Quấy nhiễu môi trường rừng đặc dụng ở cụm đảo Hòn Khoai: Bài 1 - Tùy tiện xâm hại đảo Hòn Hàng

Khoáng sản - Ngày đăng : 00:02, 14/04/2018

(TN&MT) - Cụm đảo Hòn Khoai có vị trí chiến lược quan trọng về an ninh quốc phòng trên vùng biển Tây Nam, thuộc quy hoạch hệ thống rừng đặc dụng của quốc gia...

 

(TN&MT) - Cụm đảo Hòn Khoai có vị trí chiến lược quan trọng về an ninh quốc phòng trên vùng biển Tây Nam, thuộc quy hoạch hệ thống rừng đặc dụng của quốc gia nhưng từ nhiều năm qua tại đây đã và đang diễn ra những việc làm tùy tiện, khuất tất của một số doanh nghiệp, xâm phạm đến môi trường sinh thái biển…

Từ nguồn tin của ngư dân về việc một số doanh nghiệp đang có những hành động bao chiếm trái phép đảo Hòn Hàng thuộc cụm đảo Hòn Khoai, đầu tháng 4 chúng tôi đã ra biển Tây Nam thị sát thực tế, xác minh làm rõ sự việc.
 

A 1 Hòn Hàng
Tác giả tại mốc tọa độ trên đảo Hòn Hàng (còn gọi là Hòn Buông) ở 8053’ vĩ độ Bắc và 104034’ kinh độ Đông, đây là một trong những hòn đảo tiền tiêu trên biển Tây Nam của Tổ quốc thuộc quy hoạch hệ thống rừng đặc dụng của quốc gia.

MÔI TRƯỜNG RỪNG ĐẶC DỤNG Ở ĐẢO ĐÁ RẤT KHẮC NGHIỆT…

Thuộc huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau nhưng đến nay còn rất ít người biết đến đảo Hòn Hàng. Đó là hòn đảo còn có tên gọi khác là Hòn Buông, nằm ở 8053’ vĩ độ Bắc và 104034’ kinh độ Đông, cấu tạo địa chất gồm nhiều lớp đá silic chồng lên nhau.

Từ cửa biển sông Đốc, phải vượt qua 18 hải lý đường biển ra đảo Hòn Chuối rồi di chuyển thêm gần khoảng 9 hải lý nữa về phía Nam – Đông Nam mới đến được đảo Hòn Hàng. “Đảo Hòn Hàng gần đường hàng hải quốc tế, tàu buôn nước ngoài và ngư dân quanh có thể ghé lại tránh trú sóng, gió khi gặp thời tiết xấu” – Thượng tá Trần Quốc Thái, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Hòn Chuối, cho biết. Theo khảo sát của Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Cà Mau, thì phía Đông đảo Hòn Hàng có nhiều san hô, cầu gai (nhum biển) là những loại hải sản có giá trị kinh tế cao. Vùng biển quanh đảo Hòn Hàng có nguồn thủy sản phong phú, là ngư trường truyền thống của ngư dân các tỉnh Tây Nam bộ - đặc biệt là hơn 50 hộ ngư dân nghèo, cận nghèo ở đảo Hòn Chuối.
 

5


Trao đổi với chúng tôi, ông Lê Văn Phương - một ngư dân bám đảo Hòn Chuối hành nghề nuôi cá bớp và đánh bắt hải sản từ gần 40 năm qua, cho biết: “Bà con ngư dân ở đây bức xúc từ mấy tháng nay vì việc đánh bắt theo luồng cá di chuyển ra khu vực quanh đảo Hòn Hàng bị cản trở do một doanh nghiệp tư nhân thả bao nò Thái quanh đảo, đồng thời tùy tiện thả vật nuôi, trồng cây… trên đảo Hòn Hàng. Nghe họ nói rằng đã được Chủ tịch UBND huyện Trần Văn Thời cho thuê đất thời hạn 49 năm”.

Từ mép nước biển lên đảo Hòn Hàng phải leo vách núi đá dựng đứng cao khoảng 80m, rất khó mang vác hàng hóa, phương tiện theo. Cách đây 13 năm trước, có 2 DNTN khai thác thủy hải sản tại vùng biển này trúng lớn đã dựng miếu tưởng niệm những ngư dân tử nạn trong cơn bão Linda (năm 1997) tấp vô Hòn Hàng, nhưng chỉ có thể chuyển lên vài tấm tol nhỏ và ít hồ xi măng. Việc vận chuyển vật tư lên đỉnh Hòn Hàng để xây cột mốc tọa độ trước kia cũng rất khó khăn, vất vả.
 

A 2 Hòn Hàng
Cấu tạo địa chất đảo Hòn Hàng là những lớp đá silic chồng lên nhau, việc di chuyển lên xuống đảo rất khó khăn, nguy hiểm, môi trường rất khắc nghiệt.


Chân đảo rộng nhưng đỉnh Hòn Hàng thì nhỏ hẹp, ít đất. Ở đây ngoài những bầy kiến vàng sống bám vài cây bần biển còi cọc và mấy đám cỏ tranh chết khô, không thấy loài động vật khác sinh sống. Trong cơn khát dưới cái nắng hầm hập, dù nỗ lực chúng tôi vẫn không tìm được nước ngọt để uống.

Thượng úy Trần Bình Phục (Đồn Biên phòng Hòn Chuối), kể rằng mấy năm trước, để tìm kiếm cứu hộ ngư dân Thái Lan mất tích trên biển, anh cùng một đồng đội leo lên đảo Hòn Hàng, trong cơn khát vật vã, để sinh tồn các anh đã phải gạt phân chim đen đặc trong một hốc đá để cùng nhau dùng chung ít nước mưa còn sót lại thấm ướt lưỡi mới có thể tìm đường xuống đảo… Thế nhưng, tại nơi điều kiện thiên nhiên cực kỳ khắc nghiệt giữa biển khơi này chúng tôi đã tìm thấy dấu vết tác động của những bàn tay bí ẩn nào đó. Họ đã đem những cây dừa Xiêm (giống Cái Mơn - Bến Tre) trồng trong rừng đặc dụng trên đảo nhưng hầu hết đều đã chết khô và vài nhúm lông gà còn vương vãi trong khe đá…
 

A 3 Hòn Hàng
Phát hiện những cây dừa xiêm (giống Cái Mơn – Bến Tre) còn nhỏ đã chết khô trên đỉnh đảo Hòn Hàng do DNTN Bích Khải tùy tiện trồng trên đảo.


ĐÃ BỊ DOANH NGHIỆP TÙY TIỆN XÂM PHẠM

Mấy tháng gần đây, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Cà Mau cũng đã tiếp nhận phản ánh, phối hợp cơ quan chức năng tiến hành xác minh và phát hiện DNTN Bích Khải (thị trấn Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau) có thả dây, lưới, cột vỏ xe đạp/xe gắn máy để nhuyễn thể 2 mảnh vỏ bám vào nhằm khai thác hàu, sò điệp, vẹm xanh… quanh đảo Hòn Hàng; có trồng dừa, thả gà trên đảo. Cụ thể: phía Đông đảo Hòn Hàng họ thả dây, cột vỏ xe, xa xa cột phao để giữ đường dây, tổng chiều dài khoảng 250m, cách Hòn Hàng 5m. Phía Bắc đảo Hòn Hàng có thả dây bô đường kính 20 và lưới với tổng diện tích 15.000m2, cách Hòn Hàng 10m. DNTN Bích Khải cũng đã trồng 200 cây dừa Xiêm cao từ 0,3 – 0,4m, thả lang 20 con gà trên đảo Hòn Hàng.

Qua xác minh, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Cà Mau khẳng định việc DNTN Bích Khải thả dây, lưới, cột vỏ xe dưới biển quanh đảo làm cản trở đường đi của các loài thủy sản và việc trồng dừa trên đảo là đất công chưa xin phép là sai quy định. Ngày 17/1/2017, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Cà Mau – Đặng Hữu Lạc, ký văn bản báo cáo UBND tỉnh Cà Mau, trong đó, nêu rõ: “Hòn Hàng thuộc hệ thống rừng đặc dụng cấp tỉnh và hệ thống rừng đặc dụng cả nước đã được phê duyệt. Phía Đông đảo Hòn Hàng có nhiều san hô, cầu gai (nhum biển) là những loại hải sản có giá trị kinh tế, đề nghị tỉnh chỉ đạo Sở NN&PTNT có giải pháp bảo vệ”.
 

A 4 Hòn Sao
Cần chặn đứng hành vi quấy nhiễu môi trường rừng đặc dụng ở cụm đảo Hòn Khoai

Gần đây (7/2/2018), UBND tỉnh Cà Mau đã có văn bản chỉ đạo khẳng định việc trồng dừa và nuôi gà trên đảo Hòn Hàng, thuộc cụm đảo Hòn Khoai, đã được quy hoạch khu rừng di tích lịch sử, cảnh quan, thuộc Quy hoạch bảo tồn và phát triển rừng đặc dụng tỉnh Cà Mau đến năm 2020 (đã được Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau phê duyệt tại quyết định số 1156/QĐ-UBND ngày 14/8/2013) khi chưa được cấp thẩm quyền cho phép là không đúng với Điều 12, Luật Bảo vệ và phát triển rừng. Vì vậy, yêu cầu DNTN Bích Khải di dời cây dừa và gà nuôi đến nơi khác để trả lại hiện trạng ban đầu cho khu vực này. Giao Sở NN&PTNT chủ trì, phối hợp Sở Tài nguyên và Môi trường, Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh, các sở ngành, đơn vị, địa phương có liên quan có giải pháp phù hợp để bảo vệ các loài hải sản quý, hiếm tại khu vực đảo Hòn Hàng theo kiến nghị của Sở Tài nguyên và Môi trường.

Theo báo cáo của Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Cà Mau, việc tùy tiện xâm phạm môi trường biển và rừng đặc dụng tại Hòn Hàng DNTN Bích khải chỉ là đơn vị phối thực hiện Cty TNHH Hải Đăng là đơn vị chịu trách nhiệm xin chủ trương. Trao đổi với chúng tôi về sự việc này, ông Nguyễn Văn Quân, Phó Chánh Văn phòng UBND tỉnh Cà Mau, quả quyết: Không có việc Chủ tịch UBND huyện Trần Văn Thời ký văn bản cho DTNT Bích Khải thuê đảo Hòn Hàng. Nếu có thì chỉ là nói miệng. Thẩm quyền cho thuê không phải của Chủ tịch UBND huyện, cũng không phải của Chủ tịch UBND tỉnh. Vì đảo Hòn Hàng có vị trí quan trọng về an ninh quốc phòng, nằm trong hệ thống rừng đặc dụng của cụm đảo Hòn Khoai (bao gồm cả Hòn Chuối, Hòn Hàng, Hòn Khoai, Hòn Sao, Hòn Đồi Mồi,…).

Báo điện tử Tài nguyên và Môi trường sẽ tiếp tục thông tin vụ việc này.