Bình Định: Ba doanh nghiệp bắt tay nhau khai thác đá phía Đông núi Hòn Chà
Khoáng sản - Ngày đăng : 15:02, 06/11/2018
Trong loạt bài trước gồm: Bài 1 “Bình Định: Thu hồi dự án mở rộng mặt bằng có thu hồi đá của các doanh nghiệp tại khu vực phía Đông núi Hòn Chà” đăng ngày 24/8/2018; Bài 2 “Bình Định: Phía Đông núi Hòn Chà vẫn bị các doanh nghiệp khai thác đá trái phép” đăng ngày 15/10/2018; Bài 3“Vì sao không giải quyết dứt điểm được việc các doanh nghiệp khai thác đá trái phép tại phía Đông núi Hòn Chà” đăng ngày 19/10/2018. Chúng tôi đề cập đến các văn bản số 4654 ngày 17/10/2016 của UBND tỉnh Bình Định thông báo chấm dứt việc tận thu đá tại phía Đông núi Hòn Chà trên diện tích mở rộng nhà máy đối với DNTN Thiên Phú, Công ty TNHH Xuân Nguyên và Công ty CP Đá granite Phú Minh Trọng, thực hiện việc cải tạo, phục hồi môi trường theo quy định. Ngày 16/8/2018, UBND tỉnh Bình Định tiếp tục ra Thông báo số 183 thu hồi dự án mở rộng mặt bằng có thu hồi đá của ba doanh nghiệp trên.
Song song với việc thu hồi dự án mở rộng mặt bằng của ba doanh nghiệp trên thì UBND tỉnh Bình Định lại cho phép Công ty TNHH Nông Trại Xanh - KCN Phú Tài mở rộng mặt bằng Nhà máy sản xuất viên nén, nhưng thực chất là khai thác đá trái phép phía Đông núi Hòn Chà mà Báo Điện tử TN&MT đề cập trong Bài 3“Vì sao không giải quyết dứt điểm được việc các doanh nghiệp khai thác đá trái phép tại phía Đông núi Hòn Chà” đăng ngày 19/10/2018.
Mới đây, PV Báo Điện tử TN&MT tiếp tục phát hiện thêm Công ty TNHH Tấn Phước tại lô B49 KCN Phú Tài cũng tương tự như Công ty TNHH Nông Trại Xanh xin mở rộng mặt bằng nhà máy sản xuất gỗ được UBND tỉnh Bình Định chấp thuận, nhưng chỉ để khai thác đá trái phép tại phía Đông núi Hòn Chà. Tại văn bản số 2658 ngày 26/6/2014, UBND tỉnh Bình Định đồng ý cho chuyển đổi chức năng từ đất cây xanh sang đất sản xuất đối với phần diện tích 7.207m2 giao cho Công ty TNHH Tấn Phước để mở rộng mặt bằng nhà máy tại lô B49 KCN Phú Tài (trong đó bao gồm cả diện tích 1.901,1m2 đất UBND tỉnh đã chấp thuận cho Công ty CP Sản xuất đá Granite Phú Minh Trọng tại văn bản số 2268 ngày 22/6/2012). Chính việc cấp diện tích mở rộng mặt bằng chồng chéo đã dẫn đến sự tranh chấp khai thác đá giữa Công ty CP Sản xuất đá Granite Phú Minh Trọng và Công ty TNHH Tấn Phước.
Sự việc xảy ra khi hai công ty này cùng tranh nhau khối đá vàng trung có giá trị ước tính hàng tỷ đồng. Sau vụ tranh chấp, hai công ty không còn tranh giành nhau mà chuyển sang bắt tay nhau cùng khai thác đá phía Đông núi Hòn Chà. Hiện Công ty TNHH Tấn Phước lấy đất, đá chở ra ngoài không đi đường trong khuôn viên công ty mình mà lại đi đường vòng qua Công ty CP Sản xuất đá Granite Phú Minh Trọng.
Nếu không có sự tiếp sức của Công ty CP Sản xuất đá Granite Phú Minh Trọng thì Công ty TNHH Tấn Phước không thể đưa xe cơ giới vào khu vực công ty để vận chuyển đất, đá ra ngoài KCN Phú Tài. Trong khi, Công ty CP Sản xuất đá Granite Phú Minh Trọng bị UBND tỉnh Bình Định thông báo thu hồi diện tích mở rộng mặt bằng xưởng sản xuất đá và khu vực xưởng của công ty không có dấu hiệu hoạt động sản xuất. Cùng chung sức với hai doanh nghiệp trên còn có Doanh nghiệp tư nhân Đinh Toàn cùng tham gia khai thác, vận chuyển đất, đá ra ngoài. Bộ ba doanh nghiệp này hợp sức lại phá tan hoang khu vực phía Đông núi Hòn Chà trong thời gian dài mà chính quyền địa phương lẫn cơ quan chức năng không xử lý.
Trao đổi vấn đề này với PV, ông Vương Phiêu Linh - Giám đốc Công ty CP Đầu tư và Xây dựng Bình Định - quản lý KCN Phú Tài xác nhận có việc ba doanh nghiệp này đang khai thác đá phía Đông núi Hòn Chà tại diện tích phần mở rộng mặt bằng của Công ty TNHH Tấn Phước. Ông Linh cho biết thêm: Việc các doanh nghiệp khai thác đá vừa làm ảnh hưởng cảnh quan, mỹ quan núi Hòn Chà, vừa gây hư hỏng hạ tầng KCN do xe cơ giới vận chuyển đất, đá ra ngoài. Nguy cơ hậu quả việc khai thác đá, đất núi Hòn Chà sẽ gây sạt lở núi, mưa, lũ ngập lụt cho khu vực phường Trần Quang Diệu và Bùi Thị Xuân vì mưa lũ làm đất, đá tràn xuống làm bít các ống thoát nước KCN và khu dân cư.
Không chỉ có vậy, UBND Bình Định ngó lơ cho doanh nghiệp hoạt động tại khu vực phía Đông núi Hòn Chà gây sự bất bình đẳng giữa các doanh nghiệp, dẫn đến đơn thư khiếu nại và gây bức xúc của các doanh nghiệp lân cận bị ảnh hưởng trực tiếp và gián tiếp. Câu chuyện nạn khai thác đá núi Hòn Chà tại phường Trần Quang Diệu và phường Bùi Thị Xuân là câu chuyện dài chưa có hồi kết. Báo Điện tử Tài nguyên và Môi trường tiếp tục phản ánh đến bạn đọc.