Nhân dân vẫn "bức xúc" vấn đề khai thác cát sỏi trái phép

Khoáng sản - Ngày đăng : 14:07, 09/05/2019

(TN&MT)  - Cử tri và Nhân dân bức xúc trước tình trạng khai thác cát, sỏi trái phép, không phép vẫn xảy ra ở một số nơi mà không bị xử lý nghiêm và tiếp tục kiến nghị tại Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XIV.

Theo Báo cáo Kết quả giám sát việc giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV của Ban Dân nguyện, khai thác cát trái phép tiếp tục “tái xuất”. Cử tri các địa phương như: Tây Ninh, Thừa Thiên Huế, Hải Phòng, Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đắk Nông, ... cho rằng tình trạng khai thác cát trái phép tiếp tục xuất hiện và có diễn biến phức tạp sau một thời gian đã được kiềm chế, cử tri đã đề nghị cần kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

Tiếp thu kiến nghị, Bộ Xây dựng, Bộ Công an, Bộ TN&MT và UBND các địa phương đã chủ động tích cực thực hiện nhiều đợt thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật trong hoạt động khai thác khoáng sản nói chung, khai thác cát, sỏi lòng sông nói riêng  và xử lý các trường hợp vi phạm. Trong năm 2018, Bộ TN&MT đã tiến hành 34 cuộc thanh tra, kiểm tra (04 cuộc thanh tra theo kế hoạch, 21 cuộc thanh tra đột xuất và 09 cuộc kiểm tra), ban hành 51 Quyết định xử phạt, tổng số tiền phạt là 7,5 tỷ đồng .

khai thác cát trái phép
Vấn đề khai thác cát trái phép vẫn nóng trong cử tri và Nhân dân. Ảnh minh họa

Tuy nhiên, trong thời gian gần đây, tình hình khai thác trái phép cát, sỏi trên các tuyến sông cửa biển hoạt động trở lại với thủ đoạn tinh vi, có nơi công khai có tính chất lộng hành như tại Hà Nội, Bình Thuận, Lâm Đồng, Khánh Hòa, Bến tre, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu,...

Từ thực tế đó, vấn đề khai thác cát trái phép vẫn “nóng”, được cử tri và Nhân dân tiếp tục kiến nghị tại Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XIV. Cử tri và Nhân dân bức xúc trước tình trạng khai thác cát, sỏi trái phép, không phép vẫn xảy ra ở một số nơi mà không bị xử lý nghiêm. Cử tri và Nhân dân cho rằng, phải có sự bao che, “bảo kê” của những tổ chức, cá nhân có thẩm quyền để cho tình trạng tiếp tục tiếp diễn.

Do vậy, cử tri và Nhân dân đề nghị Chính phủ chỉ đạo các ngành chức năng và các địa phương kiên quyết rà soát, điều tra nghi vấn “lợi ích nhóm”, làm rõ và xử lý nghiêm minh trách nhiệm của người đứng đầu chính quyền, cơ quan chức năng ở các địa phương còn để xảy ra vi phạm như kiến nghị của Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tại nhiều kỳ họp Quốc hội. Đồng thời, đề nghị Chính phủ chỉ đạo các cơ quan chức năng khẩn trương nghiên cứu, thực hiện các giải pháp phát triển vật liệu thay thế, giảm phụ thuộc vào khai thác các vật liệu từ tự nhiên.

Cùng với đó, các Bộ, ngành và địa phương cần chủ động phối hợp chặt chẽ hơn nữa để đưa ra những biện pháp hiệu quả hơn.