Khốn đốn vì khô hạn kéo dài: Mực nước thấp kỷ lục
Tài nguyên nước - Ngày đăng : 11:16, 01/08/2019
Sông hồ đều cạn
Theo Bộ NN&PTNT, hầu hết, diện tích lúa, hoa màu ở Trung bộ đang chịu ảnh hưởng của hạn hán, thiếu nước nằm trong khu tưới của các công trình hồ chứa. Tính đến cuối tháng 7/2019, mực nước tại các hồ thủy lợi khu vực này phổ biến từ 22 - 57% dung tích thiết kế, thấp hơn nhiều so với cùng kỳ năm 2018, 2017 và nhỉnh hơn một chút so với năm hạn nghiêm trọng 2016.
Thực tế, các hồ chứa thủy lợi được tích tương đối cao ở cuối mùa mưa năm 2018, nhưng từ tháng 5 trở lại đây, lượng nước trữ giảm khá nhanh với mức giảm phổ biến từ 20 - 30%. Toàn khu vực có 414/1.829 hồ nhỏ hiện đã cạn nước.
Một số hồ chứa thủy điện thường xuyên bổ sung nước cho hạ du cũng đang có mức trữ thấp. Sông Tranh 2 (khu vực Lưu Gia - Thu Bồn, bổ sung nước cho tỉnh Quảng Nam, TP. Đà Nẵng) hiện đang dưới mực nước chết, không cung cấp đủ nước cho hạ du nên xảy ra tình trạng xâm nhập mặn ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp và dân sinh, đã xuất hiện độ mặn cao nhất kể từ khi có số liệu quan trắc đến nay (năm 2005). Một số hồ chứa xấp xỉ mực nước chết như hồ Ka Nak, sông Ba Hạ (lưu vực sông Ba, bổ sung nước cho tỉnh Bình Định và Phú Yên); hồ Đại Ninh, Hàm Thuận (lưu vực sông Lũy, sông La Ngà, bổ sung nước cho tỉnh Bình Thuận) hiện dung tích còn 0,4% và 6,8% dung tích thiết kế.
Mặc dù, theo quy luật hàng năm, thời điểm này là giữa mùa lũ chính vụ, nhưng đến thời điểm hiện tại, nhiều hồ đã về gần đến mực nước chết, khả năng khai thác cả về phát điện và xả nước phục vụ dân sinh đều rất hạn chế. Về nguyên nhân, theo ông Hoàng Đức Cường, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Khí tượng thủy văn (Bộ TN&MT), khu vực Trung Bộ đã xảy ra nắng nóng và thiếu hụt lượng mưa trong thời gian dài. Các đợt mưa ở Trung Bộ thường ngắn và tổng lượng mưa không lớn, tổng lượng mưa từ tháng 1 - 6/2019 thấp hơn so với TBNN từ 20 - 90%.
Lượng dòng chảy trên các sông thuộc khu vực Trung Bộ phổ biến thấp hơn TBNN cùng kỳ từ 35 - 60%, một số sông hụt trên 70% như sông Mã (Thanh Hóa), sông Cả (Nghệ An), sông Vu Gia (Quảng Nam), sông Ba (Phú Yên)... Một số sông mực nước đã xuống mức thấp nhất trong chuỗi số liệu quan trắc như sông Thu Bồn, sông Trà Khúc.
Tháng 8 - có mưa nhưng chưa dứt hạn
Theo dự báo của Trung tâm Dự báo KTTV Quốc gia, nắng nóng và nhiệt độ cao ở Trung Bộ nhiều khả năng sẽ chấm dứt từ đầu tháng 8. Dù vậy, kết quả tính toán chỉ số khô hạn khí tượng, chỉ số cạn thủy văn đều đang ở mức rất cao và đều ở ngưỡng hạn nặng đến rất nặng từ Nghệ An đến Khánh Hòa. Trong tháng 8 - 9, lượng mưa ở khu vực này có tăng hơn nhưng không nhiều, nên từ nay đến hết tháng 8/2019, lượng dòng chảy trên các sông thuộc khu vực Trung Bộ tiếp tục suy giảm và ở mức thiếu hụt so với TBNN phổ biến từ 40 - 65%, một số nơi thiếu hụt trên 80% như ở Quảng Nam, Bình Định và Phú Yên.
Ông Hoàng Đức Cường nhận định, thời gian tới, mực nước trên các sông thuộc khu vực Trung Bộ tiếp tục xuống mức thấp hơn nhiều so với TBNN cùng kỳ. Tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn sẽ tiếp tục diễn ra tại các tỉnh từ Nghệ An đến Khánh Hòa, đặc biệt là các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên. Bên cạnh đó, hạ lưu một số sông có khả năng xuất hiện độ mặn cao nhất trong chuỗi số liệu quan trắc (xuất hiện vào cuối tháng 7 đầu tháng 8/2019).
Từ nay đến cuối năm 2019, khu vực Trung Bộ có khả năng bị ảnh hưởng bởi 1 - 2 cơn bão, nhiều khả năng gây mưa cho lưu vực sông Mê Kông. Trong tháng 8 - 9, tổng lượng mưa khu vực thượng lưu tại Lào - Trung Quốc ở mức cao hơn so với TBNN khoảng 10 - 20%, khu vực hạ lưu Nam Lào - Campuchia) có xu hướng mưa nhiều hơn trong các tháng 8 - 9 và bắt đầu thiếu hụt mưa từ tháng 10.
Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ về ứng phó hạn hán, Bộ TN&MT sẽ phối hợp với Bộ NN&PTNT, Bộ Công Thương và các địa phương thống nhất kế hoạch điều tiết nước các hồ chứa thủy lợi, thủy điện để bổ sung nước phòng, chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn cho hạ du. Bên cạnh đó, rà soát và đề xuất điều chỉnh quy trình vận hành liên hồ chứa các lưu vực sông liên tỉnh để bảo đảm khai thác, sử dụng hiệu quả nguồn nước với ưu tiên trước hết là bảo đảm nguồn nước phục vụ sinh hoạt, sản xuất nông nghiệp sau đó đến các nhu cầu thiết yếu khác.