Người Mạ giữ rừng Tà Đùng

Khoáng sản - Ngày đăng : 15:45, 03/02/2019

(TN&MT) - Bao đời nay, tập tục sinh hoạt của người Mạ sống dưới chân núi Tà Đùng (xã Đắk Som, huyện Đắk Glong, tỉnh Đắk Nông) gắn liền với rừng núi nên người dân xem việc bảo vệ rừng là bảo vệ cuộc sống của họ. Dù thù lao chẳng được bao nhiêu, nhưng hàng trăm hộ dân nơi đây vẫn rất nhiệt tình tham gia nhận khoán bảo vệ rừng với Khu Bảo tồn thiên nhiên Tà Đùng. Họ thay nhau “ăn dầm, nằm dề” trong các khu rừng, chịu đựng gió rét, hiểm nguy rình rập từ nhiều phía chỉ để bảo vệ từng cây gỗ, con thú khỏi bàn tay của kẻ hám lợi.
tadung4
Miếu thờ thần đá bảo vệ núi rừng của người Mạ ở chân núi Tà Đùng

Huyền thoại Tà Đùng

Những ngày đầu cuối năm 2018, từ TP. Buôn Ma Thuột, chúng tôi “phượt” hơn 200km qua hàng chục con đèo gấp khúc để đến với Khu Bảo tồn thiên nhiên Tà Đùng. Nhìn từ xa, đỉnh núi Tà Đùng tĩnh lặng, lấp ló trong làn mây trắng giăng ngang trời. Làng đồng bào Châu Mạ nằm dưới chân núi như lính gác cửa, ngày đêm canh giữ rừng.

Đã bao đời nay, đồng bào Mạ vẫn hát kể cho nhau nghe những sử thi về núi Tà Đùng hùng vĩ, sự tích cái tên của từng con suối, ngọn đồi và truyền dạy con cháu rằng việc giữ rừng đại ngàn là bảo vệ sinh mệnh sống của dân làng. Theo lời già làng KCha kể lại: Thời xa xưa, có một cộng đồng người Châu Mạ lập làng, sinh sống phồn thịnh trên đỉnh núi Tà Đùng. Trong làng có nàng HBung xinh đẹp, tài giỏi, sống trong gia đình giàu sang nhưng rất siêng năng nên nhiều trai làng yêu mến, theo đuổi. Nàng HBung ưng chàng KJang khỏe mạnh, chăm chỉ. Để cưới vợ, chàng trai phải chuẩn bị tiền của làm hồi môn theo yêu cầu của nhà gái, KJang cần mẫn làm việc gom góp tiền của cưới nàng HBung. 

Trong một chuyến rong chơi, chàng Jong Kjang là một người có vị thế bên dãy núi Nâm Nung đến Tà Đùng. Đêm nằm nghe âm thanh réo rắt, chàng choàng tỉnh dậy, lần theo tiếng nhạc và nhìn thấy một cô gái xinh đẹp đang dệt thổ cẩm, chiếc vòng Brlêm đeo bên thắt lưng đung đưa theo nhịp tạo thành bản nhạc. Say mê nhan sắc, chàng JongKjang ngỏ lời làm quen, nhưng bị người đẹp từ chối. Quyết tâm bắt được nàng về làm vợ, JongKjang phá hết những vòi nước 3 nhánh mà nàng HBung hay tắm. Nàng HBung hỏi chim và nhiều con vật khác trong khu rừng, chúng đều trả lời không biết. JongKjang bắt nàng về chung sống ở núi Nâm Nung, sinh được 3 người con trai.

Sống ở Nâm Nung, nàng HBung vẫn buồn bã nói với các con: “Đất mình đang ở là đất của người ta, nước mình đang uống là nước của người ta”, rồi chỉ về hướng núi Tà Đùng bảo: “Đất, nước kia mới là của mình”. Jong Kjang biết chuyện trách mắng, nàng HBung giận dỗi đưa con trở về núi Tà Ðùng. Sau đó, JongKjang mang quân đến phá làng, chặt cây, giết hại muông thú, đạp bằng ngọn núi Tà Ðùng. Chàng KJang khỏe mạnh đã dùng tay chống đỡ, ôm chặt ngọn núi. Ngày nay, trên đỉnh Tà Đùng vẫn còn hai ngọn núi nhỏ được cho là dấu tích bàn tay KJang đỡ cho ngọn núi lớn không bị đổ. Dân làng đặt tên cho hai ngọn núi nhỏ đó là Khéckhal.

tadung5
Hồ tạ Tà Đùng có phong cảnh đẹp

Nhận khoán để giữ rừng

Ngày nay, đồng bào tham gia nhận khoán bảo vệ rừng. Cả những ngày lễ tết, khi mọi người được nghỉ ngơi, sum vầy bên gia đình, cộng đồng người Mạ dưới chân núi Tà Đùng vẫn chia ca vào rừng túc trực, canh gác cả ngày lẫn đêm. Anh KPhương (36 tuổi, ở xã Đắk Som, một trong những chủ hộ nhận khoán bảo vệ rừng Tà Đùng) cho biết: Các hộ nhận khoán chia tổ, phân công lịch tuần tra rất rõ ràng, mỗi hộ tham gia tuần tra 3 - 4 lần/tháng. Mỗi chuyến đi ở lại rừng vài ngày nên phải chuẩn bị các loại dụng cụ, thuốc men phòng côn trùng cắn, hút máu. “Ban ngày, cả đoàn đi tuần tra, tối ở đâu giăng bạt, dựng lều ở đó. Trong rừng sương mù xuống dày đặc, giá buốt thấu da, muỗi bay vo ve khắp lán, chúng tôi phải đốt lửa sưởi ấm mới ngủ được”, anh KPhương cho hay.

Lâm tặc ngày càng manh động, hung hãn chúng sẵn sàng tấn công trả thù những người cản trở con đường làm ăn phi pháp của chúng. Công việc canh rừng vất vả, thù lao không được bao nhiêu. Nếu đơn thuần chỉ kiếm việc làm thêm tăng thu nhập, người Tà Đùng có thể làm nhiều việc khác nhẹ nhàng, đỡ nguy hiểm hơn gấp nhiều lần. Nhưng họ vẫn chọn việc giữ rừng, đơn giản vì rừng là sự sống của làng và việc giữ rừng đã được già làng căn dặn.

Ông Khương Thanh Long - Giám đốc Khu Bảo tồn thiên nhiên Tà Đùng cho biết: Khu Bảo tồn thiên nhiên Tà Đùng bao gồm núi và hồ Tà Đùng, quản lý gần 20.000ha rừng đặc dụng. Bên trong khu rừng là dòng suối Đắk Nteng chảy qua, tạo thành hai ngọn thác hấp dẫn, kỳ bí. Đứng trên cao nhìn xuống những sườn dốc là các buôn làng thuộc xã Đắk Plao, Đắk Rmăng, Đắk Som, nơi lưu giữ nhiều giá trị truyền thống văn hóa đặc sắc. Hiện, khu bảo tồn còn nhiều gỗ, động vật quý hiếm nên rừng Tà Đùng là miếng mồi ngon hấp dẫn lâm tặc khắp nơi nhòm ngó, chực chờ xẻ thịt. Lực lượng kiểm lâm ít người nên quản lý không xuể. Mấy năm trước, khu bảo tồn bắt đầu giao khoán cho những hộ dân sống quanh khu vực rừng.

 “Lực lượng quản lý bảo vệ rừng của đơn vị chỉ có 19 kiểm lâm và một số người hợp đồng. Số người hạn chế, nhưng địa bàn quản lý rộng (Đắk Nông và Lâm Đồng - PV) nên đơn vị phải tập trung giao khoán rừng cho đồng bào các địa phương cùng tham gia quản lý bảo vệ. Trong tổng số gần 16.000 ha rừng tham gia chi trả dịch vụ môi trường rừng, Khu Bảo tồn thiên nhiên Tà Đùng giao khoán cho người dân quản lý bảo vệ hơn 6.000 ha. Bà con nhận khoán được chia làm 19 tổ với 201 hộ gia đình ở các xã Đắk Som, Đắk Rmăng (Đắk Glong) và các xã Phi Liêng, Đạt KNàng (Đam Rông, Lâm Đồng)”, ông Khương Thanh Long cho hay.

Trong năm 2018, Khu Bảo tồn thiên nhiên Tà Đùng đã giao khoán khoảng 5.000 ha rừng cho 223 hộ dân ở xã Đắk Som, trung bình mỗi hộ nhận khoán 35ha với tiền công 400.000 đồng/ha/năm. Các hộ nhận khoán chia thành từng tổ bảo vệ rừng, phân ca trực 24/24. Trong đó, đồng bào dân tộc ít người chiếm 95%, chủ yếu đồng bào Mạ vì tập tục sinh hoạt của người Mạ và hiểu giá trị của rừng. Làng người Mạ nằm án ngữ dưới chân núi Tà Đùng như lính gác cửa rừng. Lâm tặc muốn vào phá rừng phải vượt qua sự ngăn trở của dân làng.

“Khu Bảo tồn thiên nhiên Tà Đùng là khu vực đa dạng sinh học với hơn 1.000 loài động thực vật. Trong đó, có nhiều loài động vật, thực vật quý hiếm có tên trong Sách đỏ Việt Nam và thế giới, được ưu tiên bảo tồn như: báo hoa mai, vượn má hung, cu li nhỏ, mang lớn, gà lôi, công, niệc mỏ vằn, đặc biệt là vùng chim đặc hữu. Rừng Tà Đùng còn giữ được như bây giờ, công lớn nhờ đồng bào nhận khoán hết lòng bảo vệ”, ông Khương Thanh Long khẳng định.

Mang lễ tạ tội với rừng

Già làng KCha tâm sự: “Rừng là đấng thiêng, thần rừng canh giữ. Buôn làng bảo vệ rừng sẽ được che chở, ấm no. Nếu để mất rừng sẽ gặp đại họa, phải làm lễ xin thần rừng thứ tội”. Đối với người Mạ dưới chân núi Tà Đùng, rừng là sinh mệnh của cả làng. Theo già làng kể lại, năm nào rừng bị nhiều kẻ gian cưa gỗ, bắt thú là năm đó dân trong làng đau ốm liên miên, mùa màng thất bát. Người dân phải mang trâu vào gốc cây bị chặt làm lễ tạ tội với thần rừng. Không ít lần, già làng KCha cùng dân làng mang lễ đi tạ tội. Có lần, kẻ xấu chặt mất cây cổ thụ giữa rừng, không hiểu sao, người già, trẻ em trong làng đau ốm quanh năm, cây cối trồng không cho thu hoạch, vật nuôi chết dần. Già phải huy động dân làng vào rừng sâu tìm cho ra gốc cây bị chặt, dắt trâu cột vào gốc cây làm lễ xin thần rừng tha thứ, dân làng mới được sống yên ổn. “Già luôn căn dặn con cháu của làng phải bảo vệ rừng, sống hòa thuận với rừng để có sức khỏe, no ấm”, già KCha chia sẻ.