Thừa Thiên Huế: Bảo vệ, phát triển rừng bền vững
Khoáng sản - Ngày đăng : 13:39, 22/10/2018
Phát triển rừng trồng gỗ lớn
Tỉnh Thừa Thiên Huế có diện tích tự nhiên 502.629,57 ha. Trong đó, diện tích rừng và đất lâm nghiệp 348.836,90 ha (283.003,00 ha đất có rừng và 70.830,80 ha rừng trồng); trong 283.003,00 ha đất có rừng thì có 212.172,20 ha rừng tự nhiên. Hiện tỷ lệ che phủ rừng toàn tỉnh đạt 56,3%.
Ông Trần Vũ Ngọc Hùng- Chi cục Kiểm lâm tỉnh Thừa Thiên Huế thông tin, mục tiêu phát triển rừng trồng gỗ lớn (RTGL) của tỉnh đến năm 2020 là 16 ngàn ha. Tỷ lệ rừng được cấp chứng chỉ FSC (Hội đồng quản lý rừng) và sử dụng giống lâm nghiệp thân thiện với môi trường đạt 9.000 ha. Phạm vi thực hiện RTGL tập trung trên địa bàn các huyện: Phong Điền, Phú Lộc, Nam Đông, A Lưới và TX. Hương Trà, TX. Hương Thủy với các đối tượng là các công ty kinh doanh lâm nghiệp Nhà nước, tư nhân, ban quản lý rừng phòng hộ, chủ trang trại, hộ gia đình.
“Để triển khai thực hiện có hiệu quả mục tiêu trồng rừng gỗ lớn, ngành nông nghiệp cần phối hợp với các sở, ban ngành liên quan tập trung ưu tiên, lồng ghép nhiệm vụ phục hồi và phát triển rừng nhằm bảo vệ môi trường vào các chương trình, dự án liên quan. Kế hoạch, lộ trình triển khai chứng chỉ FSC được xây dựng một cách cụ thể, bài bản. Việc thực hiện, nghiên cứu cơ chế, chính sách, xây dựng mô hình trình diễn về kinh doanh gỗ lớn… cần thường xuyên theo dõi, kiểm tra, đôn đốc”- ông Hùng cho hay.
Đến năm 2025, toàn tỉnh Thừa Thiên Huế phấn đấu khai thác, sử dụng hiệu quả đất dưới tán rừng với diện tích 3.268 ha và 15 cộng đồng dân cư hoạt động du lịch sinh thái. Nguồn giống đáp ứng nhu cầu rừng trồng trên địa bàn tỉnh mỗi năm 25 triệu cây, trên 90% được kiểm soát chất lượng, sinh khối rừng trồng tăng trưởng 20-25m3/ha/năm. Trên 90% các cơ sở sản xuất, kinh doanh giống lâm nghiệp đủ điều kiện đáp ứng nhu cầu sản xuất rừng trồng với 80% cây con được gieo ươm bằng phương pháp vô tính và 20% được gieo ươm từ hạt. Rừng sản xuất theo hướng thâm canh, sử dụng cây con bằng phương pháp nhân giống vô tính công nghệ cao và thân thiện môi trường.
Quản lý, bảo vệ tài nguyên rừng
Trong năm 2017, ngành Lâm nghiệp đã đưa vào khoán bảo vệ rừng trên 150.000 ha chủ yếu từ nguồn vốn chi trả dịch vụ môi trường rừng, vốn sự nghiệp và một số chương trình dự án như SPRCC, JICA2. Diện tích trồng rừng năm qua đạt 5.023,2 ha; trong đó rừng phòng hộ đặc dụng 367,6ha, trồng mời rừng sản xuất 202,9ha, trồng lại sau khai thác 4.452,7ha. Đến nay đã trồng được hơn 500.000 cây phân tán.
Hiện toàn tỉnh Thừa Thiên Huế đã có 24 xã thành lập Quỹ bảo vệ và phát triển rừng cấp xã và bước đầu đi vào hoạt động tốt, có xã đến nay thu hơn 150 triệu đồng, đây là phương thức xã hội hóa, tạo nguồn lực tài chính để tăng cường công tác Quản lý bảo vệ rừng (QLBVR) tại cơ sở. Ngoài ra còn thành lập nhiều lực lượng bảo vệ rừng chuyên trách của các Ban quản lý rừng phòng hộ và Công ty lâm nghiệp...
Công tác bảo tồn đa dạng sinh học nguồn tài nguyên rừng nguyên sinh có những bước phát triển rõ nét nhờ tranh thủ sự hỗ trợ của các tổ chức chính phủ, phi chính phủ trong nước và quốc tế. Các Khu bảo tồn Sao La, Phong Điền, Vườn Quốc gia Bạch Mã đã tổ chức quản lý hiệu quả tài nguyên đa dạng sinh học, lồng ghép các hoạt động cải thiện sinh kế địa phương vùng đệm có hiệu quả, thu hút ngày càng nhiều người tham gia vào công tác bảo tồn thiên nhiên.
Đặc biệt, nhờ vào công tác quản lý tài nguyên rừng hiệu quả, nên môi trường sống và sinh cảnh của các loài tự nhiên đã được phục hồi, đã có sự xuất hiện thường xuyên của các loài cu li nhỏ, voọc chà vá chân xám tại Khu bảo tồn thiên nhiên Phong Điền và Ban quản lý rừng phòng hộ Bắc Hải Vân.
Năm 2018, tỉnh Thừa Thiên Huế xác định mục tiêu là phát triển kinh tế lâm nghiệp bền vững, gắn với quy hoạch phát triển đô thị để tạo không gian xanh về môi trường, phát triển đô thị xanh; bảo tồn đa dạng sinh học của các khu rừng đặc dụng, nhằm lưu giữ các nguồn gen động, thực vật quý hiếm và phục vụ nghiên cứu khoa học, du lịch sinh thái; xã hội hóa nghề rừng, góp phần xóa đói giảm nghèo cho người dân sinh sống ở miền núi, vùng đệm; phấn đấu độ che phủ của rừng toàn tỉnh vào năm 2020 đạt 57%.
Năm nay, tỉnh Thừa Thiên Huế phấn đấu trồng mới 7.000ha rừng, khoán quản lý bảo vệ rừng với diện tích khoảng 30.000ha, khoanh nuôi xúc tiến tái sinh 1.000ha rừng. Tỉnh tiếp tục duy trì và mở rộng tham gia chứng chỉ rừng FSC với khoảng 5.971,7ha rừng.
Ông Hồ Sĩ Nguyên- Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết, để quản lý rừng bền vững, ngành Lâm nghiệp tỉnh sẽ tập trung xây dựng và hoàn thiện công tác giao đất, giao rừng cho tổ chức, tập thể, cộng đồng và hộ gia đình sử dụng cho mục đích lâm nghiệp lâu dài ổn định...
“Cùng với đó là huy động sự tham gia rộng rãi, tích cực của các thành phần kinh tế vào hoạt động sản xuất lâm nghiệp để phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo, nâng cao mức sống cho người dân miền núi, cộng đồng dân cư ở các khu vực gần rừng. Đồng thời, tăng cường mở rộng mối quan hệ hợp tác với các tổ chức quốc tế, kêu gọi đầu tư phát triển lâm nghiệp thông qua các chương trình bảo tồn đa dạng sinh học và hỗ trợ nâng cao năng lực quản lý cho ngành lâm nghiệp”- ông Nguyên nói.