Bình Định: Hoạt động khai thác đất tiếp tục “nóng” lên

Khoáng sản - Ngày đăng : 17:52, 09/03/2019

(TN&MT) - Hoạt động khai thác, vận chuyển, mua bán đất trên địa bàn tỉnh Bình Định đang có dấu hiệu nóng dần lên trong thời gian gần đây. Không chỉ các điểm nóng khai thác, vận chuyển, mua bán đất tại xã Phước Mỹ, khu vực núi Bà Hỏa của thành phố Quy Nhơn, Báo Điện tử TN&MT vừa có loạt bài phản ánh, mà còn nhiều điểm khác trên địa bàn thị xã An Nhơn và huyện Phù Cát.
Đồi Hỏa Sơn, xã Nhơn Mỹ, thị xã An Nhơn đang là điểm nóng khai thác, vận chuyển đất rầm rộ
Đồi Hỏa Sơn, xã Nhơn Mỹ, thị xã An Nhơn đang là điểm nóng khai thác, vận chuyển đất rầm rộ

Mỗi ngày, có hàng trăm chuyến xe rồng rắn nối đuôi nhau chở đất rầm rộ trên QL1A qua địa bàn thành phố Quy Nhơn, huyện Tuy Phước, thị xã An Nhơn, huyện Phù Cát để phục san lấp các công trình giao thông trọng điểm đang xây dựng và các công trình xây dựng khác trên địa bàn tỉnh Bình Định.

Khu vực khai thác đá, đất tại núi Cấm, thôn Chánh Lạc, xã Cát Tường, huyện Phù Cát
Khu vực khai thác đá, đất tại núi Cấm, thôn Chánh Lạc, xã Cát Tường, huyện Phù Cát

Từ ngã tư Gò Găng dọc QL19B đi sân bay Phù Cát, qua địa phận xã Nhơn Mỹ, thị xã An Nhơn đến đồi Hỏa Sơn đang là điểm nóng khai thác, vận chuyển đất rầm rộ. Cũng từ ngã tư Gò Găng theo QL19B đi huyện Phù Cát là đến khu vực khai thác đá, đất tại núi Cấm, thôn Chánh Lạc, xã Cát Tường. Tiếp đến đi qua địa phận thôn Chánh Nhơn, xã Cát Nhơn, huyện Phù Cát, tại khu vực núi Đá Chồng (thuộc dãy núi Bà) hàng triệu m2 đất bị cày xới, khai thác tạo thành hố sâu lồi lõm, tan hoang cả khu vực dưới chân núi. Doanh nghiệp tự thỏa thuận mua lại đất trồng cây lâm nghiệp của các hộ dân, sau đó tiến hành khai thác.

Khu vực khai thác đất thôn Chánh Nhơn, xã Cát Nhơn, huyện Phù Cát
Khu vực khai thác đất thôn Chánh Nhơn, xã Cát Nhơn, huyện Phù Cát

Tìm hiểu nơi chính quyền địa phương thì khu vực đất tại thôn Chánh Nhơn, xã Cát Nhơn, UBND tỉnh Bình Định cho phép Công ty TNHH Tân Lập lấy đất phục vụ san lấp mặt bằng dự án Đường trục Khu Kinh tế nối dài trên địa bàn thị xã An Nhơn và huyện Phù Cát. Nhưng khi khai thác, vận chuyển lấy đất không chỉ có riêng xe Công ty TNHH Tân Lập mà còn nhiều xe của doanh nghiệp khác, chủ yếu loại xe Chiến Thắng không mang tên doanh nghiệp cùng ăn theo. Thậm chí, Công ty Xây dựng tổng hợp Thành Hiếu là đơn vị chở đất cho Công ty TNHH Tân Lập, khai thác lấy đất xâm phạm vào phần đất khu vực mỏ đá của Công ty TNHH Sản xuất thương mại Hoàng Việt mà UBND tỉnh Bình Định đã cấp phép cho doanh nghiệp này.

Khu vực đất thôn Chánh Nhơn bị khai thác tan hoang
Khu vực đất thôn Chánh Nhơn bị khai thác tan hoang

Việc khai thác lấy đất dưới chân núi Đá Chồng, Báo TN&MT đã có loạt bài phản ánh và Công ty TNHH Bất động sản Thành Châu đã bị xử phạt vi phạm hành chính 90 triệu đồng cho hành vi khai thác đất trái phép. Có lẽ số tiền xử phạt quá ít không có tác dụng răn đe đối với các doanh nghiệp khác. Bởi vậy, hoạt động khai thác đất trái phép ở thôn Chánh Nhơn, xã Cát Nhơn, huyện Phù Cát liên tục tái diễn mà không thể xử lý dứt điểm.

Hàng triệu m3 đất dưới chân núi Đá Chồng, thôn Chánh Nhơn, xã Cát Nhơn bị lấy đi
Hàng triệu m3 đất dưới chân núi Đá Chồng, thôn Chánh Nhơn, xã Cát Nhơn bị lấy đi

Đất không chỉ phục vụ các công trình giao thông trọng điểm của tỉnh Bình Định đang thi công, mà còn phục vụ các dự án khu dân cư cần san lấp mặt bằng. Khu vực mỏ đất phục vụ công trình dự án, nhà đầu tư kê khai trong hồ sơ dự án một đằng nhưng thực tế lấy đất một nẻo. Nghĩa là, chủ đầu tư chọn những mỏ đất đã được quy hoạch thành vùng khai thác khoáng sản phục vụ các công trình để hồ sơ dự án đủ điều kiện triển khai, nhưng trên thực tế lại chọn nơi khác lấy đất nhằm tiết kiệm chi phí vận chuyển.

Dự án Khu đô thị mới đường Lê Hồng Phong nối dài tại phường Bình Định, thị xã An Nhơn hoàn thành việc san lấp mặt bằng
Dự án Khu đô thị mới đường Lê Hồng Phong nối dài tại phường Bình Định, thị xã An Nhơn hoàn thành việc san lấp mặt bằng

Đơn cử như dự án Khu đô thị mới đường Lê Hồng Phong nối dài tại phường Bình Định và dự án Khu dân cư thuộc Khu đô thị mới Cẩm Văn, phường Nhơn Hưng của thị xã An Nhơn đều có nguồn gốc từ đất trồng lúa. Để có đất san lấp mặt bằng dự án, chủ đầu tư, nhà thầu thi công hai dự án này đều xin mỏ đất tại núi Một, xã Cát Hanh, huyện Phù Cát để thi công dự án, nhưng thực tế lại không lấy đất ở đây.

Dự án Khu dân cư thuộc Khu đô thị mới Cẩm Văn của Công ty TNHH Đầu tư xây dựng và Thương mại dịch vụ Yến Tùng tại phường Nhơn Hưng, thị xã An Nhơn đang san lấp mặt bằng
Dự án Khu dân cư thuộc Khu đô thị mới Cẩm Văn của Công ty TNHH Đầu tư xây dựng và Thương mại dịch vụ Yến Tùng tại phường Nhơn Hưng, thị xã An Nhơn đang san lấp mặt bằng

Khi PV làm việc với ông Võ Văn Sáu - Chủ tịch UBND xã Cát Hanh và cán bộ địa chính xã đều khẳng định mỏ đất ở núi Một dừng hoạt động khai thác sau khi dự án nâng cấp QL1A kết thúc và lâu nay không có đơn vị nào đến lấy đất ở đây, UBND tỉnh cũng chưa cấp phép cho doanh nghiệp nào được khai thác đất tại núi Một. Trong khi đó, dự án Khu đô thị mới đường Lê Hồng Phong nối dài tại phường Bình Định đã hoàn thành phần san lấp mặt bằng và dự án Khu dân cư thuộc Khu đô thị mới Cẩm Văn đang tiến hành san lấp. Chính điều này khiến cho hoạt động khai thác, vận chuyển đất tại khu vực đồi Hỏa Sơn và khu vực núi Bà đi qua địa bàn thị xã An Nhơn và huyện Phù Cát diễn ra rầm rộ, trở thành điểm nóng hoạt động khai thác, vận chuyển, mua bán đất.

Dự án dịch vụ - thương mại dân cư Bắc Cầu Tân An 37 ha, phường Bình Định, thị xã an Nhơn đang san lấp mặt bằng
Dự án dịch vụ - thương mại dân cư Bắc Cầu Tân An 37 ha, phường Bình Định, thị xã An Nhơn đang san lấp mặt bằng

Phần cuối của bài viết, chúng tôi muốn đề cập đến là trách nhiệm của lãnh đạo chính quyền sở tại và Phòng TN&MT thị xã An Nhơn và huyện Phù Cát trong công tác bảo vệ tài nguyên, khoáng sản trên địa bàn mình quản lý. Khi PV liên hệ hỏi về các doanh nghiệp được phép hoạt động khai thác đất trên địa bàn, nhưng lãnh đạo chính quyền và cơ quan chức năng đều có câu trả lời giống nhau là không nắm rõ, đề nghị PV gặp Sở TN&MT hỏi sẽ biết rõ hơn. Vì UBND tỉnh và Sở TN&MT cho phép doanh nghiệp được khai thác đất phục vụ các công trình trọng điểm của tỉnh nên chúng tôi không nắm được. Chính điều này đã tạo kẽ hở cho “đất tặc” tha hồ tung hoành suốt thời gian qua.