Bình Dương: Siết chặt hoạt động khai thác, kinh doanh cát ở hồ Dầu Tiếng

Khoáng sản - Ngày đăng : 21:08, 04/06/2019

(TN&MT) - Với sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, các ngành của tỉnh Bình Dương trong việc thực hiện Kế hoạch kiểm tra, giám sát hoạt động khai thác, kinh doanh cát xây dựng trong hồ Dầu Tiếng, đã từng bước lập lại trật tự khu vực lòng hồ Dầu Tiếng, nâng cao niềm tin của nhân dân vào chính quyền.
tieng1
Bình Dương tăng cường công tác quản lý hoạt động khai thác, kinh doanh cát ở ở hồ Dầu Tiếng

Để công tác quản lý khai thác, kinh doanh cát ở hồ Dầu Tiếng đi vào nề nếp hơn, Sở TN&MT Bình Dương tiếp tục chủ động phối hợp với các cơ quan có liên quan triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp cũng như hoàn thiện việc tham mưu xử lý các vi phạm trong quá trình thực hiện công tác kiểm tra, giám sát.

Tích cực phối hợp, hoàn thiện quy chế

Đối với việc rà soát, đánh giá, điều chỉnh bổ sung Quy chế phối hợp giữa 02 địa phương; Sở TN&MT Bình Dương đã phối hợp cùng với Sở TN&MT Tây Ninh, Công ty Khai thác thủy lợi Dầu Tiếng - Phước Hòa mở Hội nghị Sơ kết việc thực hiện Quy chế phối hợp số 1416/QCPH-TN-BD ngày 25/5/2012 về kiểm tra hoạt động khai thác, kinh doanh, vận chuyển, tập kết cát trên sông Sài Gòn và hồ Dầu Tiếng đoạn giáp ranh giữa hai tỉnh Bình Dương và Tây Ninh; đồng thời, trao đổi những nội dung cần sửa đổi, bổ sung Quy chế phối hợp để thực hiện tốt hơn trong thời gian tới.

Hiện tại, Sở TN&MT Bình Dương đã dự thảo sửa đổi, bổ sung Quy chế phối hợp. Theo đó, nội dung Quy chế phối hợp đã được chỉnh sửa bổ sung nhiều lần theo nội dung phối hợp được quy định trong dự thảo Nghị định về quản cát sỏi lòng sông và bảo vệ lòng, bờ, bãi sông do Bộ TN&MT dự thảo trình Chính phủ xem xét ban hành. Như vậy, Sở TN&MT 02 tỉnh Bình Dương và Tây Ninh tiếp tục theo dõi nắm bắt thông tin để ngay sau khi Nghị định được ban hành sẽ làm căn cứ để hoàn thiện Quy chế phối hợp lần cuối và trình UBND 02 tỉnh Bình Dương và Tây Ninh ký kết.

Ngoài ra, Sở TN&MT Bình Dương đã cùng các Sở, ngành và UBND huyện Dầu Tiếng tích cực phối hợp và phối hợp chặt chẽ với Đoàn kiểm tra liên ngành của tỉnh Tây Ninh trong việc kiểm tra, giám sát hoạt động khai thác, kinh doanh, vận chuyển cát khu vực hồ Dầu Tiếng. Sự phối hợp chặt chẽ giữa Tây Ninh và Bình Dương đã xác định rõ nguyên nhân gây ra tình trạng khai thác cát không phép trong thời gian qua là do các hợp đồng gia công giữa các chủ giấy phép và chủ bến bãi, từ đó tham mưu UBND 02 tỉnh đã ban hành những quy định chặt chẽ hơn nên đến nay đã chấm dứt hoàn toàn việc ký kết hợp đồng gia công khai thác cát.

Mặt khác, theo chỉ đạo của UBND 02 tỉnh Bình Dương và Tây Ninh thì chỉ những phương tiện hút, vận chuyển cát đã đăng ký gắn với giấy phép khai thác khoáng sản mới được phép hoạt động trong hồ Dầu Tiếng, gồm 08 phương tiện gắn với 02 giấy phép khai thác khoáng sản, nhưng đến nay cả 8 phương tiện này đều không có giấy phép hoạt động trong lòng hồ theo quy định của Luật Thủy lợi có hiệu lực từ ngày 01/7/2018, các phương tiện còn lại phải di dời khỏi lòng hồ. Đến nay trên địa bàn tỉnh Bình Dương đã thực hiện di dời được 02 phương tiện hút của một bãi cát; kéo lên bờ 5 tàu; Công an tỉnh đã bắt tịch thu 01 tàu và hiện đang tạm giữ 01 tàu.

Tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm

Sở TN&MT đã tham mưu UBND tỉnh Bình Dương thành lập Đoàn kiểm tra liên ngành theo Quyết định số 1838 ngày 06/7/2018. Đoàn kiểm tra đã tiến hành kiểm tra 21 bến bãi tập kết kinh doanh cát trên địa bàn 02 xã Định Thành và Minh Hoà, thuộc huyện Dầu Tiếng. Ngoài ra, theo Quyết định số 1583 ngày 20/6/2017 của UBND tỉnh Bình Dương, Đoàn kiểm tra liên ngành cũng đã tiến hành kiểm tra 01 bến bãi mới phát sinh đang hoạt động trong khu vực lòng hồ Dầu Tiếng, thuộc tỉnh Bình Dương. Đoàn kiểm tra đã có Báo cáo số 4263 ngày 17/9/2018 và đã được UBND tỉnh thống nhất các giải pháp xử lý tại Văn bản số 4529 ngày 24/9/2018.

Lãnh đạo Sở TN&MT Bình Dương cho biết: Qua kết quả kiểm tra và xử lý đến nay có 14/22 bến bãi đã dừng và tạm dừng hoạt động, 03/22 bến bãi đang dừng hoạt động khôi phục hiện trạng đất ban đầu và 05 bến bãi đang hoạt động - gắn với giấy phép khai thác cát 04 bến bãi, 01 bến bãi của đơn vị được cấp phép khai thác cát nhưng hoạt động không đúng với thiết kế cơ sở. Tất cả các bến bãi đều không có giấy phép hoạt động theo quy định của Luật Thủy lợi. Ngoài ra, các bến bãi hoạt động có lắp camera giám sát nhưng các bãi của một công ty thì camera không hoạt động. Về trạm cân, một công ty đang lắp đặt, các bến còn lại chưa lắp đặt.

Ngoài ra, từ tháng 8/2018 đến tháng 5/2019, cơ quan Công an đã kiểm tra 26 vụ vi phạm trong lòng hồ Dầu Tiếng, đã ban hành 10 Quyết định xử phạt vi phạm hành chính với số tiền phạt trên 1,5 tỷ đồng, tịch thu 01 tàu sắt và trên 2.274m3 cát; đang đề xuất xử lý 16 vụ. Mặt dù, lực lượng Công an đã rất nổ lực trong việc tuần tra, truy quét, bắt giữ các phương tiện bơm hút cát trái phép, nhưng việc di dời các phương tiện khỏi hồ đang gặp rất nhiều khó khăn như: thiếu cơ sở pháp lý cho việc di dời; không có lực lượng, phương tiện lai dắt, trục vớt tang vật khi các đối tượng bỏ trốn hoặc đánh đắm; chưa có bãi tạm giữ phương tiện vi phạm…

Lãnh đạo Sở TN&MT Bình Dương nhận định: Với sự quyết tâm cao của các cấp, các ngành, các địa phương nên việc lập lại trật tự khu vực lòng hồ Dầu Tiếng đã đạt được một số kết quả nhất định như: nhiều bến bãi đã tạm dừng hoặc dừng hoàn toàn việc tập kết kinh doanh cát; một số tàu thuyền đã di dời khỏi lòng hồ hoặc được kéo lên bờ; xe chở quá tải, gây bụi, tiếng ồn làm hư hỏng đường xá đã từng bước được khắc phục và đi vào nề nếp; chủ các giấy phép khai thác khoáng sản đã và đang khắc phục những tồn tại trong hoạt động khai thác cát. Đặc biệt, người dân trong vùng bị ảnh hưởng đã phấn khởi, tin tưởng vào các cấp chính quyền.

tieng2
Hiện nước ở hồ Dầu tiếng đã trong, một số chỉ tiêu ô nhiễm trước đây nay đã không còn ô nhiễm

Giải pháp quản lý chặt chẽ, hiệu quả

Để công tác quản lý hoạt động khai thác, kinh doanh cát xây dựng trong hồ Dầu Tiếng ngày càng chặt chẽ, hiệu quả và xử lý triệt để các vấn đề tồn tại trong thời gian tới; Sở TN&MT, Sở GTVT và UBND huyện Dầu Tiếng tiếp tục thực hiện Văn bản số 2508 ngày 11/4/2019 của Bộ NN&PTNT và Văn bản số 1839 của UBND tỉnh Bình Dương, tạm thời ngưng tiếp nhận và giải quyết hồ sơ liên quan đến việc cấp giấy phép bến thủy nội địa, thăm dò, khai thác khoáng sản và các hoạt động kinh doanh vật liệu xây dựng, kho bãi…, thuộc khu vực hồ Dầu Tiếng cho đến khi có hướng dẫn của Bộ NN&PTNT về quản lý hoạt động trong lòng hồ này.

Bên cạnh đó, Sở TN&MT Bình Dương sớm liên hệ với Sở TN&MT Tây Ninh và Bình Phước để thống nhất nội dung, chương trình và thời gian mở Hội nghị giữa 03 tỉnh: Bình Dương, Binh Phước và Tây Ninh. Đồng thời, tăng cường kiểm tra xử lý các bến bãi vi phạm quy định của pháp luật về tài nguyên và môi trường; phối hợp với UBND huyện Dầu Tiếng tham mưu UBND tỉnh Bình Dương Văn bản tạm ngưng giải quyết chuyển mục đích sử dụng đất từ đất lúa sang đất trồng cây lâu năm, đất sản xuất nông nghiệp sang đất thương mại dịch vụ đối với khu vực lòng hồ, nhằm xử lý những tồn tại liên quan đến hồ Dầu Tiếng theo đúng quy định.

Công an tỉnh tiếp tục triển khai Kế hoạch 36/KH-CAT-PC05 ngày 16/4/2019 về tuần tra, chốt chặn giám sát phương tiện bơm hút, vận chuyển cát trên khu vực hồ Dầu Tiếng; phối hợp chặt chẽ với Sở GTVT thành lập Tổ liên ngành để thanh tra, xử lý nghiêm các phương tiện bơm hút, vận chuyển cát khu vực hồ; nghiên cứu, đề xuất UBND tỉnh Bình Dương thành lập Đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra, xử lý các vi phạm khai thác cát tại hồ Dầu tiếng. Sở GTVT phối hợp Công an tỉnh thanh tra, xử lý các phương tiện bơm hút, vận chuyển cát ở hồ Dầu tiếng; nghiên cứu và đưa ra các phương thức xử lý các phương tiện vi phạm theo quy định hiện hành.  

Sở NN&PTNT nhanh chóng xác định phạm vi cắm mốc vùng bán ngập, phối hợp với Công ty Khai thác thủy lợi Dầu Tiếng - Phước Hòa trong cắm mốc vùng bảo vệ công trình thủy lợi theo quy định của Luật Thủy lợi và Nghị định số 67/2018/NĐ-CP của Chính phủ; có Văn bản đề nghị Công ty Khai thác thủy lợi Dầu Tiếng - Phước Hòa tăng cường công tác giám sát, kiểm tra lòng hồ Dầu Tiếng, không để phương tiện không có giấy phép đi vào lòng hồ. Đồng thời, khấn trương thành lập Đội lai dắt, trục vớt các phương tiện vi phạm trong khu vực lòng hồ; cử người tham gia trông coi phương tiện tạm giữ cùng địa phương và lực lượng chức năng khác.

Cấp giấy phép hoạt động đúng quy định

Lãnh đạo Sở TN&MT Bình Dương cho hay: Qua rà soát các giấy phép hoạt động khoáng sản cát xây dựng cho thấy, các giấy phép thăm dò, khai thác khoáng sản này được cấp đúng quy trình thủ tục theo quy định của Luật Khoáng sản, các Nghị định hướng dẫn thi hành Luật và các Thông tư hướng dẫn của các Bộ liên quan. Đồng thời, việc cấp các loại giấy phép hoạt động khoáng sản phù hợp với Quy hoạch thăm dò, khai thác khoáng sản đã được thông qua HĐND tỉnh Bình Dương và được UBND tỉnh Bình Dương phê duyệt tại Quyết định số 2497 ngày 26/9/2016. Trong đó, tổng diện tích đã cấp phép thăm dò, khai thác trên 130 ha, chiếm trên 41% diện tích đã được quy hoạch thăm dò, khai thác; tổng trữ lượng được cấp phép khai thác 1.746.668 m3, trữ lượng đã khai thác 722.362 m3, trữ lượng còn lại chưa khai thác 1.024.306 m3.