Bình Định: Khai thác đá núi Hòn Chà – Bất cập trong quản lý vì chưa cắm mốc ranh giới

Khoáng sản - Ngày đăng : 22:21, 12/12/2018

(TN&MT) - Do chưa cắm mốc phạm vi ranh giới, xây dựng hàng rào ngăn cách ranh giới KCN Phú Tài với khu vực phía Đông núi Hòn Chà mà công tác quản lý giữa Ban Quản lý Khu Kinh tế tỉnh và UBND TP. Quy Nhơn gặp nhiều khó khăn. Lợi dụng điều này, doanh nghiệp không hợp tác với chính quyền địa phương, ngang nhiên khai thác, vận chuyển, mua bán đất, đá trái phép. Thậm chí một số doanh nghiệp bị đóng cửa mỏ vẫn tiếp tục lén lút khai thác đá.
Núi Hòn Chà bị băm nát từ dưới chân lên đỉnh núi tan hoang
Núi Hòn Chà bị băm nát từ dưới chân lên đỉnh núi tan hoang

Từ tháng 8/2018, UBND tỉnh Bình Định yêu cầu Ban Quản lý Khu Kinh tế tỉnh phối hợp với UBND TP. Quy Nhơn kiểm tra, cắm mốc phạm vi ranh giới KCN Phú Tài, xây dựng hàng rào ngăn cách ranh giới KCN Phú Tài với khu vực phía Đông núi Hòn Chà để ngăn chặn việc khai thác khoáng sản trái phép, bảo vệ cảnh quan, tài nguyên thiên nhiên. Thế nhưng, nhiều tháng đã trôi qua hai đơn vị này vẫn chưa tiến hành thực hiện. Điều này tạo kẽ hở cho các doanh nghiệp chây ì, vẫn tiếp tục khai thác đá, đất trái phép tại phía Đông núi Hòn Chà, mặc dù đã có thông báo thu hồi dự án mở rộng mặt bằng có thu hồi đá của các doanh nghiệp.

Phía Đông núi Hòn Chà gồm các doanh nghiệp khai thác đá: Công ty TNHH Xuân Nguyên, DNTN Thiên Phú, Công ty TNHH Xây dựng Phú Thành, Công ty CP sản xuất đá granite Phú Minh Trọng, Công ty TNHH Tân Phước, Công ty TNHH Nông Trại Xanh, Công ty TNHH Nam Á, Công ty TNHH Đá Hoa Cương. Từ năm 2016, UBND tỉnh Bình Định đã ra thông báo thu hồi dự án mở rộng mặt bằng, xây dựng xưởng sản xuất chế biến đá, chấm dứt việc khai thác, tận thu đá của các doanh nghiệp trên (trong đó DNTN Thiên Phú được cấp Giấy CNQSDĐ 50 năm). Nhưng lại cấp cho thêm diện tích phần mở rộng cho Công ty TNHH Nông Trại Xanh xây dựng mặt bằng Nhà máy sản xuất viên nén gỗ xuất khẩu nhưng chỉ nhằm mục đích khai thác đá, gây sự bức xúc, bất bình đẳng giữa các doanh nghiệp. 

Hiện trạng núi phía Nam núi Hòn Chà đang bị băm nát từng ngày
Hiện trạng núi phía Nam núi Hòn Chà đang bị băm nát từng ngày

Đối với Công ty TNHH Nam Á, Công ty TNHH Đá Hoa Cương, mặc dù UBND tỉnh Bình Định đã chấm dứt việc khai thác đá tại phía Đông núi Hòn Chà, yêu cầu hai doanh nghiệp tiến hành hoàn thổ, phục hồi môi trường; nhưng lợi dụng việc đưa máy móc để hoàn thổ, đến nay hai doanh nghiệp này tiếp tục khai thác đá. Đặc biệt là Công ty TNHH Đá Hoa Cương, dù đã có văn bản số 2320 ngày 29/8/2018 yêu cầu đóng cửa mỏ khoáng sản khu vực khai thác đá granit tảng lăn tại núi Hòn Chà, nhưng hiện tại Công ty vẫn ngang nhiên khai thác đá dưới chiêu bài hoàn thổ, phục hồi môi trường.

Các doanh nghiệp đang khai thác đá tại phía Nam núi Hòn Chà gồm: Công ty TNHH Quang Thuận, Công ty TNHH TM-SX Chánh Phát, Công ty TNHH An Hiệp và Công ty TNHH Thương mại Hậu Nhân, nhưng chủ yếu là Công ty TNHH Quang Thuận và Công ty TNHH Thương mại Hậu Nhân.

Điểm chung của các doanh nghiệp trên đều xin UBND tỉnh Bình Định mở rộng và xây dựng mặt bằng nhà máy sản xuất chế biến đá, gỗ; song thực chất chỉ nhằm mục đích duy nhất là khai thác đất, đá, một hình thức lách luật để trục lợi nguồn tài nguyên khoáng sản tại núi Hòn Chà.

Công ty TNHH Hoàn Cầu Granite được khai thác phía Tây núi Hòn Chà tại địa phận xã Phước Thành huyện Tuy Phước nhưng lại chở đá xuống con đường cùng với Công ty TNHH Nam Á và đường dân sinh lên Chùa Eo Mén
Công ty TNHH Hoàn Cầu Granite được khai thác phía Tây núi Hòn Chà tại địa phận xã Phước Thành huyện Tuy Phước nhưng lại chở đá xuống con đường cùng với Công ty TNHH Nam Á và đường dân sinh lên Chùa Eo Mén

Tuy nhiên, điều chúng tôi muốn đề cập ở đây là trách nhiệm của chính quyền địa phương và cơ quan chức năng về nạn khai thác đất, đá tại núi Hòn Chà. Nguyên nhân dẫn đến việc kiểm tra, xử lý các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn khi doanh nghiệp không hợp tác với UBND TP. Quy Nhơn, UBND phường Trần Quang Diệu và UBND phường Bùi Thị Xuân.

Ông Nguyễn Khắc Minh - Phó Trưởng Phòng TN&MT TP. Quy Nhơn cho biết: Chúng tôi rất bức xúc vì chưa xác định ranh giới phạm vi giữa các doanh nghiệp và ranh giới trong và ngoài KCN Phú Tài nên không thể tiến hành kiểm tra, xử lý doanh nghiệp khai thác đất, đá trái phép. Đơn cử như Công ty TNHH Nông Trại Xanh, Đoàn công tác lên kiểm tra nhưng doanh nghiệp không hợp tác vì họ cho rằng không đủ thẩm quyền. Khi nào UBND tỉnh thu hồi xong, giao lại cho UBND TP. Quy Nhơn quản lý thì mới dễ dàng tiến hành kiểm tra, xử lý.

Núi Hòn Chà bị băm nát để khai thác đất, đá cả ba phía Đông, Tây, Nam. Các doanh nghiệp không chỉ ngang nhiên biến tướng mở rộng xây dựng nhà máy thành công trường khai thác đất, đá trái phép; nghiêm trọng hơn họ còn tự thỏa thuận mua bán tài nguyên quốc gia giữa doanh nghiệp và người dân.

Công ty TNHH Xuân Nguyên ký thỏa thuận 400 triệu với dân để được khai thác đá
Công ty TNHH Xuân Nguyên ký thỏa thuận 400 triệu với dân để được khai thác đá

Trường hợp cụ thể là Công ty TNHH Xuân Nguyên do ông Phan Minh Trọng làm Giám đốc đã ký Biên bản thỏa thuận ngày 11/6/2018 với ông Nguyễn Văn Kỳ ở khu vực 7, phường Trần Quang Diệu với số tiền 400 triệu đồng để không bị gây khó khăn, cản trở khai thác đá, trong khi đã có thông báo thu hồi trước đó. Qua làm việc với PV Báo TN&MT, ông Hà Văn Đức - Chi cục Trưởng Chi cục Quản lý Đất đai thuộc Sở TN&MT khẳng định văn bản trên, hai bên tự thỏa thuận là sai quy định, không được phép khai thác đá.

Ở trường hợp khác, một người dân đã tự ý cho doanh nghiệp vào chở đất trồng cây lâm nghiệp dưới chân núi Hòn Chà với giá 60 ngàn đồng/xe đất. Mỗi ngày doanh nghiệp này phải trả cho hộ dân 6.000.000 đồng để chở 100 xe đất.
Báo Tài nguyên và Môi trường sẽ tiếp tục phản ánh vấn đề này.