Thừa Thiên Huế: “Nóng” vấn đề khai thác cát sỏi trái phép, vật liệu thay thế cát
Khoáng sản - Ngày đăng : 09:16, 10/07/2019
“Hiện nguồn cung cát sỏi đang khan hiếm trên địa bàn, một số mỏ cát đã được cấp phép đang khai thác quá độ sâu. Xin tỉnh cho biết tình trạng khai thác cát trên địa bàn hiện nay như thế nào và giải pháp trong thời gian tới...”, đại biểu Lưu Đức Hoàn đặt câu hỏi.
Trả lời về vấn đề này, ông Phan Văn Thông - Giám đốc Sở TN&MT Thừa Thiên Huế thông tin, từ năm 2018 đến nay, các sở, ngành địa phương đã tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra giám sát việc chấp hành các quy định pháp luật trong lĩnh vực khai thác khoáng sản đối với các tổ chức, cá nhân hoạt động khai thác vận chuyển khoáng sản nhất là cát, sỏi lòng sông.
Cụ thể, thực hiên 5 đợt kiểm tra, thường xuyên giám sát các doanh nghiệp hoạt động khai thác cát sỏi trên sông. Chánh Thanh tra Sở đã ban hành 55 quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với 55 trường hợp có hành vi sai phạm, xử phạt 121 triệu đồng. Đề nghị UBND tỉnh xử phạt 4 tổ chức với số tiền hơn 4 tỉ đồng, tước 5 giấy phép khai thác đối với 5 mỏ cát sỏi. Lực lượng Công an tỉnh cũng đã kiểm tra, phát hiện lập biên bản 652 trường hợp, xử phạt hơn 1 tỉ đồng. Các địa phương cũng thành lập các đoàn liên ngành trên sông Hương, sông Bồ, phát hiện xử lý 27 trường hợp và xử phạt 68 triệu đồng...
“Về giải pháp, UBND tỉnh đã chỉ đạo thanh kiểm tra, ban hành kế hoạch đấu giá quyền khai thác khoáng sản thuộc thầm quyền UBND tỉnh giai đoạn 2018-2019. Để có nguồn cung, quy hoạch các khu vực trong vùng khai thác cát sỏi. Mở rộng mô hình khai thác cát sỏi nội đồng nhằm tạo điều kiện thu nhập cho các hộ tránh khai thác trái phép, khẩn trương rà soát các nguyên vật liệu thay thế đối với cát làm vật liệu xây dựng thông thường như đá. Sở cũng đã hướng dẫn các cơ sở sản xuất đá, cát xay để thay thế cát tự nhiên... Phối hợp với Sở Xây dựng, Công an tỉnh yêu cầu các bãi tập kết cát trái phép ngưng hoạt động, cam kết thực hiện đúng pháp luật...”, ông Thông cho hay.
Trong khi đó, đại biểu Huỳnh Cư thắc mắc giá cát ở Huế với các địa phương lân cận hiện như thế nào? Huế có kết nối với xung quanh hay không? Các cơ sở khai thác cát có cam kết bán đúng giá theo quy định của UBND tỉnh không? Đại biểu Trương Công Nam cho hay nguồn cung cát đang giảm và cũng đề xuất cần khuyến khích doanh nghiệp tái chế, tiết kiệm và sử dụng các nguồn mới...
Những ngày này, khảo sát của PV tại thị trường cát trên địa bàn Thừa Thiên Huế, giá cát đang ở mức cao kỷ lục, trung bình từ 300.000 đồng/m3, hơn gấp đôi so với trước đây tầm một năm. Cá biệt có nơi gần 400.000 đồng/m3. Trong khi đó, cát tô giá cao “khủng”, khoảng trên dưới 450.000 đồng/m3. Giá cát tăng đã đẩy nhiều nhà thầu đang thực hiện thi công các dự án công trình rơi vào cảnh khó khăn do tăng chi phí mua vật liệu xây dựng, đội vốn đầu tư... Các hộ dân cũng không phải ngoại lệ.
Được biết, hiện tại trên tuyến sông Hương, các mỏ cát, sỏi được cấp phép khai thác đã hết thời hạn, trữ lượng. Tại đây có 3 doanh nghiệp gồm Công ty CP TMDV Hồng Phát, Công ty CP Châu Thành Phát, Công ty CP XD 939 khai thác cát ở khu vực bãi bồi Lương Quán để cung cấp nguyên liệu xây dựng công trình dân sinh. Tuy nhiên, vào cuối năm 2018, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã đình chỉ khai thác và thu hồi giấy phép do vi phạm về độ sâu khai thác, xử phạt 3 công ty trên 2,4 tỷ đồng. Vừa qua trên sông Bồ, UBND tỉnh cũng đã xử phạt Công ty Tuấn Hải 1,6 tỷ đồng và cho dừng 2 mỏ cát do vi pham khai thác quá độ sâu...
Tại phiên chất vấn, ông Phan Thiên Định - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cho rằng, thời gian qua nguồn cát chủ yếu của địa phương là cát sông, bản chất là cát này giá rẻ hơn so với giá thực tế trên thị trường và phần lớn khai thác cát lậu. Vừa qua, UBND tỉnh đã mạnh tay ngăn cấm cát lậu trái phép trên sông thì dẫn đến tình trạng khan hiếm nguồn cát, giá cát tăng...
“Giải pháp của tỉnh xu hướng là đến năm 2020 chúng ta sẽ có bản chấm dứt khai thác cát trên sông, chỉ còn 1 số vùng tập trung cát do dòng chảy thì có thể hình thành các mô hình cộng đồng để người dân hình thành các hợp tác xã dưới sự kiểm soát của nhà nước. Về nguồn cát bổ sung sẽ có 2 hướng. Hướng lâu dài là phải sử dụng nguồn cát nhân tạo từ xây, chế biến đá phục vụ hoạt động xây dựng. Hiện có 2-3 doanh nghiệp đăng kí. Trước mắt vận động tạo điều kiện cho các doanh nghiệp nhập cát từ các địa phương khác. Đồng thời giao Sở TN&MT khảo sát, đánh giá một số vùng cát nội đồng có thể khai thác phục vụ cho hoạt động xây dựng...”, ông Định nói.
Theo ông Nguyễn Văn Phương - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế thì hiện nguồn cung cát khan hiếm, nguồn tài nguyên cạn kiệt không chỉ tỉnh nhà nên phải hỗ trợ khơi thông thị trường- chống độc quyền, hỗ trợ để xuất hiện một ngành sản xuất vật liệu mới mà trước đây không thể có, đó là nguồn bền vững và khá lâu dài. Cần phải đưa ra những chính sách để khuyến khích cũng như chế tài, thay đổi tập quán xây dựng theo hướng tiết kiệm vật liệu đặc biệt là vật liệu cát cũng như theo hướng sử dụng cát thay thế để khuyến khích mảng cát xay phát triển...