Thừa Thiên Huế: Rừng phòng hộ Phú Lộc “chảy máu” nghiêm trọng

Khoáng sản - Ngày đăng : 17:51, 04/10/2018

(TN&MT) - Những cây gỗ quý lâu năm tại rừng phòng hộ Phú Lộc (huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế) đã bị “lâm tặc” chặt phá nặng nề... dưới sự bất lực của cơ quan chức năng.
Những khúc gỗ bị “lâm tặc” bỏ sót lại trong rừng phòng hộ Phú Lộc
Những khúc gỗ bị “lâm tặc” bỏ sót lại trong rừng phòng hộ Phú Lộc

Rừng phòng hộ “chảy máu”

Thời gian qua, rừng phòng hộ Phú Lộc (huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế) đã bị “chảy máu” do tình trạng khai thác gỗ diễn ra một cách trái phép.

Theo đó, tại khe Đá Mài thuộc Tiểu khu 215 (xã Lộc Hòa, huyện Phú Lộc), PV ghi nhận nhiều cây gỗ lớn trong đó có gỗ quý như lim, dẻ đỏ, dẻ trắng, lêu hêu, sến tía, trường, dâu... có đường kính khoảng 0,5- 0,8m; 0,5- 1m bị cưa trơ gốc. Trong đó, nhiều cây đã được xẻ thành phẩm, một số đã được vận chuyển ra khỏi bìa rừng tiêu thụ.

Để tồn tại lâu dài, “lâm tặc” đã dựng nên các lán trại làm “đại bản doanh”. Gỗ được xẻ ngay tại chỗ trên tuyến đường mòn băng qua các quả đồi...

Cách đó chừng 100m, vùng rừng tại ngọn đồi đối diện cùng chung cảnh ngộ. Tại ngọn đồi này, những gốc cây rừng đường kính tầm 50-60 cm mới bị chặt hạ. Sau khi đốn hạ những cây gỗ rừng, “lâm tặc” còn dùng cưa xăng để cưa những khúc gỗ vuông vức, có cạnh tầm 30-40cm rồi vận chuyển ra ngoài.

Kẻ gian đốn hạ những gốc gỗ quý không thương tiếc
Kẻ gian đốn hạ những gốc gỗ quý không thương tiếc

Theo người dân địa phương, không chỉ có tiểu khu 215 bị chặt phá mà còn có cả tiểu khu 217, 218 hiện nay cũng đang bị “chảy máu” nghiêm trọng khiến ai ai cũng bức xúc.

Đơn vị quản lý nói gì?

Được biết, rừng phòng hộ Phú Lộc được UBND tỉnh Thừa Thiên Huế giao cho Công ty TNHH Nhà nước MTV Lâm Nghiệp Nam Hòa (Công ty Lâm nghiệp Nam Hòa) quản lý 1.679.77 ha rừng phòng hộ và rừng sản xuất từ cuối năm 2016 đến nay.

Liên quan đến vụ việc này, ông Phan Văn Nam- Giám đốc Công ty Lâm nghiệp Nam Hòa xác nhận rừng ở tiểu khu 215 bị chặt hạ là có thật.

Theo ông Nam, tiểu khu 215 trước đây là tiểu khu trồng rừng của Chương trình 327 và Dự án 661 của Nhà nước do Công ty TNHH Nhà nước MTV Lâm nghiệp Phú Lộc quản lý. Cuối năm 2016, khi Công ty Lâm nghiệp Phú Lộc giải thể, tỉnh bàn giao cho Công ty Lâm nghiệp Nam Hòa quản lý bảo vệ. Tuy nhiên, nhiều người dân vào lấn chiếm đất rừng và chặt hạ gỗ rừng tự nhiên tại khu vực này.

Sự việc khiến nhiều người dân địa phương đang bức xúc...
Sự việc khiến nhiều người dân địa phương đang bức xúc...

“Việc lâm tặc có chặt phá rừng để lấy gỗ là có nhưng rất ít, chúng tôi thường xuyên cho người kiểm tra rừng hàng ngày, hàng tuần. Do người dân lén lút phá rừng vào ban đêm nên chúng tôi không nắm được, khi phát hiện ra thì rừng đã bị phá. Chúng tôi có nhận được đơn thư tố cáo của người dân cách đây 1 tháng về việc hàng chục cây gỗ quý bị lâm tặc đốn hạ tiểu khu 215; 217; 218 do công ty quản lý, đã cho anh em về lập biên bản, khi có kết luận cuối cùng chúng tôi mới xử lý. Để xảy ra sự việc trên chúng tôi cũng có phần trách nhiệm…”- ông Nam cho hay.

Trong khi đó, trao đổi với PV, ông Nguyễn Đại Tuấn Anh- Chi cục trưởng Chi cục kiểm lâm tỉnh Thừa Thiên Huế thừa nhận có tình trạng phá rừng tại rừng phòng hộ Phú Lộc và đã có báo cáo gửi UBND tỉnh.

“Do sự quản lý lỏng lẻo của Công ty Lâm Nghiệp Nam Hòa nên đã dẫn đến tình trạng trên. Mặt khác, do hội đồng giải thể Công ty Lâm Nghiệp Phú Lộc vẫn chưa bàn giao toàn bộ số diện tích 313,78 ha cho Công ty Lâm Nghiệp Nam Hòa nên gây trở ngại trong việc quản lý bảo vệ, cũng như xử lý các vụ vi phạm. Về mặt quản lý nhà nước, Công ty Lâm Nghiệp Nam Hòa phải có trách nhiệm khi để xảy ra tình trạng phá rừng...”- ông Tuấn thông tin.

Trước đó, tình trạng phá rừng ở Thừa Thiên Huế cũng hết sức phức tạp khi trong tháng 9 vừa rồi, rừng phòng hộ A Lưới (huyện A Lưới) đã bị “chảy máu” nghiêm trọng tại các tiểu khu 297 và 311. Sau đó, Ban quản lý rừng phòng hộ A Lưới đã phối hợp với Hạt Kiểm lâm A Lưới kiểm tra hiện trường, xử phạt những cá nhân có liên quan…

Báo Điện tử Tài nguyên & Môi trường sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc.