Phản hồi của tỉnh Vĩnh Phúc vụ việc cấp phép khai thác cát "lấn" sang đất TP. Hà Nội 10 ha

Khoáng sản - Ngày đăng : 17:45, 12/03/2018

(TN&MT) - UBND tỉnh Vĩnh Phúc xác định cấp phép cho doanh nghiệp khai thác cát sông Hồng chồng lấn sang Hà Nội khoảng 10ha vào năm 2015 nhưng đã khắc phục và...
(TN&MT) - UBND tỉnh Vĩnh Phúc xác định cấp phép cho doanh nghiệp khai thác cát sông Hồng chồng lấn sang Hà Nội khoảng 10ha vào năm 2015 nhưng đã khắc phục và điều chỉnh vào năm 2016.

UBND tỉnh Vĩnh Phúc vừa có văn bản trả lời phản ánh của ông Ngô Xuân Cường (ở Phúc Thọ, Hà Nội) về việc Công ty CP TMS Khoáng sản và Vật liệu xây dựng (sau này có tên là Cty CP An Thịnh Vĩnh Lạc) được cấp giấy phép khai thác cát sông Hồng ở Vĩnh Phúc chồng lấn sang cả Hà Nội. Không những vậy, công dân này còn cho rằng Cty An Thịnh Vĩnh Lạc lợi dụng giấy phép ngang nhiên khai thác cát vào khu vực sản xuất hoa màu của nhân dân thuộc bãi nổi (xã Phương Độ, Phúc Thọ, Hà Nội).

Theo đó, nhà chức trách tại Vĩnh Phúc xác định đã cấp phép chồng lấn cho doanh nghiệp này khai thác cát trên sông Hồng sang Hà Nội khoảng... 10ha.
ubnd tinh vinh phuc ra cong van hoa toc de nghi cong ty tms tam dung khai thac cat tren song hong hinh anh0
Người dân kêu cứu vì tàu khai thác cát trên sông Hồng gây sạt lở - Ảnh: báo Công Lý

Văn bản cho biết, Cty An Thịnh Vĩnh Lạc được UBND tỉnh Vĩnh Phúc cấp phép khai thác cát sông Hồng vào tháng 2/2015 hơn 58ha thuộc một số xã qua huyện Yên Lạc và Vĩnh Tường trong 5 năm rưỡi. Nhưng tháng 6/1015, Vĩnh Phúc nhận được văn bản của UBND huyện Phúc Thọ cho rằng giấy phép của UBND tỉnh Vĩnh Phúc chồng lấn sang xã Phương Độ (Phúc Thọ).

UBND tỉnh Vĩnh Phúc cho biết "sau khi các cơ quan tại 2 địa phương vào cuộc xác minh mới chỉ ra rằng, giấy phép của UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã cấp chồng lấn sang địa giới huyện Phúc Thọ khoảng 10ha". Tháng 4/2016, UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã điều chỉnh giấy phép và thu hẹp diện tích khai thác của Cty An Thịnh Vĩnh Lạc còn hơn 47ha và cắm mốc giới đúng phần thuộc tỉnh Vĩnh Phúc.

Như vậy, theo UBND tỉnh Vĩnh Phúc, việc chồng lấn đã được khắc phục từ tháng 4/2016 còn đơn của ông Cường mới cuối năm 2017. "Nội dung phản ánh của ông Ngô Xuân Cường là không đúng thực tế và không khách quan", công văn của Vĩnh Phúc viết.

Riêng nội dung phản ánh Cty An Thịnh Vĩnh Lạc khai thác vào khu vực sản xuất hoa màu của người dân huyện Phúc Thọ, UBND tỉnh Vĩnh Phúc cho rằng việc này thuộc thẩm quyền kiểm tra xử lý của cơ quan chức năng của Hà Nội. "UBND tỉnh Vĩnh Phúc sẽ chỉ đạo cơ quan chức năng phối hợp chặt chẽ với cơ quan chức năng của Hà Nội trong quản lý khoáng sản ở khu vực giáp ranh theo đúng quy định." - Vĩnh Phúc nêu thêm trong công văn.

Thời gian qua, không ít lần báo chí đưa tin về việc người dân phản ánh Công ty CP TMS Khoáng sản và VLXD (Công ty An Thịnh Vĩnh Lạc) vẫn tiếp tục khai thác cát trên sông Hồng lấn sang Hà Nội làm sạt lở bờ sông, ảnh hưởng trồng trọt. Nhà chức trách địa phương không ít lần có ý kiến xử lý.