Bình Dương: Kiểm tra, giám sát thường xuyên, chặt chẽ hoạt động khai thác cát

Khoáng sản - Ngày đăng : 13:41, 19/09/2018

(TN&MT) - Được sự quan tâm chỉ đạo của UBND tỉnh Bình Dương, Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) tỉnh Bình Dương đã và đang khẩn trương, tích cực phối hợp với các cơ quan có liên quan tăng cường công tác kiểm tra, chấn chỉnh hoạt động khai thác cát nói riêng và hoạt động khoáng sản nói chung, từ đó góp phần nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước về khoáng sản trên địa bàn tỉnh Bình Dương.
catbd1
Hoạt động khai thác cát trên địa bàn tỉnh Bình Dương được đảm bảo thực hiện theo đúng quy định pháp luật hiện hành

Khai thác quy mô

Hồ chứa nước Dầu Tiếng là hệ thống thủy nông có quy mô lớn, công trình được xây dựng từ năm 1981 và đưa vào vận hành, khai thác từ năm 1985, vị trí hồ nằm ở thượng nguồn sông Sài Gòn, diện tích lưu vực 27.000 ha  thuộc phạm vi 03 tỉnh Tây Ninh (20.107 ha), Bình Dương (5.927 ha) và Bình Phước (965 ha). Hồ Dầu Tiếng có dung tích chứa là 1,58 tỷ m3 nước, được thiết kế để phục vụ đa mục tiêu như: cung cấp nước phục vụ nhu cầu sinh hoạt, công nghiệp và sản xuất nông nghiệp cho các tỉnh Tây Ninh, Long An, Bình Dương, Bình Phước và TP.HCM.

Theo kết quả điều tra cơ bản, cho thấy trữ lượng cát trong hồ Dầu Tiếng khá lớn (khoảng 32 triệu m3). Trong đó, phân bố chủ yếu trên các nhánh suối, rạch đổ ra sông Sài Gòn thuộc địa phận tỉnh Tây Ninh (khoảng 28 triệu m3), Bình Dương (gần 03 triệu m3) và Bình Phước (trên 01 triệu m3). Cát trong hồ Dầu Tiếng được bồi tụ thường xuyên, chủ yếu vào mùa mưa nên lòng hồ bị bồi lấp nhiều. Hoạt động khai thác cát trong hồ Dầu Tiếng chủ yếu phục vụ cho xây dựng, phát triển hạ tầng trong khu vực, ngoài ra còn có tác dụng nạo vét lòng hồ để đảm bảo dung tích hồ chứa.

Trước đây, ngoài việc phục vụ cho du lịch sinh thái, năng lượng tái tạo, khai thác khoáng sản… của các địa phương trong khu vực hồ Dầu Tiếng, hoạt động khai thác cát chủ yếu do một số hộ dân sống ven hồ Dầu Tiếng thực hiện, khai thác bằng phương pháp thủ công nên không ảnh hưởng nhiều đến chất lượng nước trong hồ. Tuy nhiên, trong thời gian gần đây, do nhu cầu cát xây dựng trong khu vực tăng cao, nhiều doanh nghiệp đã xin phép khai thác cát trong lòng hồ Dầu Tiếng và khai thác với quy mô lớn nên phần nào ảnh hưởng đến chất lượng nước trong hồ.

Bên cạnh đó, việc đăng ký kinh doanh cát cùng với việc cấp giấy phép hoạt động bến thuỷ nội địa trong khu vực hồ Dầu Tiếng quá nhiều và không xem xét đến hạ tầng giao thông đường bộ dẫn đến gây áp lực lớn cho đường bộ, ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân trong khu vực; đồng thời, hoạt động của các bến bãi đa phần trong phạm vi bảo vệ công trình thuỷ lợi nên ảnh hưởng đến hoạt động chứa nước của hồ Dầu Tiếng; phương tiện tàu, thuyền trong hồ quá nhiều, việc di chuyển, hút cát của các phương tiện này cũng làm ảnh hưởng đến chất lượng nguồn nước trong hồ.

Kịp thời chấn chỉnh

Trên cơ sở hệ thống văn bản quy phạm pháp luật của Trung ương, UBND tỉnh Bình Dương đã ban hành nhiều văn bản quản lý Nhà nước thuộc thẩm quyền để cụ thể hoá tại địa phương cho phù hợp tình hình thực tế; phối hợp cùng với các tỉnh, thành phố trong khu vực giáp ranh ký kết quy chế phối hợp, nhằm tăng cường công tác quản lý Nhà nước, bảo vệ tài nguyên khoáng sản. Nội dung của các văn bản chỉ đạo, điều hành tập trung chủ yếu vào việc chấn chỉnh, tăng cường công tác quản lý Nhà nước về khoáng sản, chấp hành pháp luật về khoáng sản.

Riêng đối với hoạt động khai thác cát trong hồ Dầu Tiếng, UBND tỉnh Bình Dương cũng đã tập trung chỉ đạo chấn chỉnh việc khai thác, kinh doanh, vận chuyển khoáng sản cát trên địa bàn tỉnh. Ngoài ra, công tác tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn chuyên môn, nghiệp vụ luôn đã được các ngành chức năng tỉnh Bình Dương chú trọng nhằm nâng cao năng lực, trách nhiệm của cán bộ quản lý và nhận thức của người dân. Công tác quy hoạch khoáng sản cũng được thực hiện kịp thời theo đúng quy định của Luật Khoáng sản, qua đó giúp cho việc quản lý hoạt động khoáng sản được chặt chẽ, khoa học và đảm bảo bền vững.

Theo quy hoạch khoáng sản của tỉnh Bình Dương giai đoạn 2016 - 2020, tầm nhìn đến 2030 thì trong lòng Hồ Dầu Tiếng, Bình Dương có 07 điểm mỏ khai thác cát xây dựng với tổng diện tích 311,9 ha, trữ lượng khai thác gần 03 triệu m3. Từ năm 2009 đến năm 2012, UBND tỉnh Bình Dương đã cấp phép cho 02 đơn vị với diện tích 111.9 ha, trữ lượng 1,45 triệu m3, công suất khai thác 248.000m3/năm. Năm 2105, 01 đơn vị ngừng hoạt động do giấy phép hết hạn. Hiện tại, còn 01 đơn vị đang khai thác trên diện tích 82ha, trữ lượng còn lại 383.122m3, công suất 98.000m3/năm, thời gian khai thác đến tháng 02/2020.

Cat BD2
Các ngành chức năng tỉnh Bình Dương thường xuyên kiểm tra việc khai thác, phương tiện khai thác, bến bãi tập kết kinh doanh cát trên địa bàn tỉnh

Kiểm tra toàn diện

Từ năm 2014 đến nay, UBND tỉnh Bình Dương đã chỉ đạo Thanh tra tỉnh, Sở TN&MT phối hợp các đơn vị liên quan thực hiện kiểm tra định kỳ hoặc đột xuất việc tuân thủ quy định pháp luật về khoáng sản, đất đai, môi trường 05 đợt với 132 lượt kiểm tra. Qua kiểm tra, ghi nhận các đơn vị được cấp phép khai thác khoáng sản thực hiện đầy đủ hồ sơ pháp lý về khoáng sản, đất đai, môi trường,… theo quy định. Đồng thời, phát hiện 93 trường hợp vi phạm, đã xử lý 45 trường hợp với số tiền phạt là 3,8 tỷ đồng, tịch thu 43,45m3 cát, hiện đang xác minh làm rõ 48 trường hợp.

Ngoài ra, Công an tỉnh và UBND huyện Dầu Tiếng cũng thường xuyên tuần tra, kiểm tra, xử lý việc khai thác cát không phép, phương tiện khai thác, bến bãi tập kết kinh doanh cát trên địa bàn tỉnh.  Từ ngày 12/7 - 17/7/2018, UBND tỉnh Bình Dương đã thành lập Đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra toàn diện hoạt động khai thác, kinh doanh cát trên địa bàn tỉnh. Qua kết quả kiểm tra 21 bến bãi tập kết, kinh doanh cát, cho thấy các bến bãi này cơ bản thực hiện đúng các quy định của pháp luật về khoáng sản, đất đai, môi trường, hoạt động bến thuỷ nội địa và kê khai các loại thuế, phí…

Lãnh đạo Sở TN&MT Bình Dương nhận định: Trong thời gian qua. được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành kịp thời của Tỉnh ủy, HĐND và UBND tỉnh Bình Dương nên hoạt động khai thác khoáng sản nói chung và khai thác cát nói riêng trên địa bàn tỉnh Bình Dương đã dần đi vào nền nếp; hoạt động khai thác khoáng sản trái phép từng bước bị đẩy lùi; nhận thức của người dân và cán bộ quản lý các cấp về bảo vệ khoáng sản nói chung và bảo vệ khoáng sản chưa khai thác nói riêng ngày càng nâng cao; nguồn cung về cát xây dựng đã phần nào đáp ứng nhu cầu, giá thành cát xây dựng đã giảm đáng kể so với trước đây.

Song song đó, công tác thanh, kiểm tra việc tuân theo pháp luật của các doanh nghiệp sau cấp phép, cũng như những điểm khai thác không phép ngày càng được tăng cường và có sự phối hợp giữa các Sở, ngành, địa phương trong tỉnh Bình Dương. Qua thanh, kiểm tra đã kịp thời phát huy những mặt tích cực, nghiêm túc rút kinh nghiệm và khắc phục những tồn tại trong công tác quản lý để chấn chỉnh và quản lý tốt hơn; đồng thời đã phát hiện và xử lý nghiêm các sai phạm trong hoạt động khoáng sản của các tổ chức, cá nhân, đã góp phần quan trọng đưa hoạt động khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh đi dần vào nề nếp hơn.

Giải pháp lâu dài

Lãnh đạo Sở TN&MT Bình Dương cho biết: Nhằm đưa hoạt động khai thác, kinh doanh, vận chuyển cát trong hồ Dầu Tiếng đi vào nền nếp hơn, đảm bảo an toàn cho hồ chứa, an ninh nguồn nước phục vụ cho các địa phương, Sở TN&MT sẽ tiếp tục phối hợp với các cơ quan có liên quan triển khai thực hiện tốt một số nhiệm vụ giải pháp trọng tâm như: Tiếp tục triển khai thực hiện các Văn bản chỉ đạo của Chính phủ tại Thông báo số 357/TB-VPCP ngày 06/11/2015 và Thông báo số 161/TB-VPCP ngày 24/3/2017 của Chính phủ về tăng cường quản lý cát sỏi.

Đồng thời, tiếp tục thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh Bình Dương tại Văn bản số 1397/UBND-KTN ngày 16/7/2018; Biên bản họp số 12/BB-UBND ngày 20/6/2018 giữa UBND tỉnh Bình Dương và UBND tỉnh Tây Ninh về công tác quản lý hoạt động khai thác, kinh doanh vận chuyển và tập kết cát trong khu vực hồ Dầu Tiếng; Kế hoạch số 2786/KH-STNMT ngày 27/6/2018 của Sở TN&MTvề việc kiểm tra, giám sát hoạt động khai thác, kinh doanh cát trong hồ Dầu Tiếng. Theo đó, trước mắt cần thực hiện ngay một số nội dung cụ thể như sau:

Xem xét điều chỉnh nội dung các loại giấy phép cho phù hợp với quy định pháp luật và tình hình thực tế; rà soát lại công suất các tàu thuyền đã đăng ký khai thác, điều chỉnh số lượng tàu thuyền cho phù hợp với công suất khai thác theo thiết kế; hoàn chỉnh và tổ chức ký kết Quy chế phối hợp giữa 02 tỉnh Bình Dương và Tây Ninh. Về lâu dài cần tăng cường công tác quản lý Nhà nước, nhất là nâng cao trách nhiệm của các Sở, ngành và địa phương trong việc tham mưu cấp giấy phép các loại; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát các hoạt động khai thác, kinh doanh, vận chuyển cát trên địa bàn, xử lý nghiêm các sai phạm.

Riêng đối với các tổ chức, cá nhân được các tỉnh giáp ranh cấp giấy phép khai thác cát trong phạm vi khu vực hồ Dầu Tiếng như: tàu, thuyền đã được đăng ký, cũng phải được gắn logo, số hiệu, lắp đặt thiết bị định vị tọa độ khai thác; trên tàu, thuyền phải có đầy đủ các loại giấy tờ cho phép hoạt động trong mỏ, được đóng thành tập và có dấu xác nhận của Sở TN&MT về thành phần hồ sơ để thuận tiện cho các cơ quan chức năng khi kiểm tra trên hồ; lắp đặt trạm cân, lắp đặt camera giám sát tại các kho chứa để lưu trữ thông tin, số liệu liên quan theo quy định hiện hành...