Xử lý nghiêm việc khai thác đá trái phép ở khu vực hang động núi lửa Krông Nô

Khoáng sản - Ngày đăng : 10:57, 28/08/2018

(TN&MT) - Theo UBND huyện Krông Nô (Đắk Nông), tại Tiểu khu 1260 (giáp ranh giữa 3 xã Buôn Choáh, Đắk D’rô và Nam Đà), thuộc khu vực hang động núi lửa Krông Nô, đã xuất hiện tình trạng khai thác đá trái phép. Do vậy, UBND huyện Krông Nô đã chỉ đạo Phòng TN&MT, UBND các xã tăng cường công tác kiểm tra và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

Tăng cường đấu tranh, ngăn chặn

Hệ thống hang động núi lửa Krông Nô với tổng diện tích khoảng 2.000km2 trải dài từ huyện Krông Nô kéo sang một số xã lân cận của các huyện Cư Giút, Đắk Mil, Đắk Song, Đắk G'long và thị xã Gia Nghĩa (tỉnh Đắk Nông) có giá trị to lớn về mặt di sản địa chất, văn hóa...

lua1
Một số khu vực trong hang động núi lửa có dấu hiệu bị xâm hại

Hiện, quần thể hang động núi lửa này đang trong thời kỳ tiến hành các hoạt động nghiên cứu khoa học và cần phải được bảo vệ nghiêm ngặt. Tuy nhiên, việc một số đối tượng tự ý khai thác đá xây dựng xung quanh khu vực núi lửa sẽ ảnh hưởng đến hiện trạng nguyên sơ của hàng động, đồng thời gây ảnh hưởng xấu đến các tiêu chí đánh giá về bảo tồn địa chất của UNESCO.

Hiện tại, UBND huyện Krông Nô đã yêu cầu Công an huyện chủ trì phối hợp với các đơn vị có liên quan tăng cường đấu tranh và ngăn chặn các hành vi thăm dò, khai thác khoáng sản trái phép trong khu vực hang động núi lửa. Bên cạnh đó, cần chủ động phối hợp với các phòng, ban chuyên môn của huyện trong tổ chức truy quét, giải tỏa và ngăn chặn các hành vi trái phép.

Riêng đối với Phòng TN&MT, UBND huyện Krông Nô yêu cầu phải chủ động hướng dẫn, phối hợp với các đơn vị quản lý, bảo vệ khu vực hang động núi lửa; thường xuyên theo dõi, đôn đốc, tổng hợp và kịp thời báo cáo, đề xuất UBND huyện các biện pháp giải quyết vướng mắc trong quá trình triển khai.

lua2
Một phần của hang động núi lửa Krông Nô

 

Đẩy mạnh tuyên truyền, vận động

Bên cạnh việc tăng cường đấu tranh, xử lý người vi phạm, UBND huyện Krông Nô cũng yêu cầu các xã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân sống gần khu vực hang động núi lửa nắm bắt, nhận thức được tầm quan trọng của hệ thống hang động này đối với quá trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Đắk Nông nói riêng và toàn vùng Tây Nguyên nói chung để họ cùng bảo vệ và không xâm hại.

Ngoài ra, tổ chức cắm các biển báo cấm khai thác khoáng sản, tài nguyên trái phép xung quanh khu vực hang động. Các xã cũng phải chủ động tổ chức lực lượng thường xuyên kiểm tra và phối hợp chặt chẽ với đơn vị của huyện để kịp thời phát hiện, xử lý các trường hợp vi phạm theo quy định. Trường hợp để xảy ra tình trạng khai thác đá trên địa bàn, làm ảnh hưởng tới di sản địa chất trên địa bàn xã nào thì Chủ tịch UBND xã đó phải kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm trước Chủ tịch UBND huyện.

Trao đổi thêm về vấn đề này, đại diện lãnh đạo UBND huyện Krông Nô cho biết: “Sau khi nhận được thông tin quần thể hang động có dấu hiệu bị xâm phạm, UBND huyện đã có văn bản chỉ đạo kiểm tra, xử lý. Tuy nhiên, các xã chưa thực hiện việc kiểm tra thường xuyên nên hoạt động khai thác đá trái phép vẫn diễn ra. Thời gian tới, UBND huyện Krông Nô quyết tâm đẩy mạnh công tác quản lý hoạt động khai thác đá để bảo vệ hệ thống hang động núi lửa này”.

Theo kết quả công bố của Tổng cục Địa chất và Khoáng sản  Việt Nam (Bộ Tài nguyên và Môi trường) và Hiệp hội hang động Nhật Bản, hệ thống hang động núi lửa tại huyện Krông Nô (Đắk Nông) có chiều dài khoảng 25km với hàng chục hang động lớn nhỏ khác nhau.

Bên trong các hang động núi lửa tại huyện Krông Nô có nhiều cấu tạo đặc trưng của quá trình phun trào núi lửa như các ngấn dung nham, dòng chảy dung nham, hố sụt cùng các di tích thực vật và quá trình đông cứng dung nham bazan xảy ra cách đây hàng triệu năm.

Hiện nay, tỉnh Đắk Nông đang nỗ lực xây dựng phát triển hệ thống hang động này thành Công viên địa chất núi lửa Krông Nô, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Hiện, Đắk Nông cũng đang tập trung xây dựng hồ sơ Công viên địa chất Krông Nô đề nghị UNESCO công nhận là Công viên địa chất toàn cầu.