Công ty Cổ phần Onsen: Có hay không việc khai thác nước khoáng sai phép?
Khoáng sản - Ngày đăng : 01:04, 19/03/2018
(TN&MT) - Thời gian qua, người dân liên tục phản ánh Nhà máy nước khoáng đóng chai của Công ty cổ phần Onsen thuộc địa phận xã Suối Tân, Cam Lâm, Khánh Hòa khai...
(TN&MT) - Thời gian qua, người dân liên tục phản ánh Nhà máy nước khoáng đóng chai của Công ty cổ phần Onsen thuộc địa phận xã Suối Tân, Cam Lâm, Khánh Hòa khai thác nước khoáng không phép. Trong khi đó, chính quyền huyện, xã khẳng định có đầy đủ giấy tờ. Để làm rõ thông tin, phóng viên Báo Tài nguyên và Môi trường đã vào cuộc điều tra, tìm hiểu.
Nhà máy nước khoáng Onsen thuộc Công ty cổ phần Osen được đặt tại thôn Dầu Sơn, xã Suối Tân, huyện Cam Lâm, tỉnh Khánh Hòa được khởi công xây dựng vào 14/9/2015. Nhà máy này được xây dựng trên diện tích 20.000 m2, tổng vốn đầu tư 10 triệu USD.
Dự án sẽ được chia làm hai giai đoạn. Giai đoạn đầu xây dựng nhà máy sản xuất nước khoáng đóng chai với trang thiết bị hiện đại và áp dụng tiêu chuẩn ISO-9002 sẽ được hoàn thành để đưa vào khai thác sử dụng trong năm 2016. Công suất dự kiến là 200.000 chai, lon/ngày với nhiều loại sản phẩm khác nhau như: nước khoáng có gas, nước khoáng không gas và các loại nước ngọt giải khát.
Theo Quyết định phê duyệt Báo cáo đánh giá tác động môi trường số 3313/QĐ-UBND do UBND tỉnh Khánh Hòa ban hành ngày 17/11/2015 cho thấy công suất của nhà máy giai đoạn một dự kiến 28,7 triệu m3/ năm. Bên cạnh đó, theo tìm hiểu của phóng viên, trước đó, ngày 10/7/2014, UBND tỉnh Khánh Hòa đã ban hành văn bản số 1775/QĐ-UBND về việc cấp giấy phép khai thác, sử dụng nước dưới đất cho Công ty Cổ phần Onsen. Mục đích nhằm khai thác, sử dụng cung cấp nước để sản xuất nước uống đóng chai. Nguồn nước khai thác là nguồn nước dưới đất tại thôn Dầu Sơn, xã Suối Tân, huyện Cam Lâm, tỉnh Khánh Hòa. Tầng chứa nước khai thác thuộc Đới chứa nước khe nứt trong đá Magma xâm nhập phức hệ Cà Ná. Tổng số giếng khai thác là 1 giếng với công suất không vượt quá 370 m3/ ngày đêm. Trong quá trình khai thác và sử dụng Công ty cổ phần Onsen đã phát hiện ra nhiệt độ nước khoáng có sự thay đổi từ 29 độ C ban đầu lên 32,5 độ C tại thời điểm tháng 12/2014. Vì vậy, nhiều thông tin cho rằng, Công ty cổ phần Onsen đã khai thác nước khoáng khi chưa được các cơ quan chức năng phê duyệt.
Liên quan đến sự việc này, phóng viên báo Tài nguyên và Môi trường đã có buổi làm việc với ông Nguyễn Ngọc Khuê, Chủ tịch UBND xã Suối Tân.
Tại buổi làm việc ông Khuê cho biết: “Công ty cổ phần Onsen khai thác mạch nước ngầm (nước khoáng thiên nhiên) có giấy phép khai thác. Phía Công ty hiện nằm ngoài khu công nghiệp Suối Dầu và có một lỗ khoan gần tại vị trí gần nhà máy. Phía UBND xã cũng phối hợp với các đoàn liên ngành của Sở TN&MT của tỉnh Khánh Hòa cũng như các phòng ban chuyên môn của huyện Cam Lâm về kiểm tra hoạt động của công ty này”.
Trước đề nghị của phóng viên muốn được tiếp cận hồ sơ giấy tờ khai thác của Công ty cổ phần Onsen (Nhà máy nước khoáng Onsen) thì ông Khuê cho biết: “Về giấy tờ ông không nắm được mà giao cho địa chính xã quản lý nên anh em (tức - PV) làm việc với anh Nguyễn Bá Anh cán bộ địa chính xã để có thêm thông tin”.
Theo lời ông Khuê, phóng viên báo Tài nguyên và Môi trường đã có cuộc trao đổi với anh Bá Anh thì ông này cho hay: “Thẩm quyền Công ty CP Onsen là do UBND tỉnh và Sở TN&MT tỉnh Khánh Hòa cấp phép khai thác nên phía xã không có giấy tờ gì cả. Nhiều lần vào kiểm tra nhưng phía Công ty không cung cấp nên chúng tôi không có thông tin gì cả. Anh em (tức - PV ) cứ lên huyện hay lên Sở TNMT sẽ có đầy đủ thông tin.
Tiếp tục tìm hiểu, phóng viên đã đến trụ sở UBND huyện Cam Lâm để nắm bắt thêm thông tin thì nhận câu trả lời các vị lãnh đạo đều bận họp.
Trao đổi qua điện thoại, ông Bùi Quang Nam, Chánh văn phòng UBND huyện Cam Lâm cho hay: “Hiện nay các vị lãnh đạo huyện đều bận họp cuối năm nên anh em cứ lên Sở TN&MT sẽ có đầy đủ thông tin vì Sở là đơn vị quản lý và cấp phép. Còn về phía phòng TN&MT của huyện cũng không có hồ sơ gì cả nên anh em có lên làm việc thì các đồng chí ở phòng TN&MT cũng trả lời như tôi thôi…”.
Trước cách trả lời “né tránh” như vậy, dư luận hoài nghi về trách nhiệm của UBND huyện Cam Lâm và xã Suối Tân trong việc quản lý tài nguyên khoáng sản trên địa bàn. Có hay không việc các cơ quan thuộc địa phương buông lỏng quản lý với chức trách và nhiệm vụ được giao. Bởi một nhà máy nước khoáng được xây dựng trên diện tích 20.000 m2 được đầu tư gần 10 triệu USD nhưng chính quyền địa phương từ cấp huyện xuống cấp xã lại không hề có bất cứ thông tin hay hồ sơ giấy tờ gì về công ty này. Nếu doanh nghiệp còn thiếu một số giấy tờ liên quan thì chính quyền phải có trách nhiệm hướng dẫn, giúp đỡ để hòan thiện giấy phép và để trả lời với những kiến nghị của cử tri theo đúng tinh thần kiến tạo của Chính phủ chứ không phải đùn đẩy và né tránh như huyện Cam Lâm.
Không thể phủ nhận những giá trị của một nhà máy nước khoáng với hàng trăm công nhân đang làm việc tại đây, trong việc làm thay đổi kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống cho người dân, đặc biệt đối với một huyện miền núi còn khó khăn như Cam Lâm. Tuy nhiên, trước những kiến nghị của người dân, mong rằng UBND tỉnh Khánh Hòa sớm chỉ đạo các cơ quan chức năng vào cuộc làm rõ sự việc.