Đưa ngành khai khoáng trở thành “rường cột”

Khoáng sản - Ngày đăng : 10:16, 02/07/2019

(TN&MT) - Để ngành khai khoáng Việt Nam hiệu quả hơn, năng suất hơn, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững, nhu cầu cấp bách là sự trợ giúp của Chính phủ trong việc hướng dẫn đánh giá, sửa đổi và bổ sung các quy định pháp luật về khai khoáng nhằm thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài một cách hiệu quả cũng như các nhà đầu tư lớn trong nước.
HNM 7851a
Thăm dò khai thác khoáng sản. Ảnh: Hoàng Minh

Pháp luật chồng chéo

Báo cáo của Nhóm Công tác Khoáng sản tại Diễn đàn Doanh nghiệp giữa kỳ năm 2019 vừa qua nêu rõ, tại Việt Nam, ước tính mới có khoảng 10% nguồn tài nguyên khoáng sản kim loại cơ bản và kim loại quý hiếm được khám phá cho tới ngày nay, do nước ta chưa thăm dò một cách hệ thống, chưa sử dụng công nghệ và phương pháp hiện đại để thăm dò, tìm kiếm những mỏ sâu, trữ lượng lớn và giàu khoáng sản hơn. Hiện, công tác khai thác chế biến khoáng sản ở nước ta mới chỉ tập trung vào những vết lộ dễ tìm hoặc những khoáng sản năng lượng gần bề mặt như: Than, quặng sắt, bôxit, cát và đá vôi.

Thách thức mà Chính phủ phải giải quyết là làm cho ngành khai khoáng Việt Nam hiệu quả hơn, năng suất hơn, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững. Điều này chỉ có thể đạt được bằng cách khuyến khích đưa công nghệ hiện đại, đổi mới công nghệ và những cách thức thực hiện hiệu quả công việc tốt nhất thông qua đầu tư trực tiếp nước ngoài, liên doanh giữa công ty trong nước với công ty nước ngoài.

“Đáng tiếc điều đó vẫn chưa diễn ra do các quy định pháp luật về khai khoáng thiếu nhất quán tại Việt Nam cũng như thuế tài nguyên, thuế xuất khẩu và các loại phí khác cao hơn rất nhiều so với các nước khác. Điều này gây nản lòng các nhà đầu tư trực tiếp nước ngoài, thậm chí, đã làm cho các hoạt động khai thác mỏ hiện đại trong nước không mang lại lợi nhuận hoặc lợi nhuận cận biên”, báo cáo chỉ rõ.

Theo Nhóm Công tác Khoáng sản, nhu cầu cấp bách là cần sự hỗ trợ của Chính phủ trong việc hướng dẫn cho ngành khai khoáng và sự phối hợp giữa các cơ quan ban ngành của chính quyền sao cho doanh nghiệp FDI và những nhà đầu tư lớn trong nước thấy tự tin hơn với các quy định pháp luật về khai khoáng của Việt Nam.

HNM 7980


Bất cập hành chính về thuế

Cũng theo Nhóm Công tác Khoáng sản, những chính sách về thuế và phí hiện này với ngành khai khoáng hiện chỉ phục vụ cho mục đích tăng ngân sách nhà nước thay vì tối đa hóa các tài nguyên khoáng sản phục vụ cho phát triển kinh tế xã hội. Trong khi đó, các doanh nghiệp đầu tư vào khai thác khoáng sản phải chịu gánh nặng về thuế, phí cũng như các khó khăn tài chính dẫn tới việc chỉ chấp nhận khai thác tài nguyên có giá trị cao nhất nhằm có được doanh thu, bỏ mặc công tác nghiên cứu công nghệ do nguồn đầu tư lớn và dài hạn ở giai đoạn đầu...

“Các loại thuế dưới nhiều hình thức mà các doanh nghiệp đang phải chịu là quá mức và quá phức tạp so với các nước khác, điều này làm cho doanh nghiệp khoáng sản Việt Nam kém cạnh tranh và không có hướng đầu tư sâu vào các hoạt động sản xuất kinh doanh của mình. Cách diễn giải các quy định pháp luật thiếu nhất quán càng gây mất thời gian và nguồn lực của cả doanh nghiệp cũng như các cơ quan quản lý liên quan, gieo rắc nỗi sợ hãi về đầu tư trong ngành”, Nhóm Công tác phân tích.

Mặt khác, sự thiếu nhất quán, chồng chéo giữa quy định của luật và các cấp được phân quyền dẫn tới mất đi phạm vi quyền hạn khi giải quyết các xung đột giữa những quy định pháp luật, đẩy doanh nghiệp vào chỗ bế tắc và không được bảo vệ. Trong khi đó, một số chính sách ưu đãi đã được ban hành nhưng chưa có các quy định hoặc quy chế cụ thể về điều kiện, thủ tục để hưởng chế độ ưu đãi, gây khó khăn cho doanh nghiệp trong việc xin chứng nhận hưởng ưu đãi. Mặc dù, Chính phủ mong muỗn hỗ trợ chính sách để khuyến khích công ty khai khoáng đầu tư vào chế biến sâu, nhưng các doanh nghiệp khoáng sản vẫn phải chịu những rủi ro và tổn thất do thay đổi chính sách gây ra.

“Trong suốt 3 năm vừa qua từ 2015 đến 2018, những sản phẩm chế biến sâu có giá trị gia tăng cao phải đối mặt với thách thức vì những thay đổi về quy chế hoàn thuế VAT; do vậy, nhiều tỷ đồng về thuế VAT đầu vào bị mắc kẹt và chưa được hoàn lại theo Nghị định số 100/2016”, Nhóm Công tác dẫn chứng.

Mở cửa đầu tư vào khoáng sản

Đánh giá những kiến nghị từ Nhóm Công tác Khoáng sản là vô cùng xác đáng, Thứ trưởng Bộ TN&MT Võ Tuấn Nhân cho biết, ở Việt Nam năm 2010, đã ban hành Luật Khoáng sản đã tạo hành lang pháp lý đầy đủ cho ngành công nghiệp khai khoáng, chuyển phát triển theo chiều rộng sang phát triển theo chiều sâu; khai thác khoáng sản gắn với bảo vệ môi trường. Hiện nay, Bộ TN&MT đang được Chính phủ giao nghiên cứu, tham mưu ban hành Nghị định thay thế Nghị định 203 năm 2013 về phương pháp tính cũng như mức thu tiền, tiền cấp quyền khai thác khoáng sản.

“Chúng tôi đang rà soát, điều chỉnh các quy định phù hợp với thực tiễn để tháo gỡ những vướng mắc khi đi vào thực tiễn của Nghị định 203. Mặt khác, Bộ TN&MT đang đánh giá tác động chính sách, quy định của Luật Khoáng sản sau 8 năm triển khai thực hiện. Trên cơ sở đó, đề xuất điều chỉnh, bổ sung một số chính sách liên quan đến sản xuất kinh doanh khai thác khoáng sản theo hướng tăng cường minh bạch, tạo điều kiện cạnh tranh lành mạnh, công khai và minh bạch các định hướng quy hoạch khoáng sản; các chính sách hỗ trợ để doanh nhân, doanh nghiệp đầu tư theo kế hoạch phát triển, bảo đảm quyền lợi của nhà đầu tư, giảm rủi ro kinh doanh cho doanh nghiệp; từ đó, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tư nhân tiếp cận với các nguồn lực phát triển, nhất là trong thăm dò, khai thác khoáng sản, thúc đẩy hình thành các doanh nghiệp lớn có hiệu quả cao”, Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân nhấn mạnh.

Theo Thứ trưởng, Bộ TN&MT đang tiếp tục đẩy mạnh các thủ tục hành chính, đặc biệt là các thủ tục với doanh nghiệp; nêu cao trách nhiệm của các cơ quan Nhà nước tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh được tốt hơn. Việt Nam có chính sách khuyến khích đầu tư trực tiếp nước ngoài, ưu tiên công nghệ hiện đại và phương thức thực hiện hiệu quả nhất của thế giới, đưa ngành khoáng sản Việt Nam phát triển nhanh và bền vững.

Theo đề nghị của Nhóm Công tác Khoáng sản liên quan đến thuế, tại Việt Nam là sự phối hợp giữa Bộ TN&MT và Bộ Công Thương, Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp; các Bộ đang nghiên cứu đề xuất chính sách thuế nói chung, phí trong lĩnh vực khoáng sản này trong thời gian tới theo kiến nghị của các cơ quan. “Đến nay, chúng tôi hướng đến thực sự tăng cường hiệu quả quản lý Nhà nước trong lĩnh vực khoáng sản đồng bộ, phát triển về công nghệ, thuế suất, thủ tục hành chính, đầu tư. Đồng thời, tăng cường những cam kết của Việt Nam trong việc mở cửa các đầu tư vào khoáng sản”, Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân khẳng định.