Thừa Thiên Huế: Giám sát việc giao rừng sản xuất và xử lý lấn chiếm đất rừng

Khoáng sản - Ngày đăng : 09:17, 02/07/2018

(TN&MT) - HĐND tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, vừa tổ chức buổi họp thường kỳ tháng 6/2018 để nghe UBND tỉnh và các sở, ngành liên quan giải trình về việc thực hiện giao rừng cho nhân dân sản xuất và xử lý lấn chiếm đất rừng, đất lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh...
Kiểm lâm Thừa Thiên Huế kiểm tra rừng
Kiểm lâm Thừa Thiên Huế kiểm tra rừng

Sở NN&PTNT tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, tỉnh có trên 502 nghìn ha rừng tự nhiên, độ che phủ rừng là 56,3% (kết quả kiểm kê năm 2016) với trên 348 nghìn ha diện tích rừng và đất lâm nghiệp. Trong số 348 nghìn ha diện tích rừng và đất lâm nghiệp, thì diện tích trong quy hoạch lâm nghiệp trên 325 nghìn ha, diện tích ngoài quy hoạch trên 23 nghìn ha; trong đó, diện tích có rừng là trên 283 nghìn ha (rừng tự nhiên trên 210 nghìn ha, rừng trồng trên 55 nghìn ha)... Tổng diện tích rừng và đất lâm nghiệp phân theo chủ quản lý là trên 348 nghìn ha.

Trong số trên 31 nghìn ha rừng đã giao thì chỉ mới kết hợp cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (CNQSDĐ) cho trên 15 nghìn ha (đạt 49,67%), diện tích còn lại chưa cấp được do vướng mắc tại khoản 1, điều 19, Nghị định 43/2014/NĐ-CP...

Theo đánh giá của UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, hầu hết các diện tích rừng tự nhiên giao cho các cộng đồng và hộ dân là trạng thái rừng nghèo kiệt, trong khi đó chưa có chính sách hưởng lợi hợp lý và mô hình sản xuất dưới tán rừng được hỗ trợ để cải thiện thu nhập cho chủ rừng nên động lực giữ rừng của người dân còn thấp. Chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng đã có tác động đến hiệu quả quản lý bảo vệ rừng tại các địa phương (73% diện tích rừng đã giao cho cộng đồng, hộ gia đình được chi trả dịch vụ môi trường rừng).

Qua kết quả rà soát của các sở, ngành chức năng, tính đến tháng 9/2017 có gần 1.565,79/4.337,17 ha rừng (diện tích rà soát) bị xâm lấn; trong đó, có chủ hơn 1,2 nghìn ha, diện tích đã thu hồi trên 522 ha, số tiền phạt trên 361 triệu đồng.

Để nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng đất rừng đến năm 2020, ngoài việc chỉ đạo và tổ chức thực hiện nghiêm túc các chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước về công tác quản lý, bảo vệ rừng, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đề nghị HĐND tỉnh xem xét xây dựng Đề án sử dụng có hiệu quả đất dưới tán rừng nhằm tạo cơ hội nâng cao thu nhập cho các hộ gia đình, cộng đồng dân cư nhận quản lý rừng tự nhiên nghèo...

Tình trạng phá rừng tại Huế diễn biến khá phức tạp trong thời gian qua
Tình trạng phá rừng tại Huế diễn biến khá phức tạp trong thời gian qua

Ông Phan Ngọc Thọ- Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cho rằng, lâu nay UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ban, ngành liên quan làm tốt công tác quản lý đất đai, minh chứng cho điều này là tỉ lệ cấp giấy CNQSDĐ đạt tỷ lệ cao. Việc này không những giúp quản lý tốt, đi vào nề nếp mà còn giúp tránh thất thu thuế.

“Trong thời gian tới, UBND tỉnh sẽ chỉ đạo thanh tra toàn diện đất rừng để thu hồi, tạo quỹ đất, tiếp tục chỉ đạo rà soát đối tượng, trong đó chú trọng đến người nghèo, người dân tộc thiểu số để giao đất theo hướng miễn giảm thuế đất, thuê đất không đồng, làm sao cho người dân có nhu cầu sinh kế phải được giao đất để sản xuất, ổn định cuộc sống, tạo công bằng xã hội. Đồng thời, có đánh giá lại hiệu quả các giống lâm nghiệp để chuyển đổi đất sang những giống cây có giá trị kinh tế cao, có cơ chế phát triển lâm nghiệp bền vững...”- ông Thọ cho hay.

Ông Lê Trường Lưu- Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Thừa Thiên Huế cho rằng, bên cạnh những kết quả đạt được, thì tình trạng quản lý rừng và đất lâm nghiệp có lúc, có nơi còn buông lõng, công tác quản lý nhà nước chưa chặt chẽ, chưa được xử lý nghiêm; ý thức chấp hành các quy định của pháp luật về quản lý rừng và đất lâm nghiệp của một bộ phận người dân chưa cao, nhất là tình trạng cố ý vi phạm.

Ông Lê Trường Lưu đề nghị UBND tỉnh, Giám đốc các sở, ngành có liên quan và UBND các cấp tiếp tục tập trung chỉ đạo thực hiện chương trình hành động của Chính phủ, của Tỉnh ủy, UBND tỉnh về tăng cường thực hiện các biện pháp quản lý rừng và đất lâm nghiệp; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về bảo vệ và phát triển rừng, tiếp tục kiện toàn, củng cố tổ chức bộ máy quản lý nhà nước, làm rõ chức năng, nhiệm vụ của các ngành về lâm nghiệp, đặc biệt là trách nhiệm quản lý, bảo vệ rừng.

Cùng với đó, tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, ý thức trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, doanh nghiệp, cộng đồng dân cư, hộ gia đình và mọi người dân đối với công tác bảo vệ và phát triển rừng...

“Phải quyết dứt điểm tình trạng lấn chiếm rừng, đất rừng kéo dài tại các chủ rừng; điều tra làm rõ, xử lý nghiêm các đối tượng có hành vi phá rừng, lấn chiếm đất rừng, để mất rừng, mua bán sang nhượng đất rừng trái phép; phấn đấu hoàn thành việc giao đất, giao rừng, cấp giấy CNQSDĐ lâm nghiệp cho các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình và cộng đồng vào năm 2019. Rà soát lại diện tích rừng để tạo quỹ đất đề xuất cơ quan có thẩm quyền xem xét, bàn giao cho nhân dân trồng, chăm sóc, hưởng lợi, phải đảm bảo người dân nghèo có đất sinh kế, nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống...”- ông Lưu nhấn mạnh.