Thừa Thiên Huế: “Cát tặc” trên sông Hương vẫn diễn biến quá phức tạp

Khoáng sản - Ngày đăng : 15:57, 16/03/2018

(TN&MT) - Sông Hương- dòng sông di sản của Huế đang bị đe dọa nặng nề khi tình trạng khai thác cát, sỏi trái phép vẫn tiếp tục tái diễn và không có dấu hiệu...
(TN&MT) - Sông Hương - dòng sông di sản của Huế đang bị đe dọa nặng nề khi tình trạng khai thác cát, sỏi trái phép vẫn tiếp tục tái diễn và không có dấu hiệu dừng lại, dù UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã đưa ra lệnh cấm từ lâu...
Dòng sông Hương đang bị xâm hại nặng nề do “cát tặc”
Dòng sông Hương đang bị xâm hại nặng nề do “cát tặc”
“Cát tặc” tinh vi hơn...
 
Theo ghi nhận của PV trong những ngày đầu tháng 3 này, đoạn sông Hương chảy qua thị xã Hương Trà như khu vực đối diện bãi bồi Lương Quán - Thủy Biều (phường Hương Hồ); khu vực từ điện Hòn Chén đến khu vực mỏ đá Ga Lôi; khu vực ngã ba Tuần đến lăng Minh Mạng (xã Hương Thọ)...; hay ở xã Thủy Bằng (thị xã Hương Thủy), xã Phú Mậu (huyện Phú Vang)... có rất nhiều sà lan, thuyền trốn tránh các cơ quan chức năng để hút cát, sỏi trái phép.
 
Cụ thể, mỗi sà lan chở được khoảng 100 m3 cát, các thuyền lớn chở 20 - 30 m3 cát. Những ống hút cát thọc sâu xuống lòng sông Hương đã làm biến dạng dòng chảy, gây sạt lở nhiều nơi. Những sà lan, thuyền cát này không chỉ tập kết bán cho người dân mà còn chở cát đi bán tại một số dự án ở những vùng lân cận.
 
Ông Tống Văn Tăng (thôn Hải Cát 1, xã Hương Thọ) chia sẻ: “Tình trạng cát tặc đến đây hút cát đã xảy ra nhiều tháng qua. Một chiếc thuyền có thể hút được vài chục khối cát mỗi đêm. Bà con ở đây ai cũng bực, khi phản ứng thì bị những người hút cát dọa nạt, dùng đất đá xua đuổi...”.
Sạt lở bờ sông vì khai thát cát sỏi trái phép
Sạt lở bờ sông vì khai thát cát sỏi trái phép
Ông Nguyễn Văn Quý - Chủ tịch UBND xã Hương Thọ cho biết, thời gian qua địa phương và công an các cấp đã tăng cường kiểm tra, kiểm soát, bắt giữ nhiều phương tiện vi phạm hoạt động khai thác khoáng sản trên sông Hương đoạn qua địa bàn xã, song tình trạng khai thác cát sỏi vào ban đêm vẫn còn, đặc biệt là thời điểm từ 11h đêm đến 3-4h sáng hôm sau nên chính quyền rất khó phát hiện.“Chúng hoạt động ngày càng tinh vi, thường bố trí người cảnh giới trên bờ báo cho nhau để trốn chạy nếu phát hiện lực lượng chức năng. Điều đáng nói, nhiều đối tượng tỏ ra nhờn luật, dù đã bị xử phạt vi phạm hành chính nhưng sau đó tái phạm và hoạt động manh động hơn khiến người dân địa phương vô cùng bức xúc...”- ông Quý cho hay.
 
Theo ông Lê Ngọc Sơn - Chủ tịch UBND thị xã Hương Thủy, thị xã vẫn thường xuyên chỉ đạo việc quản lý khai thác cát trái phép dọc sông Hương, nhất là đoạn qua hai xã Dương Hòa và Thủy Bằng. “Đối với Thủy Bằng chúng tôi trang bị cho xã một chiếc đò máy để thường xuyên tuần tra kiểm soát, ngoài ra còn thành lập đoàn liên ngành gồm các thành viên công an thị xã, Phòng TN&MT cùng phối hợp. Tuy nhiên do các đò hoạt động chủ yếu vào rạng sáng, lực lượng chức năng của xã còn mỏng nên gặp khó khăn...”- ông Sơn nói.
 
Được biết mới đây nhất là vào ngày 9/3, Phòng Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Thừa Thiên Huế liên tục phát hiện, bắt quả tang 4 thuyền đang khai thác 20 khối cát, sỏi trái phép trên sông Hương đoạn qua xã Thủy Bằng (thị xã Hương Thủy).
 
Các đối tượng khai thác cát sỏi trái phép ngày càng tinh vi, như trường hợp Nguyễn Văn C. (35 tuổi, trú Thiệu Vũ, Thiệu Hóa, Thanh Hóa) trực tiếp điều khiển phương tiện thủy nội địa số hiệu TTH-012.33 trang bị máy móc để hút 48m3 cát trái phép trên sông Hương, đoạn qua thôn Cư Chánh (xã Thủy Bằng).
Lực lượng chức năng bắt quả tang các thuyền khai thác trái phép trên sông Hương
Lực lượng chức năng bắt quả tang các thuyền khai thác trái phép trên sông Hương
Qua kiểm tra, ông C. cung cấp phiếu xuất kho do Công ty CP Thương mại và Dịch vụ H. P. với nội dung xuất bán 80m3 cát, giá 45 ngàn đồng/1m3 nhưng phiếu không ghi cụ thể ngày tháng năm xuất bán.Ông C. thừa nhận “dùng phiếu xuất kho khống để hợp thức hóa, cung cấp khi có đoàn kiểm tra”. Giám đốc Công an tỉnh Thừa Thiên Huế đã ra quyết định xử phạt hành chính ông C. số tiền 35 triệu đồng về hành vi vi phạm trong hoạt động khai thác khoáng sản.
 
Công an Thừa Thiên Huế cũng thông tin, sau thời gian mở đợt cao điểm đấu tranh với nạn khai thác, vận chuyển cát sỏi lòng sông và bãi bồi trái phép trên địa bàn tỉnh từ ngày 12/1 đến nay, lực lượng CSGT đường thủy phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ phát hiện 56 vụ vi phạm trong hoạt động khai thác cát sỏi và bắt 56 đối tượng vi phạm, lập biên bản xử lý với tổng số tiền hơn 220 triệu đồng, tịch thu hơn 200 mét khối cát, sỏi...
 
Mong được đổi nghề!
 
Thống kê của Phòng Cảnh sát Đường thủy tỉnh Thừa Thiên Huế thì hiện trên sông Hương có khoảng 100 thuyền khai thác cát sạn có thể tích từ 8 - 80m3; trong đó đa phần là thuyền dưới 10m3 của một bộ phận người dân tái định cư ở TP. Huế, Hương Trà, Hương Thủy, Phú Vang... sống bằng nghề này nhiều đời nay.
 
Anh Ngô Văn T. (33 tuổi, trú xã Phú Mậu, huyện Phú Vang) - một người có thâm niên trong nghề khai thác cát sạn lòng sông Hương sau khi bị lực lượng chức năng xử phạt cho biết, do không biết chữ nên sống bằng nghề này từ lâu. Nếu vào mỏ của doanh nghiệp được cấp phép khai thác phải đóng tiền đảm bảo lần đầu lớn (quy định của chủ mỏ- PV), giá cát tại mỏ lại cao, không cạnh tranh và lợi nhuận thấp nên đã khai thác cát trái phép. Anh T. đề xuất cần có mỏ khai thác của cộng đồng để những người như anh được vào khai thác, mưu sinh.
Các chủ thuyền trình diện trước cơ quan công an
Các chủ thuyền trình diện trước cơ quan công an
Cũng như anh T., ông A. (trú phường Vỹ Dạ, TP. Huế) sau khi bị xử phạt cho hay, ở xóm anh đã có một số người bán thuyền, chuyển qua đi phụ thợ hồ, làm việc thời vụ nhưng rất bấp bênh. “Nếu không khai thác cát sạn để kiếm sống thì gia đình tui không biết làm gì. Mong cơ quan chức năng lập một mỏ khai thác cộng đồng hoặc hỗ trợ những người như tôi chuyển đổi nghề nghiệp”- ông A. nói.
 
Ông Hồ Đắc Trường- Phó Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, xử lý triệt để nạn khai thác cát sạn là nhiệm vụ hết sức nặng nề và đòi hỏi phải có nhiều giải pháp đồng bộ, lâu dài. “Ngoài việc xử lý vi phạm, chúng tôi đang đề xuất UBND tỉnh mở rộng mô hình khai thác cộng đồng nhằm tạo điều kiện cho các hộ có phương tiện làm nghề khai thác cát sạn lòng sông có thu nhập chính đáng, tránh khai thác trái phép. Bên cạnh đó, tạo việc làm mới, chuyển đổi ngành nghề là cần thiết nhằm đảm bảo người dân có thu nhập ổn định, không tham gia khai thác cát sạn trái phép. Chúng tôi đang kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo các huyện, TP. Huế thống kê, xây dựng phương án chuyển đổi nghề cho các hộ có nhu cầu...”- ông Trường thông tin.
 
Liên quan đến “cát tặc”, theo Đại tá Nguyễn Thành Luân - Trưởng phòng Cảnh sát môi trường Công an tỉnh Thừa Thiên Huế, lực lượng đơn vị đã nắm rõ quy luật hoạt động của “cát tặc” trên sông Hương, sông Bồ. Vì thế đơn vị đã phối hợp chặt chẽ với các phòng, ban tổ chức triển khai đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ, góp phần ngăn chặn, đẩy lùi được tình trạng khai thác cát, sỏi trái phép; qua đó đảm bảo môi trường và cuộc sống bình yên cho người dân...