Gia Lai: Nhiều công trình cấp nước hoạt động kém hiệu quả

Tài nguyên nước - Ngày đăng : 18:31, 02/08/2019

(TN&MT) - Thống kê từ Sở NN&PTNT tỉnh Gia Lai cho thấy, hơn một phần ba trong tổng số công trình cấp nước sinh hoạt tập trung nông thôn tại tỉnh Gia Lai hoạt động không hiệu quả hoặc không còn hoạt động. Tỉ lệ này chiếm khá cao, gây lãng phí nguồn ngân sách đầu tư và giảm tỉ lệ người dân nông thôn được sử dụng nguồn nước sạch tại tỉnh này.
ct2
Công trình cấp nước sinh hoạt tập trung xã Ia Boòng (huyện Chư Prông) đã ngừng hoạt động

Đầu tư tiền tỉ rồi bỏ hoang

Công trình cấp nước sinh hoạt tập trung tại làng Gran, xã Ia Hlốp (huyện Chư Sê) đã được xây dựng từ nguồn vốn Chương trình 134 với tổng kinh phí trên 506 triệu đồng. Sau khi đưa vào sử dụng hồi tháng 10/2012, xã xã Ia Hlốp đã bàn giao công trình cho thôn quản lý. Đến đầu năm 2018, công trình đã bị hư hỏng và không còn hoạt động từ lâu.

Ngoài công trình cấp nước ở làng Gran, trên địa bàn xã Ia Hlốp còn có công trình cấp nước sinh hoạt tập trung làng Plong 2 cũng bị hư hỏng nhiều năm nay. Chị Rơ Mah Xuân (làng Gran) cho biết: Gia đình chị cũng có giếng nhưng nguồn nước không đảm bảo vệ sinh. Khi công trình cấp nước sinh hoạt tập trung làng Gran được đưa vào sử dụng, kéo nước về tận nhà, dân làng rất phấn khởi.

“Thế nhưng, chỉ 02 tháng sau, đường ống dẫn nước từ công trình này đã bị hư hỏng nên gia đình tôi không còn được sử dụng nguồn nước sạch này nữa. Tôi lại phải quay trở lại lấy nước giọt về dùng. Nước giọt vừa không đảm bảo vệ sinh mà còn hay bị cạn vào mùa khô nên rất bất tiện”, chị Rơ Mah Xuân nói.

Tương tự, công trình cấp nước sinh hoạt tại xã Ia Boòng (huyện Chư Prông) được đầu tư kinh phí 1,2 tỉ đồng, xây dựng từ năm 2007 để phục vụ nước sinh hoạt cho 250 hộ dân trong xã. Tuy nhiên, do công trình đã bị hư hỏng nhiều năm nay mà không có nguồn kinh phí để sửa chữa nên đã ngừng hoạt động.

Cũng vì thế, nhiều hộ dân xã Ia Boòng phải di chuyển hàng km ra các con suối để lấy nước về dùng. Bà Rơ Lan Aroang (làng Grieng, xã Ia Boòng) than phiền: “Nước suối không đảm bảo vệ sinh nên người lớn và trẻ nhỏ trong làng thường bị bệnh về da và tiêu chảy. Giếng nước bị sạt lở nên nước đục và thiếu nước vào mùa khô. Tôi chỉ mong nhà nước sớm sửa chữa công trình cấp nước tại làng, để bà con được sử dụng nước sạch”.

Nhiều công trình kém hiệu quả

Tình trạng công trình cấp nước sinh hoạt được đầu tư nhưng hoạt động kém hiệu quả hoặc bị bỏ hoang cũng xảy ra ở nhiều địa phương khác của tỉnh Gia Lai. Thống kê từ ngành chức năng cho thấy, cả tỉnh Gia Lai được đầu tư xây dựng 318 công trình cấp nước sinh hoạt tập trung nông thôn. Tuy nhiên, ngoài 187 công trình đang còn hoạt động, thì có 35 công trình hoạt động kém hiệu quả và 96 công trình đã ngừng hoạt động.

Con số này cho thấy, tỉ lệ số công trình cấp nước tập trung nông thôn hoạt động hiệu quả còn thấp, trong khi đó, tỉ lệ các công trình cấp nước tập trung không hoạt động và hoạt động kém hiệu quả chiếm khá cao. Từ đó, một bộ phận người dân nông thôn của tỉnh không được sử dụng nguồn nước sạch, hợp vệ sinh, cũng là một khó khăn cho cuộc sống của người dân.

Giải thích cho thực trạng này, ông Nguyễn Chúc - Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy Lợi, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Gia Lai cho biết: Việc các công trình cấp nước tập trung hoạt động kém hiệu quả hoặc ngừng hoạt động có nhiều nguyên nhân chủ quan và khách quan. Trong đó, nhiều công trình thu tiền nước không đủ đóng tiền điện và vận hành, bảo dưỡng.

Ngoài ra, nhiều công trình hoạt động trên 15 năm nên bị hư hỏng, xuống cấp, kinh phí sửa chữa lớn, trong khi vốn ngân sách và chương trình dự án hỗ trợ để duy tu, bảo dưỡng rất hạn chế, chưa đáp ứng nhu cầu. Mặt khác, do ảnh hưởng thời tiết, khí hậu gây hư hỏng công trình, một số công trình bị thiếu hụt nguồn nước…

“Hầu hết các công trình là nhỏ, lẻ (thôn, làng), phong tục tập quán, ý thức quản lý, bảo vệ công trình và đóng góp kinh phí quản lý, vận hành của cộng đồng dân cư còn hạn chế, thiếu tự giác. Cùng với đó, năng lực chuyên môn của tổ quản lý chưa đáp ứng yêu cầu cũng là nguyên nhân khiến nhiều công trình cấp nước tập trung hoạt động không hiệu quả”, ông Nguyễn Chúc nói thêm.

ct1
Một Nhà điều hành công trình cấp nước sinh hoạt đã bị bỏ hoang nhiều năm nay

Tìm giải pháp khắc phục

Các công trình cấp nước sinh hoạt tập trung nông thôn tại Gia Lai góp phần giải quyết nhu cầu sử dụng nước cho khoảng 100.600 người ở khu vực nông thôn, chiếm tỉ lệ 10%, đặc biệt là vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa khó khăn về nước sinh hoạt. Đây vẫn là con số quá thấp.

Vì thế, những nơi không được đầu tư hoặc hệ thống cấp nước hoạt động không hiệu quả, người dân thường chủ động đào giếng, khoan giếng để lấy nước sử dụng. Để nâng cao tỉ lệ người dân nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh, năm 2018, tỉnh Gia Lai đã đầu tư gần 11 tỉ đồng để sửa chữa, nâng cấp 43 công trình cấp nước sinh hoạt. Dự kiến năm 2019 sẽ đầu tư 6,5 tỉ đồng để duy tu, bảo dưỡng 33 công trình khác.

Cùng với đó, giải pháp đưa ra là đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức cộng đồng gắn với chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Đơn vị vận hành được giao quản lý, sử dụng, khai thác phải có phương án vận hành, bảo trì, bảo dưỡng công trình cụ thể để công trình phát huy hiệu quả, hoạt động bền vững.

Biện pháp ưu tiên hiện nay ngoài khắc phục những công trình hư hỏng là ưu tiên mở rộng công trình cấp nước thị xã, thị trấn để đấu nối vào công trình cấp nước nông thôn liền kề. Được biết, đến năm 2022, toàn tỉnh Gia Lai sẽ đầu tư thêm 11 công trình cấp nước sinh hoạt từ nguồn vốn vay ODA, tăng thêm 11.000 người được sử dụng nước sạch nông thôn.

Ngoài ra, tùy vào năng lực tài chính của các huyện sẽ có thêm các công trình mới được đầu tư. Tính đến năm 2018, toàn tỉnh Gia Lai có 93% người dân được sử dụng nước hợp vệ sinh. Ngành chức năng tỉnh Gia Lai đang nỗ lực để đưa tỉ lệ người dân được sử dụng nước hợp vệ sinh này lên con số cao hơn, đáp ứng nhu cầu sử dụng nước sạch của người dân trên địa bàn.