Viết tiếp bài: Thanh Hóa: “Nên xem xét đưa mỏ cát số 52 vào đấu giá theo đúng quy định của tỉnh”: Không đồng ý cấp phép mỏ cát vì gần khu dân cư, gần đê và sạt lở
Khoáng sản - Ngày đăng : 22:00, 07/05/2018
Sạt lở bờ sông Mã do khai thác cát
Trước đó, ngày 19/4/2018 Báo Tài nguyên & Môi trường điện tử đăng bài “Thanh Hóa: Nên xem xét đưa mỏ cát số 52 vào đấu giá theo đúng quy định của tỉnh” nội dung phản ánh: Phản ánh việc Công ty Phạm Đức Minh Anh đề nghị chấp thuận chủ trương cấp phép khai thác mỏ cát số 52 thuộc địa phận xã Yên Thái, huyện Yên Định và xã Vĩnh Khang, huyện Vĩnh Lộc để cung cấp cát xây dựng cho Cty CP Tập đoàn Miền Trung để thi công dự án đường vành đai Đông Tây thành phố Thanh Hóa là không đúng với quy định của Luật Khoáng sản năm 2010, quy định của Bộ Tài nguyên & Môi trường và Chỉ thị số 18 của Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa về việc cấm sử dụng cát nước ngọt vào san lấp mặt bằng, đường giao thông mà chỉ sử dụng vào mục đích cho sản xuất bê tông, xây tô, trát.
Người dân có đất canh tác dọc bờ sông Mã cho biết: Nhiều diện tích đất nông nghiệp được người dân trồng ngô, khoai, ớt…bị sạt lở ngày một nghiêm trọng, nguyên nhân là do khai thác cát và mưa lũ gây ra, sạt lở ăn sâu vào hàng trăm mét cuốn theo hoa mầu của người dân xuống sông. Ở khu vực thôn Phù Hưng 2 sạt lở vào gần đến nhà dân, nếu bây giờ mà nhà nước cấp phép khai thác cát tại đây thì người dân lo lắng có nguy cơ sẽ bị hà bá nuốt chửng cả nhà cửa bất kỳ lúc nào. Việc sạt lở còn đe dọa đến công trình đê điều, làm ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân.
Theo quan sát của PV, đi dọc hai bờ sông Mã nhiều đoạn bị sạt lở đứng thành thuộc địa phận xã Yên Thái và xã Vĩnh Khang. Khu vực đất bãi bồi ven sông ở thôn Phù Hưng 2, Phù Hưng 3 xã Yên Thái bị sạt lở ăn sâu vào hàng chục mét, có những điểm sạt lở cao từ 3 đến 4m. Vì thế mà nhiều diện tích đất sản xuất của người dân đang dần bị thu hẹp, hoa mầu thì bị dòng sông cuốn trôi.
Theo công văn số 1041/SNN&PTNT-TL ngày 17/4/2018 của Sở Nông nghiệp và PTNT gửi Sở Xây dựng về Quy hoạch khảo sát, thăm dò, khai thác cát sỏi làm VLXD tỉnh Thanh Hóa đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030 đánh giá tác động của việc khai thác, tập kết cát sỏi làm ảnh hưởng đến công trình đê điều, sạt lở bờ, hạ thấp mực nước lòng sông. Hiện nay, trên tuyến sông Mã, lòng sông có xu thế hạ thấp dần, mức độ hạ thấp phổ biến đạt trên 1m, có một số đoạn lòng sông bị hạ thấp tới trên 3m. Mức độ xói lở lớn nhất xảy ra ở đoạn 500m đầu tiên ngay sát cửa sông Mã. Theo dự báo trong những năm tới, do lòng dẫn bị xói hạ thấp, trên tuyến sông Mã có 14 vị trí công trình đê kè có nguy cơ sạt trượt, mất ổn định, 13 vị trí đoạn bờ có nguy cơ sạt lở mới, 17 công trình lấy nước có nguy cơ bị ảnh hưởng. Như vậy, các hoạt động khai thác cát, sỏi trên hệ thống sông Mã sẽ càng làm gia tăng các tác động tiêu cực đến việc xói lở, hạ thấp lòng sông, sạt lở bờ sông, mất ổn định công trình đê điều, thủy lợi. Vì vậy, Sở Nông nghiệp và PTNN đề nghị Sở Xây dựng báo cáo UBND tỉnh không bổ sung vào quy hoạch và cấp phép khai thác các mỏ cát mới ở lòng sông Chu, sông Mã.
Không đồng ý cấp phép mỏ cát số 52 vì gần khu dân cư, gần đê và sạt lở
Ngày 2/5/2018 Sở TN&MT phối hợp với các Sở, ban ngành, địa phương đi kiểm tra thực địa khu vực xin cấp phép khai thác mỏ cát số 52 ở xã Yên Thái và xã Vĩnh Khang của Cty Phạm Đức Minh Anh. Kết quả kiểm tra cho thấy khu vực mỏ có diện tích 6,0ha, nguồn gốc là đất bãi bồi lòng sông do UBND xã quản lý. Về phía Yên Thái điểm gần nhất cách mép bờ sông khoảng 20m, cách khu dân cư khoảng 180m, cách đê Yên Thái khoảng 200m. Về phía Vĩnh Khang, điểm gần nhất cách mép bờ sông khoảng 50m. Căn cứ kết quả kiểm tra thực địa và hồ sơ liên quan, UBND các xã sẽ có ý kiến bằng văn bản gửi sở TN&MT.
Tiếp đó, ngày 4/5/2018 UBND xã yên Thái có công văn số 11/UBND gửi Sở TN&MT về việc không đồng ý cấp phép khai thác cát tại mỏ cát số 52 xã Yên Thái. Mỏ cát số 52 cách khu dân cư khoảng 120m, cách đê và QL45 khoảng 160m về phía bờ nam. Tại vị trí này hàng năm thường xuyên bị sạt lở do dòng chảy, nhất là về mùa mưa nước sông Mã lên cao làm ảnh hưởng đến công tác sản xuất của nhân dân. Xã Yên Thái có 02 thôn nằm trong vùng ngoại đê với số hộ 423 hộ, dân số 1.675 người, diện tích đất nông nghiệp vùng ven sông 78ha, hàng năm bị sạt lở xuống sông Mã khoảng 0,85ha. Qua nhiều lần tham vấn ý kiến của các sở Đảng bộ và nhân dân xã Yên Thái đã có ý kiến và có văn bản đề nghị không nhất trí cấp phép khai thác mỏ cát số 52 do vị trí gần khu dân cư, gần đê và ở vị trí này hàng năm bị sạt lở nhiều. Vậy UBND xã Yên Thái đề nghị Sở TN&MT không cấp phép khai thác mỏ cát số 52.
Trao đổi với PV Báo TN&MT, ông Lê Văn Tài – Cán bộ địa chính xã Yên Thái cho biết: Nhân dân xã Yên Thái không đồng ý cấp phép mỏ cát số 52 cho Công ty Phạm Đức Minh Anh với lý do khu vực này hàng năm bị sạt lở nghiêm trọng, mỗi năm bị sạt lở vào diện tích đất nông nghiệp gần 1 héc – ta do khai thác cát trái phép và mưa lũ gây ra. Vị trí mỏ cát số 52 lại gần khu dân cư, gần đê, vị trí này mới được kè gần 300m bờ sông. Nếu bây giờ mà cấp phép khai thác mỏ cát số 52 thì sẽ làm sạt lở bờ kè, ảnh hưởng đến hàng trăm hộ dân sinh sống ở thôn Phù Hưng 2, chính vì vậy mà bà con nhân dân trong xã không đồng ý cấp phép khai thác cát tại đây.
Báo Tài nguyên & Môi trường tiếp tục thông tin vấn đề này