Cần nâng cao ý thức chấp hành pháp luật tài nguyên nước

Tài nguyên nước - Ngày đăng : 00:00, 15/01/2017

Trên địa bàn tỉnh Bắc Giang ngày càng có nhiều tổ chức, cá nhân khai thác nước mặt và nước ngầm phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh song nhiều trường hợp trốn phép, thậm chí có giấy phép vẫn không chấp hành nghiêm các quy định, gây thất thoát tài nguyên, gia tăng ô nhiễm nguồn nước.

Theo Phòng Tài nguyên nước (Sở Tài nguyên và Môi trường Bắc Giang), năm 2016, toàn tỉnh có 104 trạm khai thác nước mặt phục vụ sản xuất, sinh hoạt thuộc diện phải cấp phép nhưng chỉ có 27 đơn vị bảo đảm thủ tục này. Riêng 24 công trình cấp nước sinh hoạt tập trung do các doanh nghiệp (DN) quản lý đang khai thác nước mặt, nước ngầm lưu lượng từ 10m3 đến hàng nghìn m3/ngày đêm nhưng hiện mới có một công trình tuân thủ đúng quy định. 

Một số công trình chưa được cấp phép khai thác nước mặt. Ảnh minh họa
Một số công trình chưa được cấp phép khai thác nước mặt. Ảnh minh họa

Thống kê trên địa bàn tỉnh cho thấy, Công ty TNHH Thương mại và xây dựng Điện nước Đại Phúc (TP Bắc Giang) quản lý 4 công trình khai thác nước mặt với tổng công suất hơn 1,4 nghìn m3/ngày đêm ở các huyện: Lục Ngạn, Tân Yên, Lục Nam nhưng không có giấy phép. Ở huyện Yên Dũng, Công ty cổ phần thương mại và xây dựng Nam Sơn khai thác nước mặt để cấp nước sinh hoạt cho người dân cũng rơi vào tình trạng này.

Không chỉ khai thác nước mặt, 41 tổ chức, cá nhân đang khai thác nước ngầm trái phép, chiếm 23%. Các trường hợp này chủ yếu đào giếng ở đồng ruộng, vườn đồi, khu dân cư lấy nước sinh hoạt, tưới rau màu, cây ăn quả. Người dân khoan hàng trăm giếng trên đồng, cạnh đường giao thông để lấy nước tưới và sinh hoạt. Nhiều giếng khoan xong nhưng chưa được trám lấp. Đó là chưa kể ở một số địa phương có DN xin cấp phép một đằng nhưng lại khai thác một nẻo. Mới đây, qua kiểm tra, Sở TN&MT phát hiện Công ty cổ phần thương mại dịch vụ Trường Thành (Lạng Giang) tự khoan thêm một giếng lấy nước.

Theo Luật Tài nguyên nước năm 2012, đơn vị khai thác từ 10 m3 nước ngầm và 100m3 nước mặt/ngày đêm trở lên phải xin cấp phép. Nghị định 142/2013 của Chính phủ cũng quy định, đối tượng khai thác nước mặt cho các hoạt động sản xuất, kinh doanh và mục đích phi nông nghiệp với lưu lượng từ 100m3/ngày đêm trở lên và nước dưới đất từ 10 m3 đến dưới 200m3 bị phạt thấp nhất từ 30-50 triệu đồng, phạt tối đa là 250 triệu đồng. Song mấy năm gần đây, trong tỉnh chưa có tổ chức, cá nhân nào vi phạm bị xử phạt hay tạm đình chỉ để hoàn thiện hồ sơ xin cấp phép. Bởi vậy, nhiều DN dù biết rõ quy định nhưng vẫn “phớt lờ” trách nhiệm. 

Ông Nguyễn Văn Đức, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và xây dựng Điện nước Đại Phúc (TP Bắc Giang) cho rằng, nếu cấp phép sẽ phải thuê đơn vị tư vấn khảo sát, lập đề án, báo cáo phù hợp với quy hoạch, phải nộp phí tài nguyên, rất tốn kém và mất thời gian. 

Theo ông Nguyễn Văn Tuyến, Phó Giám đốc Sở TN&MT, để chấn chỉnh những vi phạm nêu trên, năm nay, Sở đã có văn bản đề nghị các huyện, TP tăng cường phối hợp, rà soát tất cả các tổ chức, cá nhân đang khai thác nước thuộc diện phải cấp phép để yêu cầu hoàn thiện thủ tục hồ sơ trình cấp có thẩm quyền phê duyệt. Đơn vị nào cố tình vi phạm, sau khi đôn đốc, Sở sẽ xử phạt nghiêm minh. Sở TN&MT cũng tham mưu UBND tỉnh ban hành quyết định công bố một vùng cấm và 23 vùng hạn chế khai thác nước ngầm trong tỉnh.

Cùng với đó, Sở TN&MT tăng cường phổ biến, hướng dẫn các thủ tục, quy định về xin cấp phép cho các DN, cá nhân. Tiếp tục tổ chức tập huấn, tuyên truyền sâu rộng Luật Tài nguyên nước cho các tổ chức, cá nhân, cán bộ địa chính để thực hiện nghiêm quy định của pháp luật. Đặc biệt, chính quyền cấp huyện, xã siết chặt công tác quản lý hoạt động này trên địa bàn, kịp thời xử lý dứt điểm trường hợp vi phạm; yêu cầu trám lấp giếng không sử dụng, tránh gây ô nhiễm và tiềm ẩn yếu tố mất an toàn đối với người dân; lồng ghép vốn để cứng hóa kênh mương, cải tạo trạm cấp nước phục vụ sản xuất.

PV