Bắc Kạn: Nâng cao năng lực quản lý, chống thất thu ngân sách từ hoạt động khoáng sản

Khoáng sản - Ngày đăng : 23:22, 23/05/2019

(TN&MT) - Tỉnh Bắc Kạn là địa bàn có tài nguyên khoáng sản phong phú với nhiều nhóm khoáng sản. Thời gian qua tỉnh Bắc Kạn tăng cường công tác quản lý hoạt động khoáng sản, tạo nền nếp trong khai thác, vận chuyển, chế biên khoáng sản, tạo việc làm tăng thu nhập cho người lao động, đảm bảo an ninh trật tự và bảo vệ môi trường. Việc quản lý chặt chẽ hoạt động khoáng sản đã tăng nguồn thu ngân sách cho nhà nước, phát triển kinh tế - xã hội địa phương, góp phần đảm bảo an sinh xã hội.
IMG 8490
Quản lý chặt hoạt động khai thác khoáng sản sẽ tăng nguồn thu cho tỉnh, góp phần phát triển KT - XH.

Ông Nông Văn Kỳ, Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Bắc Kạn cho biết: Theo tài liệu địa chất, trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn đã ghi nhận 273 mỏ, điểm khoáng sản thuộc 24 loại khoáng sản khác nhau, được chia thành 05 nhóm khoáng sản như sau: Nhóm khoáng sản nhiên liệu: Than đá; Nhóm khoáng sản kim loại: Sắt, sắt - mangan, titan, đồng, chì, kẽm, nhôm, thủy ngân, đa kim chưa thiếc, antimon, vàng; Nhóm khoáng sản chất công nghiệp: Pyrit, barite, thạch anh; Nhóm khoáng sản làm vật liệu xây dựng: Đá vôi xây dựng, đá vôi xi măng, đá hoa, sét gạch ngói, sét xi măng, cát, cuội, sỏi; Nhóm khoáng sản Nước khoáng.

Trong các nhóm đó, tiềm năng về khoáng sản kim loại là khá triển vọng gồm chì kẽm, quặng sắt và sắt-mangan. Khoáng sản phân bố ở hầu hết các huyện trên địa bàn tỉnh, trong đó khoáng sản có giá trị như chì kẽm, sắt, vàng tập trung nhiều nhất ở khu vực huyện Chợ Đồn, Ngân Sơn, Pác Nặm và Chợ Mới; đá vôi và cát sỏi làm vật liệu xây dựng thông thường tập trung chủ yếu ở huyện Chợ Đồn, Na Rì, thành phố Bắc Kạn. Đây vừa là lợi thế và tiềm năng rất lớn để thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Bắc Kạn, vừa là khó khăn, thách thức cho cấp ủy, chính quyền các cấp và các cơ quan quản lý nhà nước trên địa bàn tỉnh trong công tác quản lý về khoáng sản và bảo vệ môi trường.

IMG 7822

Công tác quản lý Nhà nước về khoáng sản trên địa bàn luôn được sự quan tâm chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh Bắc Kạn, sự quan tâm tạo điều kiện của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam, sự tham gia của các cơ quan chuyên môn và chính quyền các địa phương ở cấp huyện, cấp xã. Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về khoáng sản ngày được hoàn thiện, dần dần đáp ứng công tác quản lý nhà nước về khoáng sản.

Bên cạnh đó, lĩnh vực quản lý khoáng sản cũng có những khó khăn cần tháo gỡ. Công tác bảo vệ khoáng sản chưa khai thác còn gặp nhiều khó khăn tại các khu vực có địa hình phức tạp, lực lượng bảo vệ khoáng sản chưa khai thác chủ yếu là kiêm nhiệm, không thường xuyên, do vậy một số ít đối tượng vẫn lén lút khai thác khoáng sản trái phép. Thực hiện Nghị định số 158/2016/NĐ-CP ngày 29/11/2016 của Chính phủ, nhằm nâng cao chất lượng bảo vệ khoáng sản chưa khai thác, Sở Tài nguyên và Môi trường đã tham mưu cho UBND tỉnh phê duyệt Phương án bảo vệ khoáng sản chưa khai thác trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn tại Quyết định số 735/QĐ-UBND ngày 29/5/2017 (thực hiện từ năm 2017 đến năm 2020). Hàng năm, Sở Tài nguyên và Môi trường xây dựng kế hoạch thực hiện cụ thể; trong đó năm 2019, Sở Tài nguyên và Môi trường đã ban hành Kế hoạch số 14/KH-STNMT ngày 23/01/2019 nhằm nâng cao hiệu quả quản lý hoạt động khoáng sản trên địa bàn.

Trong những năm qua, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bắc Kạn tham mưu cho UBND tỉnh Bắc Kạn ban hành các văn bản quy phạm pháp luật và các văn bản hướng dẫn liên quan về bảo vệ môi trường, khoáng sản theo thẩm quyền. Ý thức chấp hành công tác bảo vệ môi trường của các tổ chức, cá nhân trong hoạt động khai thác khoáng sản ngày càng được nâng cao, các đơn vị đã lập đầy đủ các hồ sơ về bảo vệ môi trường theo quy định, tuân thủ các quy định về an toàn khai thác mỏ.

f7a7b88095c17c9f25d0
Công nhân khai thác Kẽm tại huyện Chợ Đồn, Bắc Kạn (ảnh Internet).

Theo ông Nông Văn Kỳ, bên cạnh các kết quả đạt được trong công tác bảo vệ môi trường lĩnh vực khoáng sản còn một số hạn chế như: Ý thức chấp hành quy định về bảo vệ môi trường trong hoạt động khoáng sản của một số đơn vị chưa cao, các vi phạm về công tác bảo vệ môi trường của một số đơn vị chủ yếu là: không giám sát môi trường định kỳ; chậm ký quỹ cải tạo, phục hồi môi trường; Thực hiện không đầy đủ một trong các nội dung cam kết bảo vệ môi trường đã được phê duyệt. Lực lượng công chức làm công tác thanh tra môi trường còn thiếu; trang thiết bị phục vụ công tác thanh tra, kiểm tra chưa được trang bị đầy đủ. Từ năm 2011-2018, đơn vị chuyên môn đã lập biên bản vi phạm hành chính đối với 15 trường hợp có hành vi vi phạm về công tác bảo vệ môi trường trong hoạt động khoáng sản với tổng số tiền xử phạt là 878,88 triệu đồng.

Nhằm tiếp tục quản lý, bảo vệ, khai thác và sử dụng tài nguyên khoáng sản hợp lý, tiết kiệm, gắn với công tác bảo vệ môi trường. Trong thời gian tới, các cấp, ngành cần tập trung tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức, thực hiện nghiêm các chủ trương, chính sách, pháp luật, của Nhà nước trong công tác quản lý, bảo vệ môi trường trong khai thác khoáng sản; kiên quyết xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân hoạt động khai thác, chế biến khoáng sản gây ô nhiễm môi trường… nhằm đảm bảo mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội bền vững.

IMG 8488
quản lý các phương tiện vận chuyển khoáng sản, bảo đảm kết cấu hạ tầng giao thông.

Những nỗ lực của ngàng TN&MT tỉnh Bắc K ạn đã đem lại hiệu quả về phát triển kinh tế - xã hội, tăng nguồn thu cho tỉnh. Năm 2018, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực khoáng sản đã đóng góp ngân sách cho tỉnh Bắc Kạn với số tiền là 135,39 tỷ đồng so với tổng số thu ngân sách là 641,3 tỷ đồng (chiếm khoảng 21%); tạo công ăn việc làm cho khoảng 1.680 lao động, chủ yếu là lao động địa phương, thu nhập trung bình khoảng 6,0 triệu đồng/người/tháng. Chỉ số sản xuất công nghiệp đối với lĩnh vực khai thác trong năm 2018 tăng khoảng 2,8% so với năm 2017. Nhìn chung, hoạt động khoáng sản mang lại kết quả nhất định, tuy nhiên chưa tương xứng so với tiềm năng khoáng sản của tỉnh. Hầu hết các doanh nghiệp hoạt động khoáng sản trên địa bàn tỉnh đều là doanh nghiệp nhỏ, năng lực tài chính còn nhiều hạn chế,…. nên chưa tiếp cận được với công nghệ tiên tiến để chế biến khoáng sản, do vậy chưa gia tăng được gia trị kinh tế trong hoạt động chế biến khoáng sản.

Để nâng cao hơn nữa công tác quản lý nhà nước về khoáng sản, Sở Tài nguyên và Môi trường đã tham mưu cho UBND tỉnh Bắc Kạn ban hành Quyết định số 867/QĐ-UBND ngày 22/6/2017 về việc phê duyệt Đề án "Nâng cao hiệu quả quản lý Quy hoạch, thăm dò, khai thác, chế biến, vận chuyển và tiêu thụ khoáng sản, chống thất thu ngân sách từ hoạt động khoáng sản trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn, giai đoạn 2017-2020". Sau gần 02 năm thực hiện Đề án, với sự tham gia tích cực của các ngành và địa phương liên quan, công tác quản lý khoáng sản đã có bước chuyển biến tích cực, nâng cao ý thức chấp hành của doanh nghiệp hoạt động khoáng sản, nhất là trách nhiệm trong việc nộp ngân sách nhà nước; đồng thời xác định cụ thể trách nhiệm và công tác phối hợp của các cơ quan, địa phương trong công tác quản lý khoáng sản của tỉnh.

Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bắc Kạn đã triển khai 6 giải pháp trọng tâm để nâng cao hiệu quả quan lý nhà nước về khoáng sản: Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về khoáng sản và các văn bản có liên quan cho các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực khoáng sản; Thẩm định, trình UBND tỉnh cấp phép hoạt động khoáng sản theo đúng quy định của pháp luật về khoáng sản và các pháp luật khác có liên quan, các khu vực cấp phép hoạt động khoáng sản đảm bảo không thuộc khu vực cấm, tạm thời cấm hoạt động khoáng sản; Nâng cao chất lượng thẩm định, trình UBND tỉnh phê duyệt Báo cáo đánh giá tác động môi trường, phương án cải tạo phục hồi môi trường. Tăng cường kiểm tra, giám sát đối với công tác bảo vệ môi trường trong khai thác, chế biến khoáng sản; Phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư và các cơ quan có liên quan rà soát các dự án khai thác khoáng sản đã cấp phép, kiên quyết kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xét xem thu hồi giấy chứng nhận đầu tư và giấy phép khai thác khoáng sản đối với các dự án hoạt động không có hiệu quả, khai thác khoáng sản không đảm bảo an toàn hoặc không thực hiện đầy đủ nghĩa vụ tài chính trong hoạt động khoáng sản theo quy định.