Giám đốc Sở TN&MT Vĩnh Phúc: “Đưa hoạt động khai thác cát, sỏi, đất san lấp vào nề nếp”

Khoáng sản - Ngày đăng : 09:04, 16/05/2019

(TN&MT) - Thời gian qua, hoạt động khai thác cát sỏi, đất san lấp trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc diễn ra phức tạp. Xung quanh vấn đề này, phóng viên báo Tài nguyên & Môi trường đã phỏng vấn ông Phan Tuệ Minh - Giám đốc sở TN&MT tỉnh Vĩnh Phúc.
Ô Minh
Ông Phan Tuệ Minh - Giám đốc sở TN&MT tỉnh Vĩnh Phúc. Ảnh: Việt Hùng

PV: Vĩnh Phúc đang trong quá trình phát triển kinh tế với tốc độ khá cao, nhu cầu về các nguyên vật liệu cho hoạt động xây dựng hạ tầng kỹ thuật rất lớn, đặc biệt là cát sỏi và đất nền. Hoạt động này thời gian qua đã diễn ra như thế nào, thưa ông?

Ông Phan Tuệ Minh: Đúng như vậy. Hoạt động khai thác khoáng sản đã góp phần quan trọng đối với nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội của tỉnh Vĩnh Phúc, đáp ứng nhu cầu về nguyên vật liệu phục vụ các dự án công trình trọng điểm, hạ tầng kỹ thuật, xây dựng nông thôn mới, phục vụ dân sinh, góp phần tăng ngân sách của tỉnh, giải quyết việc làm.

Tuy nhiên, do nhu cầu khai thác rất lớn, tình trạng khai thác khoáng sản trái phép hoặc khai thác không đúng quy định trên địa bàn tỉnh có chiều hướng diễn biến phức tạp, đặc biệt là tình trạng khai thác cát, sỏi trên sông Lô, sông Hồng, khai thác đất san lấp trên địa bàn các huyện, thành phố; việc khai thác cát sỏi lòng sông trái phép hoặc khai thác khoáng sản không đúng quy định làm ảnh hưởng đến đê điều, hành lang thoát lũ, các công trình kè, hạ tầng kỹ thuật, công trình, tài sản khác; sạt lở đất ảnh hưởng sản xuất của nhân dân; Việc thực hiện phương án phục hồi cải tạo môi trường và hoàn nguyên đóng cửa mỏ khi hết hạn giấy phép còn nhiều tồn tại làm phá vỡ cảnh quan tự nhiên, suy thoái gây ô nhiễm môi trường, vận chuyển quá tải trọng làm hư hỏng các tuyến đường giao thông, ảnh hưởng đến an ninh trật tự, gây bức xúc trong nhân dân và báo chí phản ánh.

Nguyên nhân chủ yếu của tình trạng trên là do: Sự phối hợp giữa các cấp, các ngành trong quản lý hoạt động khoáng sản chưa chặt chẽ, đồng bộ; chưa phát hiện ngăn chặn và xử lý kịp thời; một số cấp ủy đảng chính quyền địa phương chưa quyết liệt trong công tác bảo vệ khoáng sản chưa khai thác, thậm chí thiếu quan tâm, có tư tưởng chờ đợi chỉ đạo của các cơ quan cấp trên; việc thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm chưa được thường xuyên, thiếu kiên quyết; ý thức chấp hành pháp luật của một số đơn vị được cấp giấy phép khai thác khoáng sản không tốt; một số tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản trái phép đã bị xử lý vi phạm hành chính nhưng vẫn tái phạm.

PV:Vậy tỉnh đã có biện pháp gì để chấn chỉnh tình hình khai thác cát sỏi, đất nền đi vào nề nếp?

Ông Phan Tuệ Minh: Trước những diễn biến phức tạp hoạt đông khia thác cát sỏi, đất nền và nhằm đáp ứng kịp thời nhu cầu về các loại vật liệu này trên thị trường, sở TN&MT đã tham mưu với lãnh đạo tỉnh hàng loạt chủ trương, chính sách kịp thời nhằm chấn chỉnh, đưa hoạt động này vào đúng khuôn khổ pháp luật.

Theo đó, với sở Tài nguyên và Môi trường, chúng tôi sẽ chủ trì tham mưu cho UBND tỉnh thực hiện các chức năng, nhiệm vụ quy định tại khoản 1 Điều 81 Luật Khoáng sản trừ các nhiệm vụ đã có văn bản giao cho các sở, ngành, địa phương và các tổ chức, cá nhân khác.

Tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về tài nguyên khoáng sản, đảm bảo các hoạt động khoáng sản được thực hiện đúng quy định của pháp luật, đáp ứng nhu cầu cát, sỏi, đất san lấp góp phần phát triển kinh tế xã hội, bảo vệ môi trường bền vững; không xâm hại, không ảnh hưởng tới an toàn đê điều, hành lang thoát lũ và các công trình thủy lợi, giao thông trên địa bàn tỉnh.

Tăng cường thanh tra, kiểm tra, phối hợp chặt chẽ với các cấp, các ngành, địa phương trong công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành quy định của pháp luật trong hoạt động khai thác cát, sỏi, đất san lấp trên địa bàn tỉnh theo thẩm quyền;  xử lý nghiêm đối với các tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm khai thác cát sỏi, đất san lấp trái phép; không thực hiện đầy đủ phương án phục hồi cải tạo môi trường; không lập hồ sơ và thực hiện việc hoàn nguyên đóng cửa mỏ theo quy định của pháp luật.

Phối hợp với Sở Xây dựng và các ngành liên quan, tổ chức quy hoạch, rà soát lại các quy hoạch để điều chỉnh, bổ sung các điểm mỏ khai thác khoáng sản cát, sỏi, đất san lấp vào quy hoạch chung của tỉnh;

Tham mưu cho UBND tỉnh quyết định đình chỉ hoạt động, thu hồi giấy phép khai thác cát sỏi, đất san lấp đã cấp đối với các trường hợp vi phạm pháp luật, vi phạm về hành lang đê điều, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, gây mất an ninh trật tự, gây hư hỏng hạ tầng kỹ thuật, khai thác ngoài phạm vi mốc giới được cấp phép, không thực hiện các nghĩa vụ tài chính theo quy định;

PV:Vậy trách nhiệm của các cấp chính quyền cơ sở sẽ như thế nào, thưa ông?

Ông Phan Tuệ Minh: Theo tôi, với UBND các huyện, thành phố, cần thực hiện có hiệu quả các nội dung, thẩm quyền quy định tại Khoản 2 Điều 81 Luật Khoáng sản và các trách nhiệm khác theo quy định của pháp luật.

Tăng cường công tác quản lý khoáng sản chưa khai thác trên địa bàn, quản lý chặt chẽ khoáng sản tại khu vực cấm hoạt động khoáng sản, khu vực tạm thời cấm hoạt động khoáng sản theo quy định tại quyết định số 3232/QĐ-UBND ngày 20/11/2017 của UBND tỉnh, Xây dựng Kế hoạch thực hiện bảo vệ khoáng sản chưa khai thác quy định tại Quyết định số 713/QĐ-UBND ngày 05/3/2019 của UBND tỉnh. Nếu để xảy ra tình trạng khai thác khoáng sản trái phép trên địa bàn thì Chủ tịch UBND cấp huyện phải chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh và pháp luật của nhà nước về quản lý khoáng sản.

Với Ủy ban nhân dân cấp xã, tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về khoáng sản đến thôn, xóm; Nghiên cứu, tham gia vào công tác quản lý nhà nước về khoáng sản ngay từ khâu quy hoạch, thăm dò, thẩm định, hồ sơ cấp phép khai thác khoáng sản, kiên quyết từ chối đối với dự án không hiệu quả, không đúng quy định, có nguy cơ ảnh hưởng xấu tới an sinh, xã hội và môi trường. Phát hiện, ngăn chặn kịp thời các hành vi vi phạm. Thông báo đến các tổ chức, cá nhân sử dụng đất nếu để xảy ra hoạt động khai thác cát, sỏi, đất san lấp trái phép trong diện tích đất thuộc quyền sử dụng (tự ý khai thác, thông đồng, cấu kết với các tổ chức cá nhân khác) thì sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật về khoáng sản, đồng thời sẽ đề xuất nhà nước thu hồi đất, thu lại đất của người sử dụng đất vi phạm pháp luật về đất đai theo quy định tại Điều 64 Luật đất đai năm 2013.

Tăng cường công tác kiểm tra, xử lý hoạt động tập kết, khai thác cát, sỏi, đất san lấp trái phép trên địa bàn, kịp thời thực hiện các giải pháp ngăn chặn ngay sau khi phát hiện; Đối với những địa bàn thường xuyên xảy ra hoạt động khai thác cát, sỏi, đất san lấp trái phép, tập trung phương tiện khai thác vào ngày nghỉ, ban đêm thì Chủ tịch UBND xã đó phải có kế hoạch bố trí lực lượng, phương tiện để kiểm tra, xử lý; trường hợp vượt thẩm quyền kịp thời báo cáo Ủy ban nhân dân cấp huyện để chỉ đạo công tác giải tỏa, kịp thời xử lý vi phạm;

Thực hiện tốt công tác quản lý tạm trú, tạm vắng đặc biệt là người lao động tham gia khai thác cát, sỏi trên địa bàn; nắm bắt tốt tình hình khu vực để đề phòng tranh chấp trong khai thác cát, sỏi, tập trung đông người gây mất an ninh trật tự nông thôn và gây bức xúc trong nhân dân; Chủ tịch UBND cấp xã chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND cấp huyện nếu để xảy ra hoạt động khai thác cát, sỏi, đất san lấp trái phép, ảnh hưởng đến đất đai, môi trường và đê điều trên địa bàn.

Ô Minh 2
Ông Phan Tuệ Minh - Giám đốc sở TN&MT tỉnh Vĩnh Phúc - trao đổi với PV Báo Tài nguyên và Môi trường. Ảnh: Đức Việt

PV:Vậy, trách nhiệm của các tổ chức, doanh nghiệp đã được cấp phép khai thác khoáng sản cụ thể ra sao, thưa ông?

Ông Phan Tuệ Minh: Tất nhiên, đây là đối tượng trực tiếp của hoạt động khai thác kinh doanh cát sỏi, đất nền trên địa bàn tỉnh. Bởi vậy, họ cần phải có trách nhiệm hỗ trợ chi phí đầu tư nâng cấp, duy tu, xây dựng hạ tầng kỹ thuật sử dụng trong khai thác khoáng sản và xây dựng công trình phúc lợi cho địa phương nơi có khoáng sản được khai thác theo quy định của pháp luật; Kết hợp khai thác với xây dựng hạ tầng kỹ thuật, bảo vệ, phục hồi môi trường theo dự án đầu tư khai thác khoáng sản; nếu gây thiệt hại đến hạ tầng kỹ thuật, công trình, tài sản khác thì tùy theo mức độ thiệt hại phải có trách nhiệm sửa chữa, duy tu, xây dựng mới hoặc bồi thường theo quy định của pháp luật; Ưu tiên sử dụng lao động địa phương vào khai thác khoáng sản và các dịch vụ có liên quan; Cùng với chính quyền địa phương bảo đảm việc chuyển đổi nghề nghiệp cho người dân có đất bị thu hồi để khai thác khoáng sản.

Thực hiện khai thác đúng theo quy định của giấy phép khai thác khoáng sản, đúng chỉ giới diện tích khu vực được cấp phép khai thác, đúng độ sâu khai thác; bảo vệ khu vực được cấp phép khai thác, cam kết nếu để xảy ra tình trạng khai thác trái phép gây sạt lở bờ, vở sông, sạt lở đất sản xuất và các công trình dân dụng, hạ tầng kỹ thuật thì tổ chức, doanh nghiệp được cấp phép khai thác phải bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật. Trong quá trình quản lý khu vực được cấp phép khai thác nếu xảy ra tình trạng khai thác trộm thì tổ chức, doanh nghiệp được cấp phép phải kịp thời báo cáo các cơ quan có thẩm quyền để kịp thời xử lý theo quy định của pháp luật; có trách nhiệm đầu tư xây dựng, bảo trì, sửa chữa hạ tầng kỹ thuật sử dụng trong khai thác khoáng sản theo quy định của pháp luật;

Thông báo kế hoạch khai thác với các cơ quan chức năng theo đúng quy định của nhà nước; cắm đầy đủ mốc giới các điểm góc khu vực được phép khai thác, phải đăng ký số lượng, số hiệu của các phương tiện khai thác (theo dự án khai thác khoáng sản đã được phê duyệt) với cơ quan chức năng và UBND cấp xã nơi có mỏ để các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương và người dân cùng giám sát;

Đối với việc khai thác cát, sỏi trên các tuyến sông phải lập phương án bảo đảm an toàn giao thông đường thủy, trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền quản lý đường thủy thống nhất phương án bảo đảm an toàn giao thông đường thủy theo quy định trước khi thực hiện khai thác, trong mùa mưa lũ phải bảo đảm tuyệt đối an toàn giao thông đường thủy trong suốt quá trình thực hiện khai thác, vận chuyển khoáng sản, các phương tiện khai thác cát, sỏi trên các tuyến sông chỉ được neo đậu trong phạm vi diện tích đã được cấp phép khai thác.

Cam kết chỉ hoạt động khai thác ban ngày, (thời gian từ 06 giờ 00' buổi sáng đến 18 giờ 00' buổi chiều), ngoài khoảng thời gian này không có hoạt động khai thác...

PV:Ngoài những vấn đề kể trên, để hoạt động khai thác kinh doanh cát sỏi, đất nền không phát sinh những vấn đề phức tạp cần những hoạt động nào khác, thưa ông?

Ông Phan Tuệ Minh: Thực ra, ngoài các biên pháp hành chính thì công tác tuyên truyền là hết sức quan trọng. Chúng tôi đã và đang tăng cường tuyên truyền, phổ biến pháp luật về khoáng sản; đa dạng hoá các hình thức tuyên truyền giúp nhân dân hiểu rõ quy định của pháp luật về khoáng sản, quyền lợi, trách nhiệm của địa phương và người dân nơi có khoáng sản được khai thác; trách nhiệm, nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân được phép hoạt động khoáng sản; kịp thời chuyển các kiến nghị của bạn đọc, xem truyền hình, nghe đài đến các cơ quan chức năng để xem xét, giải quyết và trả lời theo quy định của pháp luật.

Đặc biệt, phối hợp với Ủy ban nhân dân các cấp, các cơ quan chuyên môn tuyên truyền, vận động đoàn viên, hội viên và nhân dân thực hiện nghiêm túc quy định của pháp luật về quản lý tài nguyên khoáng sản và hoạt động khoáng sản trên địa bàn tỉnh.

PV:Trân trọng cảm ơn ông!

Các cam kết mà các Doanh nghiệp khai thác Khoáng sản tại Vĩnh Phúc phải thực hiện:

         Thực hiện việc cam kết với UBND cấp xã có sự giám sát của Mặt trận tổ quốc, các đoàn thể và cộng đồng dân cư nơi có hoạt động khai thác, kinh doanh, vận chuyển. Trong đó lưu ý cam kết việc kết hợp khai thác với xây dựng hạ tầng kỹ thuật, bảo vệ, phục hồi môi trường theo dự án đầu tư khai thác khoáng sản; nếu gây thiệt hại đến hạ tầng kỹ thuật, công trình, tài sản khác thì tùy theo mức độ thiệt hại phải có trách nhiệm sửa chữa, duy tu, xây dựng mới hoặc bồi thường theo quy định tại Khoản 2 Điều 5 Luật Khoáng sản;

        Tổ chức xác định mốc giới bằng phương pháp thả phao tại các điểm khép góc, mốc mặt nước, đóng cọc mốc kiên cố tại các điểm bãi nổi có sự giám sát của cơ quan chức năng quản lý nhà nước và nhân dân; phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương trong việc giải quyết kịp thời các kiến nghị có liên quan của nhân dân;

      Theo trữ lượng, công suất, thời gian và kế hoạch được khai thác thực hiện Đăng ký, thống nhất với UBND xã nơi có điểm mỏ khai thác và phòng cảnh sát đường thủy thuộc Công an tỉnh về số lượng, số hiệu, loại phương tiện hoạt động khai thác, thời gian khai thác, để biết theo dõi, giám sát trước khi mỏ hoạt động khai thác trở lại;

         Niêm yết, công khai: Quyết định cấp phép khai thác mỏ kèm theo Bản đồ cấp phép khai thác, phạm vi mỏ, Cos khai thác, công suất khai thác, thời gian hoạt động khai thác trong ngày, kế hoạch và số lượng, số hiệu phương tiện khai thác tại trụ sở UBND xã nơi có điểm mỏ khai thác để nhà nước quản lý và nhân dân giám sát;

       Báo cáo kết quả khai thác khoáng sản và thực hiện công tác thống kê, kiểm kê trữ lượng khoáng sản trong khu vực được phép khai thác, sản lượng khoáng sản đã khai thác; Chịu trách nhiệm về số liệu đã thống kê, kiểm kê. Kết quả thống kê, kiểm kê của năm báo cáo phải gửi đến cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cấp Giấy phép khai thác khoáng sản theo quy định tại điểm e  Khoản 2 Điều 55 và  Khoản 2 Điều 63 Luật Khoáng sản;

        Đối với trường hợp phải thuê đất theo quy định tại Điều 152 Luật Đất đai; Khoản 1 Điều 31 và Khoản 1 Điều 55 Luật Khoáng sản 2010 thì chủ động đến Sở Tài nguyên và Môi trường để ký hợp đồng thuê đất và thực hiện nghĩa vụ tài chính về

     Thực hiện đầy đủ nghĩa vụ tài chính trong việc khai thác, kinh doanh khoáng sản theo đúng quy định của pháp luật.

 

 

Việt Hùng (thực hiện)