Bảo vệ nước dưới đất tại các đô thị lớn: Lần đầu tiên đô thị được điều tra cơ bản về nước dưới đất
Tài nguyên nước - Ngày đăng : 20:02, 29/01/2018
Các cơ quan phối hợp thực hiện đề án bao gồm: Trường Đại Học Mỏ - Địa chất; Hội Địa chất thủy văn Việt Nam; Các Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố thành phố Hà Nội, Thái Nguyên, Hải Dương, Quy Nhơn, Vũng Tàu, Ban Mê Thuật, Hồ Chí Minh, Cần Thơ và Mỹ Tho.
Bảo vệ nước dưới đất ở đô thị - vấn đề cấp thiết
Theo các chuyên gia, quá trình đô thị hóa ở nước ta đã và đang làm biến đổi mạnh mẽ các điều kiện môi trường và tài nguyên ở cả thành thị lẫn nông thôn. Tại một số đô thị, tình trạng ô nhiễm môi trường đang trở nên trầm trọng bởi các hoạt động công nghiệp, sản xuất năng lượng và giao thông. Ô nhiễm bởi khí thải, bụi đã đến mức báo động; ô nhiễm do chất thải rắn đang trở thành mối lo ngại của cả cộng đồng. Bên cạnh đó, tình trạng suy giảm nguồn tài nguyên nước (ô nhiễm và cạn kiệt) đang làm ảnh hưởng không nhỏ tới tính phát triển bền vững của các đô thị.
Việc khai thác nước dưới đất để cung cấp cho các đô thị đã góp phần quan trọng cho sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, nâng cao chất lượng đời sống của người dân đô thị. Tuy nhiên, trong quá trình khai thác nước, đô thị hóa, phát triển đô thị đã nảy sinh và tiềm ẩn nhiều nguy cơ tác động xấu tới nguồn tài nguyên nước dưới đất. Đó là: Khai thác vượt quá trữ lượng có thể khai thác của nguồn nước, hoặc khai thác thiếu quy hoạch, không theo quy hoạch, thiếu đánh giá nguồn nước song vẫn khai thác làm suy giảm mực nước. Chưa xem xét đầy đủ vấn đề bảo vệ nước dưới đất khi xây dựng quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng và phát triển thành phố.
Nhiều cơ sở sản xuất có phát sinh nguồn ô nhiễm được xây dựng không theo quy hoạch được bố trí ngay trong đới cung cấp cho nước dưới đất và trong phạm vi ảnh hưởng của công trình khai thác là nguy cơ lớn gây ô nhiễm nguồn nước dưới đất.
Lượng nước thải, rác thải ngày càng tăng song ở phần lớn các đô thị chưa có các hệ thống xử lý rác thải, nước thải. Rác thải, nước thải chưa được thu gom tốt là nguy cơ ô nhiễm môi trường và nước dưới đất. Hệ thống tiêu thoát nước mưa, nước thải thiếu hoàn chỉnh, xuống cấp, dễ gây ô nhiễm nước dưới đất.
Tốc độ đô thị hóa tăng, diện tích cung cấp từ nước mưa cho nước dưới đất bị thu hẹp do tốc độ đô thị hóa tăng, các vỉa hè được bê tông hóa, các hồ bị san lấp.
Đặc biệt, gần đây hệ thống các lỗ khoan khảo sát địa chất công trình, xử lý nền móng công trình phát triển mạnh là con đường dễ gây ô nhiễm nước dưới đất song chưa được quản lý.
Bảo vệ nước dưới đất là công việc hết sức phức tạp, đòi hỏi sự tham gia của các cấp và nhiều Bộ, ngành, và toàn dân. Nước dưới đất khi đã bị ô nhiễm, cạn kiệt, bị nhiễm mặn thì khôi phục nó là điều hết sức khó khăn và tốn kém về kinh phí. Vì vậy cần đặt vấn đề phòng ngừa, bảo vệ là chính.
Để bảo vệ nước dưới đất ở các đô thị cần phải có chương trình và giải pháp toàn diện về mọi mặt, trước hết cần hiểu biết về sự phân bố không gian của các tầng chứa nước, sự phân bố của các loại nước, trữ lượng và chất lượng của chúng để có các quy hoạch khai thác sử dụng nước một cách hợp lý; các quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch mở rộng phát triển đô thị, phát triển các khu công nghiệp, quy hoạch các công trình vệ sinh môi trường, như bố trí bãi thải, nghĩa trang,..., phát triển giao thông cần phải được tính toán, xem xét để không gây ô nhiễm, cạn kiệt nguồn nước. Đó chính là lý do mà đề án Bảo vệ nước dưới đất ở các đô thị lớn được sớm triển khai tại một số đô thị lớn trong cả nước.
Lần đầu tiên các đô thị được điều tra cơ bản về nước dưới đất
Ông Tống Ngọc Thanh – Tổng Giám đốc Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước Quốc gia cho biết: Để triển khai giai đoạn 1 Dự án, ngay từ đầu năm 2017, Trung tâm đã tổ chức nhiều buổi hội nghị, hội thảo để rà soát tổng thể, điều chỉnh nội dung, khối lượng, dự toán của toàn đề án, trình Bộ và đã được Bộ TNMT phê duyệt tại Quyết định số 1247/QĐ-BTNMT. Trên cơ sở đó, Trung tâm đã lập dự toán chi tiết năm 2017 theo dự toán được giao. Trong đó xác định nhiệm vụ trọng tâm trong năm là tập trung thi công hoàn thành toàn bộ khối lượng các công việc còn lại của các đô thị Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Buôn Mê Thuột và tiến hành lập báo cáo tổng kết mẫu 3 đô thị này làm cơ sở để tổng kết các đô thị còn lại và tổng kết toàn Đề án trong năm 2018. Tổ chức thi công có hiệu quả, đạt chất lượng cao tại các đô thị Thái Nguyên, Hải Dương, Cần Thơ, Vũng Tàu, Quy Nhơn và Mỹ Tho.
Nhờ vậy, dự án đã đạt được một số kết quả được đánh giá cao. Đối với đô thị Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh và Buôn Mê Thuột: Hoàn thành toàn bộ nội dung, khối lượng công việc của Đề án đã được phê duyệt. Hoàn thành mục tiêu, nhiệm vụ Chính phủ đặt ra và đã được Hội đồng nghiệm thu cấp cơ sở thông qua ngày 28/11/2017. Đây là bộ sản phẩm phục vụ hữu ích cho yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội ở các đô thị này trong thời gian tới.
Kết quả nổi bật, đó là, đã tổng hợp rà soát, cập nhật được toàn bộ các tài liệu điều tra cơ bản về tài nguyên nước dưới đất trên phạm vi thực hiện từ trước đến nay, tiến hành điều tra, đánh giá chi tiết về tài nguyên nước dưới đất và các vấn đề cần bảo vệ nguồn tài nguyên nước dưới đất. Có thể nói đây là lần đầu tiên các đô thị này đầu tư một cách toàn diện, chi tiết và bài bản về điều tra cơ bản tài nguyên nước dưới đất phục vụ hữu ích cho mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội. Vì vậy các số liệu đánh giá về tài nguyên và trữ lượng, chất lượng nguồn nước dưới đất của đề án có độ tin cậy cao.
Bên cạnh đó, đã tính toán được các phương án và xây dựng quy hoạch khai thác, sử dụng nước dưới đất tối ưu nhất cũng như xác lập kế hoạch, lộ trình khai thác bền vững nguồn tài nguyên quý giá này.
Theo ông Tống Ngọc Thanh, một kết quả hết sức quan trọng là đã tính toán và xây dựng quy hoạch vùng cấm, vùng hạn chế và vùng được phép khai thác nước dưới đất ở các đô thị. Trong đó, đã khoanh định các khu vực cần bảo vệ miền cấp, miền vận động và khu vực khai thác. Giám sát cả về số lượng và chất lượng đồng thời đưa ra các giải pháp, lộ trình cần phải thực hiện ngay trong thời gian tới. Xây dựng được bộ dữ liệu thông tin về tài nguyên nước dưới đất cho từng đô thị đồng bộ, có hệ thống, dễ tra cứu, phục vụ tốt cho công tác quản lý, giám sát các hoạt động khai thác và sử dụng nguồn nước.
Ngoài ra, các giải pháp bảo vệ tài nguyên nước dưới đất đưa ra cho các đô thị này đảm bảo tính khả thi, hiệu quả và tiết kiệm nguồn lực khi triển khai.
Có thể nói, Đề án bảo vệ nước dưới đất ở đô thị với quy mô lớn và quan trọng, từ năm 2014- 2017 đã thực hiện một số nội dung theo đề án được phê duyệt tại 09 đô thị Hà Nội, Buôn Mê thuột, TP Hồ Chí Minh, Thái Nguyên, Hải Dương, Mỹ Tho, Quy Nhơn, Cần Thơ và Vũng Tàu. “Năm 2018, sẽ tập trung thi công hoàn thành các đô thị còn lại và lập báo cáo tổng kết toàn đề án”- ông Tống Ngọc Thanh cho biết.