Tủa Chùa – Điện Biên: Tái diễn tình trạng khai thác đá trái phép

Khoáng sản - Ngày đăng : 10:07, 02/04/2018

(TN&MT) – Mặc dù đã bị cơ quan chức năng huyện Tủa Chùa xử lý vi phạm và đình chỉ hoạt động khai thác đá trái phép, nhưng đến nay, bà Bùi Thị Tấm vẫn tiếp tục khai thác đá trái phép tại điểm mỏ bản Pằng Dề B, xã Xá Nhè, huyện Tủa Chùa. Việc khai thác đá trái phép tiếp tục tái diễn một mặt cho thấy sự coi thường pháp luật của bà Tấm, mặt khác cho thấy xự buông lỏng quản lý của chính quyền địa phương, gây thất thoát tài nguyên, bức xúc dư luận.
Hiện trạng bãi khai thác đá trái phép ngày 30/3/2017
Hiện trạng bãi khai thác đá trái phép ngày 30/3/2018

Trước thông tin phản ánh tình trạng khai thác đá trái phép của bà Bùi Thị Tấm, tại điểm mỏ bản Pằng Dề B, xã Xá Nhè, huyện Tủa Chùa, tiếp tục tái diễn, phóng viên Báo Tài nguyên và Môi trường đã tiến hành điều tra, xác minh để rộng đường dư luận.

Ghi nhận của chúng tôi vào ngày 30/3/2018, tại điểm mỏ khai thác đá trái phép đang ngổn ngang đất đá. Tại khu vực này vẫn còn 1 giàn nghiền đá ngang nhiên đặt ngay lề đường, bãi tập kết còn khối lượng đá hộc đã khai thác ước khoảng trên 1.000m3, khối lượng đá mạt đã chế biến khoảng trên 300m3. Khu vực phải tuyến km số 9, đường liên xã Mường Báng – Xã Nhè đang tiếp tục được cào bới đất, xuất hiện nhiều khối đá lộ thiên đã và đang được khai thác. Khoảng 6 công nhân đang tiến khoan đục các vách đá với sự giám sát của 1 người đàn ông trung tuổi.

Đưa thông tin phản ánh với UBND xã Xá Nhè, huyện Tủa Chùa, chúng tôi nhận được câu trả lời từ ông Lờ A Tráng, Chủ tịch UBND xã Xá Nhè, cho biết: Xã có nắm được tình trạng khai thác đá của bà Tấm tại điểm mỏ bản Pằng Dề B. Việc khai thác đã diễn ra cách đây khoảng hơn một tuần. Ông Tráng cho biết thêm: Việc khai thác đá đã được UBND tỉnh cấp phép khai thác cho Công ty TNHH Hoàng Ánh tỉnh Điện Biên( C.ty Hoàng Ánh), đơn vị đã cung cấp bản sao và các giấy tờ liên quan nên xã cũng không tiến hành kiểm tra việc khai thác.

Công nhân đang tiến hành khoan đục để khai thác đá.
Công nhân đang tiến hành khoan đục để khai thác đá.

Câu trả lời của ông chủ tịch xã Xá Nhè đã mặc định, việc khai thác đá tại điểm mỏ Pằng Dề B không phải của cá nhân bà Bùi Thị Tấm mà là của C.ty Hoàng Ánh. Thế nhưng, tại Giấy phép khai thác khoáng sản số 05/GP-UBND, ngày 16/3/2018, của UBND tỉnh Điện Biên cấp phép cho C.ty Hoàng Ánh, thì công ty này chỉ được phép khai thác đá vôi làm vật liệu xây dựng thông thường tại điểm mỏ Sín Sủ, xã Xá Nhè, huyện Tủa Chùa với tổng diện tích khu vực khai thác là 0,7346 ha.

Như vậy, có thể khẳng định việc khai thác đá làm vật liệu xây dựng thông thường của bà Tấm và C.ty Hoàng Ánh, tại điểm mỏ Pằng Dề B, xã Xá Nhè là hoạt động khai thác trái phép. Dư luận sẽ không khỏi hoài nghi việc UBND xã Xá Nhè cho rằng C.ty Hoàng Ánh đã được cấp phép nên không kiểm tra phải chăng là hành động bao che, tiếp tay cho việc khia thác đá trái phép?

Ông Lê Thanh Bình, Chủ tịch UBND huyện Tủa Chùa, khẳng định: Trước đó khoảng 10 ngày, tôi có đi qua khu vực này chưa thấy việc khai thác đá diễn ra. Có chăng hoạt động khai thác đá cũng chỉ diễn ra cách đây 1 tuần. Khu vực này không nằm trong quy hoạch được cấp phép khai thác của C.ty Hoàng Ánh nên việc khai thác đá của bà Bùi Thị Tấm là trái phép. Huyện sẽ tiến hành thành lập đoàn kiểm tra và xử lý vi phạm theo đúng quy định của pháp luật.

3
Giàn nghiền đá vẫn đang hoạt động với hàng trăm khối đá trên ngày đang tập kết tại khu vực mỏ.

Trước đó, ngày 6/8/2009, UBND tỉnh Điện Biên ra quyết định số 1345/QĐ-UBND, Quyết định về việc cấp phép khai thác đá làm vật liệu xây dựng thông thường tại điểm mỏ bản Pằng Dề B, xã Xá Nhè, huyện Tủa Chùa cho Công ty TNHH Trường Thọ Điện Biên, với thời hạn khai thác là 3 năm. Sau đó, doanh nghiệp xin gia hạn khai thác đến hết năm 2013 và làm thủ tục xin cấp phép khai thác đá. Thế nhưng, đến ngày 1/2/2016, UBND tỉnh Điện Biên, mới ban hành giấy phép số: 04/GP-UBND cho phép Công ty TNHH Trường Thọ Điện Biên được tiếp tục khai thác đá tại địa điểm mỏ nêu trên.

Lợi dụng khoảng thời gian dài chờ cấp phép, bà Bùi Thị Tấm vẫn tiếp tục cho khai thác dưới hình thức là thu gom đá trên nương của các hộ gia đình. Thực tế, bà Tấm đã thuê máy móc của C.ty Hoàng Ánh để tiến hành khai thác công khai trước sự buông lỏng của chính quyền địa phương.

Việc khai thác đá vẫn tiếp tục được mở rộng với sự buông lỏng của chính quyền địa phương.
Việc khai thác đá vẫn tiếp tục được mở rộng với sự buông lỏng của chính quyền địa phương.

Phải đến tận tháng 3/2016, việc làm của bà Tấm mới được “phát hiện”, huyện Tủa Chùa đã yêu cầu bà Tấm ngừng mọi hoạt động khai thác, chế biến đá, đồng thời gửi hồ sơ cho UBND xã Xá Nhè xem xét xử lý theo thẩm quyền. Tiếp đó, ngày 12/4/2016, khi kiểm tra phát hiện bà Tấm mặc dù đã ngừng khai thác, nhưng vẫn thực hiện hoạt động chế biến đá, UBND huyện Tủa Chùa tiếp tục ra Thông báo số 11/TB-UBND về việc đình chỉ hoạt động khai thác đá trái phép tại khu vực mỏ của bà Bùi Thị Tấm.

Việc bà Bùi Thị Tấm tiếp tục khai thác đa trái phép sau khi bị đình chỉ hoạt động cho thấy thái độ coi thường pháp luật của bà Tấm. Đồng thời, gióng lên hồi chuông cảnh báo về công tác quản lý tài nguyên vẫn còn buông lỏng trên địa bàn huyện Tủa Chùa. Thực trạng khai thác khoáng sản trái phép xảy ra khiến tài nguyên bị thất thoát, ngân sách Nhà nước bị thất thu, doanh nghiệp chính danh phải hoạt động cầm chừng vì không thể cạnh tranh giá bán, còn doanh nghiệp và cá nhân vi phạm thì hưởng lợi kếch xù.