Bà Rịa - Vũng Tàu: Xử lý nghiêm các trường hợp gây thất thoát tài nguyên khoáng sản
Khoáng sản - Ngày đăng : 10:03, 26/07/2019
Theo thống kê, toàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu có 32 hồ chứa nước phục vụ cho hơn 10.000ha diện tích canh tác nông nghiệp và cung cấp nước cho các nhà máy nước. Đa số các hồ chứa nước trên địa bàn tỉnh đều được đưa vào sử dụng từ 20-30 năm. Qua nhiều năm khai thác sử dụng, nhiều lòng hồ bị bồi lắng, làm thu hẹp dung tích, khả năng lấy nước giảm. Bên cạnh đó, do tình hình thời tiết ngày càng khắc nghiệt, nắng nóng kéo dài, lượng mưa thấp nên dung tích các hồ chứa nước trên địa bàn thường xuyên không đạt dung tích thiết kế và xảy ra tình trạng thiếu nước sinh hoạt, tưới tiêu vào mùa khô.
Xác định, việc nạo vét lòng hồ chứa nước trên địa bàn tỉnh là hết sức cần thiết và cấp bách, UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã chấp thuận cho một số doanh nghiệp triển khai thực hiện dự án nạo vét lòng hồ chứa nước. Theo đó, UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã yêu cầu chủ đầu tư phải lập phương án thi công, phương án bảo vệ môi trường, phương án vận chuyển khoáng sản; công khai phương án thi công, công khai phương án bảo vệ môi trường.
Đồng thời, công khai phương án vận chuyển khoáng sản, gửi địa phương và nhân dân biết, theo dõi, giám sát việc thực hiện. UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cũng đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc, các phòng chuyên môn thuộc Sở NN&PTNT, các đơn vị quản lý hồ, tổ chức bàn giao mốc giới, mặt bằng phục vụ thi công theo dự án đã được phê duyệt; kiểm tra, giám sát quá trình thực hiện nạo vét hồ chứa nước theo quy định về đảm bảo an toàn hồ chứa…
Tuy nhiên, trong quá trình nạo vét, một số doanh nghiệp đã không thực hiện đúng các hạng mục báo cáo tác động môi trường đã được phê duyệt, làm tăng nguy cơ ô nhiễm nguồn nước; chưa thực hiện đúng hồ sơ thiết kế và ranh giới mốc của dự án được phê duyệt gây thất thoát tài nguyên khoáng sản. Cụ thể, theo kết quả khảo sát tình hình triển khai thực hiện dự án nạo vét lòng hồ Sông Hỏa của HĐND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu mới đây cho thấy, chủ đầu tư chưa thực hiện đúng các hạng mục báo cáo đánh giá tác động môi trường. Mặc dù, công ty có bố trí 02 hồ nhưng 02 hồ lắng này lại không phải phục vụ cho việc nạo vét hồ mà chủ yếu là phục vụ cho việc rửa cát từ hoạt động khai thác ngoài ranh giới của dự án. Cũng qua khảo sát cho thấy khu vực thi công không phải là địa điểm cần nạo vét mà chủ yếu là nằm ngoài khu vực nạo vét…
Ông Nguyễn Hồng Lĩnh, Bí thư Tỉnh ủy Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết: Chủ trương phát triển nguồn nước ngọt cũng như nạo vét các hồ nước trên địa bàn là chiến lược lâu dài, nhằm phục vụ kinh tế, dân sinh và phục vụ nông nghiệp là chủ trương quyết liệt của tỉnh. HĐND, UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã cảnh báo các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương không được biến các chủ trương này thành những mỏ khai thác cát trái phép, không làm sai lệch mục tiêu của tỉnh là nạo vét hồ thủy lợi phục vụ cho kinh tế. Tuy nhiên, do công tác quản lý, giám sát việc nạo vét còn lỏng lẻo, dẫn đến doanh nghiệp thi công sai, gây bức xúc trong dư luận.
“Doanh nghiệp thực hiện dự án hồ Sông Hỏa đã làm sai, chỗ cần nạo vét thì không nạo vét, chỗ không được nạo vét thì lấy cát mang đi bán, việc này không chấp nhận được. Doanh nghiệp đã trục lợi từ một chủ trương đúng của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu để thu lợi là hoàn toàn sai, dứt khoát phải xử lý. Bên cạnh đó, để xảy ra tình trạng thất thoát tài nguyên khoáng sản từ dự án hồ Sông Hỏa không thể không liên quan đến cán bộ được giao nhiệm vụ quản lý như: quản lý đất đai, quản lý địa bàn. Các sai phạm gắn liền với cơ quan, đơn vị, cá nhân nên ai làm sai phải xử lý đúng mức độ. Có làm sai là phải có xử lý” - ông Nguyễn Hồng Lĩnh nhấn mạnh.