Quảng Nam: Khai thác khoáng sản vẫn diễn biến phức tạp

Khoáng sản - Ngày đăng : 12:58, 19/03/2019

(TN&MT) - Mặc dù tỉnh Quảng Nam đã tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử phạt vi phạm  trong hoạt động khai thác khoáng sản trên địa bàn, tuy nhiên, thời gian qua, tình trạng khai thác trái phép vẫn có xu hướng phức tạp.
Cảnh sát đường thủy, Công an tỉnh Quảng Nam bắt giữ một vụ khai thác cát trái phép trên sông Thu Bồn
Cảnh sát đường thủy, Công an tỉnh Quảng Nam bắt giữ một vụ khai thác cát trái phép trên sông Thu Bồn

Quảng Nam là địa phương có nguồn tài nguyên khoáng sản phong phú, đa dạng với gần 45 loại, trong đó nhiều loại khoáng sản có trữ lượng lớn, có giá trị kinh tế cao như: vàng, titan, cát, đá xây dựng… Từ 1/1/2018 đến nay, tỉnh đã cấp, ban hành 51 giấy phép, quyết định hoạt động khoáng sản, bao gồm 10 giấy phép thăm dò khoáng sản, 29 giấy phép khai thác khoáng sản, 12 quyết định phê duyệt trữ lượng khoáng sản. Hiện toàn tỉnh còn 126 giấy phép tham dò, khai thác khoáng sản còn hiệu lực. Trong đó, 35 mỏ cát, sỏi xây dựng, 37 mỏ khai thác đất và 11 mỏ vàng. Tổng số tiền cấp quyền khai thác khoáng sản phải nộp năm 2018 của các quyết định đã phê duyệt là hơn 24 tỷ đồng.

Năm 2018, các sở, ngành, địa phương đã tổ chức và phối hợp tổ chức nhiều cuộc thanh tra, kiểm tra, qua đó, phát hiện và xử phạt vi phạm hành chính hàng trăm triệu đồng đối với các đơn vị được cấp phép hoạt động khoáng sản. Theo đó, Đoàn kiểm tra liên ngành của tỉnh thành lập theo Quyết định số 3721/QĐ-UBND ngày 20/10/2017 của UBND tỉnh đã tổ chức kiểm tra tình hình hoạt động và việc thực hiện các nghĩa vụ liên quan của 19 doanh nghiệp/26 giấy phép khai thác cát, sỏi trên địa bàn tỉnh. Đoàn đã lập 12 biên bản vi phạm hành chính và chuyển cho các cơ quan có thẩm quyền xem xét, ban hành 10 quyết định xử phạt với tổng số tiền là  hơn 657 triệu đồng, buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp là hơn 273 triệu đồng; tước quyền sử dụng giấy phép khai thác khoáng sản 02 tháng đối vơi 01 DN.  

Ngoài ra, Thanh tra Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Quảng Nam cũng đã chủ trì thực hiện 06 cuộc thanh tra, kiểm tra đối với 12 đơn vị hoạt động khoáng sản. Qua đó, kiến nghị thu hồi tổng số tiền 7,4 tỷ đồng. Đồng thời, Sở TN&MT đã ban hành 21 quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực khoáng sản đối với 19 tổ chức, 03 cá nhân với tổng số tiền gần 2,5 tỷ đồng. Tuy nhiên, đến nay mới truy thu được gần 820 triệu của 17 tổ chức nộp phạt vi phạm hành chính.

Lực lượng Công an tỉnh đã tổ chức kiểm tra, truy quét, phát hiện và xử lý 242 vụ vi phạm trong lĩnh vực khoáng sản, trong đó khởi tố 07 vụ với 14 bị can, xử phạt hành chính 235 vụ với 14 tổ chức và 221 cá nhân.

Nhiều doanh nghiệp tại Quảng Nam sau khai thác khoáng sản chậm hoàn thổ, cải tạo môi trường nhưng chưa xử lý nghiêm
Nhiều doanh nghiệp tại Quảng Nam sau khai thác khoáng sản chậm hoàn thổ, cải tạo môi trường nhưng chưa xử lý nghiêm

UBND các huyện, thị xã cũng đã tổ chức nhiều đợt kiểm tra, truy quét, đẩy đuổi các đối tượng khai thác khoáng sản trái phép, tháo dỡ, phá hủy 61 lán trại, 690 m2 bạt xanh, 16 máy bổ các loại, 20 hầm lò khai thác trái phép, 300 lít dầu Disel và nhiều dụng cụ phục vụ việc khai thác khoáng sản trái phép. Đồng thời, ban hành 52 quyết định xử phạt vi phạm hành chính với tổng số tiền hơn 400 triệu đồng.

Nhằm hạn chế tình trạng khai thác khoáng sản trái phép tại các điểm nóng, các địa phương cũng thành lập các chốt chặn, kiểm soát 24/24h. Như huyện Bắc Trà My đã tổ chức trực, chốt giữ 24/24 tại 05 điểm: Bãi vàng Cống Ba Bi (xã Trà Nú), bãi vàng Núi Kẽm Suối Tre (xã Trà Kót), bãi thiếc Nước Oa (xã Trà Sơn Trà Giác, Trà Tân), bãi thiếc Dương Hòa (xã Trà Giang, Trà Sơn, Trà Giác), bãi vàng Nưóc Vin (xã Trà Giác). Thị xã Điện Bàn, huyện Duy Xuyên đã thành lập trạm kiểm soát liên ngành, chốt chặn 24/24h trên tuyến sông Thu Bồn, triển khai thành lập Trạm lưu giữ tàu, thuyền vi phạm trong hoạt động khoáng sản trái phép tại địa phương.

Mặc dù đã tăng cường thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm trong lĩnh vực khai thác khoáng sản, tuy nhiên, theo đánh giá của Sở TN&MT tỉnh Quảng Nam tại nhiều nơi vẫn còn xảy ra tình trạng khai thác khoáng sản trái phép, nhất là khoáng sản vàng, cát. Trong khi đó, công tác kiểm tra, xử lý vi phạm tại một số địa phương chưa quyết liệt. Ý thức chấp hành pháp luật trong hoạt động khoáng sản của doanh nghiệp chưa cao, nhiều doanh nghiệp đã hết hạn giấy phép khai thác khoáng sản nhưng vẫn còn nợ thuế, chậm trễ trong việc hoàn thổ, cải tạo, phục hồi môi trường. Trình tự, thủ tục thực hiện công tác khoanh định, công bố khu vực có khoáng sản phân tán, nhỏ lẻ còn chặt chẽ, mất thời gian, chưa ứng yêu cầu quản lý khoáng sản tại địa phương.

Thời gian tới, để công tác quản lý khai thác khoáng sản đi vào nề nếp, bên cạnh công tác tăng cường công tác kiểm tra xử lý nghiêm các hoạt động khai thác trái phép, tỉnh Quảng Nam kiến nghị Bộ TN&MT bổ sung quy định thời hạn, số tiền kỹ quỹ cải tạo phục hồi môi trường để tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản thực hiện các nghĩa vụ có liên quan đóng cửa mỏ, cải tạo, phục hồi môi trường…. Cho phép UBND cấp tỉnh phân cấp, ủy quyền cho UBND cấp huyện tổ chức đấu giá quyền khai thác khoáng sản đối với các khu vực khoáng sản thuộc thẩm quyền cấp phép của UBND cấp tỉnh. Chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan đẩy nhanh tiến độ thực hiện phê duyệt Đề án đóng cửa mỏ vàng Bồng Miêu và lựa chọn đơn vị tực hiện đóng cửa mỏ, bàn giao đất cho địa phương quản lý…