Phú Yên: Nạn khai thác, mua bán trái phép đá fluorit

Khoáng sản - Ngày đăng : 19:48, 23/10/2018

(TN&MT) - Tùy vào từng loại đá fluorit được phân theo đá vụn, đá xấu, đá đẹp, tư thương mua qua tay người dân với nhiều loại giá khác nhau. Do nguồn lợi tài nguyên này mà nhiều người dân tìm đến núi Mái Nhà hay còn gọi là núi Địa Chất thôn Lãnh Vân, xã Xuân Lãnh, huyện Đồng Xuân, tỉnh Phú Yên khai thác đá (quặng) fluorit khiến cho nơi đây trở nên phức tạp, gây mất an ninh trật tự tại địa phương.
Khu vực núi Mái Nhà hay còn gọi là núi Địa Chất, thôn Lãnh Vân, xã Xuân Lãnh, huyện Đồng Xuân luôn là điểm nóng của nạn khai thác trái phép đá fluorit
Khu vực núi Mái Nhà hay còn gọi là núi Địa Chất, thôn Lãnh Vân, xã Xuân Lãnh, huyện Đồng Xuân luôn là điểm nóng của nạn khai thác trái phép đá fluorit

Do buông lỏng trong công tác quản lý của chính quyền địa phương và Công ty CP Khoáng sản Phú Yên nên nhiều tháng trước đây khu vực núi Mái Nhà hay còn gọi là núi Địa Chất, thôn Lãnh Vân, xã Xuân Lãnh, huyện Đồng Xuân luôn là điểm nóng của nạn khai thác trái phép đá fluorit. Khu vực này là mỏ đá của Công ty CP Khoáng sản Phú Yên quản lý.

Người dân bất chấp nguy hiểm khai thác, đào đá fluoritkhông dụng cụ, trang thiết bị bảo hộ lao động, ra sức đào bới, đục đẽo tìm đáđã có nhiều trường hợp bị thương phải nhập viện. Sau những vụ tai nạn xảy ra, Công ty CP Khoáng sản Phú Yên và chính quyền địa phương tăng cường công tác quản lý, vận động, khuyến cáo người dân không được khai thác đá fluorit. Bao đá fluorit khai thác trái phép được mang đi cất giấu, sau đó dùng xe độ chế chở về nhà và bán cho các đầu nậu, tư thương. Đá fluorit vận chuyển đi ngoài tỉnh, càng xa thì giá thành càng cao.

Mùa mưa nước suối dâng cao đã phần nào hạn chế lượng người qua khu vực núi Địa Chất, thôn Lãnh Vân, xã Xuân Lãnh để khai thác trái phép đá fluorit
Mùa mưa nước suối dâng cao đã phần nào hạn chế lượng người qua khu vực núi Địa Chất, thôn Lãnh Vân, xã Xuân Lãnh để khai thác trái phép đá fluorit

Một người dân ở thôn Lãnh Vân, xã Xuân Lãnh cho biết: 01kg đá fluorit giá thấp nhất 1.700 -1.800 đồng, 3.000-4.000 đồng, cao nhất 10 triệu đồng cho hòn đá nặng khoảng 100kg. So với đá đen ở Sông Hinh thì đá fluorit có giá thành thấp hơn. Đá có nhiều màu sắc, hình khối khác nhau, xù xì không bóng mượt như đá đen. Loại đá này dùng để tạc lục bình, gốm, tượng phật, trang trí nhà cửa. Người dân bán hết những loại đá xấu xù xì, đá đẹp đủ màu sắc thì họ giữ lại để chơi hoặc bán với giá rất cao. Đá fluorit loại vụn, xấu được xay nghiền nát tạo thành bột đóng bao bì.

Để ngăn chặn nạn khai thác đá fluorit  trái phép, UBND xã Xuân Lãnh thành lập 03 tổ công tác tuyên truyền, vận động nhân dân không tàng trữ và tham gia khai thác tài nguyên, khoáng sản trên địa bàn xã. Công an huyện Đồng Xuân phối hợp cùng địa phương triển khai nhiều biện pháp quyết liệt, vận động, tuyên truyền cho hơn 750 lượt người dân biết việc khai thác, mua bán, vận chuyển khoáng sản đá fluorit là vi phạm pháp luật và yêu cầu mọi người dừng ngay hoạt động khai thác. Đồng thời nhắc nhở 64 trường hợp lén lút khai thác quặng fluorit trái phép, 18 đối tượng thu mua đá fluorit cam kết không thu mua khoáng sản trái phép. Hơn 310 tấn đá do người dân cất giữ tại nhà được Công ty CP Khoáng sản Phú Yên mua lại.

Đá fluorit đẹp có nhiều màu sắc với giá bán 3000-4000 đồng/kg
Đá fluorit đẹp có nhiều màu sắc với giá bán 3000-4000 đồng/kg

Chủ tịch UBND huyện Đồng Xuân Đặng Ngọc Anh cho biết thêm: UBND huyện chỉ đạo lực lượng công an, địa phương tăng cường công tác vận động, quản lý, giám sát, ngăn chặn tình trạng khai thác đá fluorit trái phép và yêu cầu Công ty CP Khoáng sản Phú Yên phải có trách nhiệm trong việc quản lý, bảo vệ mỏ đá, cắm mốc, xây dựng hàng rào bảo vệ, phong tỏa các lối đi vào khu vực mỏ, thành lập tổ bảo vệ chuyên trách, hỗ trợ tiền công thu gom quặng để nhân dân tự giác giao nộp hết số quặng fluorit còn tàng trữ.

Đây chỉ là giải pháp tình thế để ngăn chặn phần nào nạn khai thác đá fluorit trái phép. Bởi hiện nay các đối tượng “đá tặc” vẫn tiếp tục lén lút khai thác đào lấy đá fluoritlúc vắng người qua lại chỉ vì mưu sinh và nhu cầu mua bán đá fluorit giữa tư thương và người dân.