực nước hồ để đón lũ.
 
Cần nâng cấp thiết bị công nghệ dự báo           

Để phục vụ dự báo lũ về kịp thời hơn, hỗ trợ công tác ra quyết định vận hành hồ, Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Quảng Nam đã đề nghị Bộ TN&MT chỉ đạo cơ quan KTTV phối hợp với các chủ đập thuỷ điện bổ sung các trạm quan trắc trên lưu vực hồ chứa; nâng cấp thiết bị công nghệ dự báo nhằm tăng tính chính xác cho dự báo, cảnh báo mưa lũ. Bên cạnh đó, địa phương cần được hướng dẫn lập kế hoạch phát triển mạng lưới trạm KTTV chuyên dùng, đảm bảo năng lực dự báo và điều tiết lũ trên lưu vực sông;
 
Đối với Quy trình 1537, cần có quy định điều tiết linh hoạt hơn để giúp Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Quảng Nam chủ động tính toán, quyết định vận hành đưa mực mức hồ về cao trình phù hợp vừa giảm lũ cho hạ du, vừa đảm bảo nguồn nước cấp cho mùa cạn năm sau. Trường hợp lũ đồng thời xuất hiện trên 3 hồ thủy điện A Vương, Đắk Mi 4 và Sông Bung 4, tỉnh đề nghị tính toán quy định phân chia thời gian vận hành xả nước đón lũ giữa các hồ với mức lưu lượng phù hợp, khống chế không để mực nước lên nhanh ở vùng hạ du. Ngoài ra, cần giải thích rõ hơn cụm từ “trường hợp đặc biệt” (tại Khoản 1, Điều 5) và “tình huống bất thường” (tại Khoản 6, Điều 7; Khoản 6, Điều 8).
 
Đối với Bộ Công Thương, Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Quảng Nam đề nghị Bộ chỉ đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam, các chủ đập thủy điện tính toán xây dựng Phương án phòng chống, lũ lụt chung cho vùng hạ du hệ thống sông Vu Gia - Thu Bồn trên cơ sở nhiều kịch bản điều tiết lũ của các hồ chứa thủy điện.

Các chủ đập thủy điện cần phối hợp với các ngành, địa phương vùng hạ du điều tra, đánh dấu vết lũ của năm 2016, 2017 để xây dựng bản đồ ngập lụt; tiếp tục đầu tư xây dựng tháp báo lũ, trạm loa phát thanh phục vụ cho công tác thông tin, truyền tin vận hành, điều tiết trong mùa mưa lũ để nhân dân biết và chủ động theo dõi và ứng phó.