Ngôi sao ruby Việt

Khoáng sản - Ngày đăng : 09:30, 15/02/2018

(TN&MT) - Nghệ An và Yên Bái là 2 địa danh nổi tiếng có nhiều mỏ đá ruby chất lượng cao. Trong đó, huyện Yên Bình (Yên Bái) là quê hương của khối đá ruby nặng...
(TN&MT) - Nghệ An và Yên Bái là 2 địa danh nổi tiếng có nhiều mỏ đá ruby chất lượng cao. Trong đó, huyện Yên Bình (Yên Bái) là quê hương của khối đá ruby nặng 2,1kg, được phong là Quốc bảo với tên gọi “Ngôi sao Việt Nam”. Ngay khi nhìn thấy khối ruby này, các nhà khoa học  không khỏi sửng sốt bởi trọng lượng lớn chưa từng có và màu đỏ mê hoặc. Sau 20 năm “lộ diện”, đến nay, giới chuyên môn vẫn chưa thể định giá được viên đá quý có một không hai này.
TNMT Ngôi sao ruby Việt
Đá ruby sau khi chế tác lộ ra vẻ đẹp rực rỡ.
1. Từ trước đến nay, kim cương được xem như đỉnh cao của giá trị. Đó là loại đá quý hiếm với nhiều công dụng trong công nghệ cắt phá nhờ có độ cứng vô địch bằng 10 và có ánh chiếu tuyệt hảo. Cho dù có nằm ở ngoài trời, ở dưới nước hay nằm trong lửa, trong tuyết, trong đất, đá, cát… kim cương vẫn có thể phát sáng. Tuy vậy, nếu sánh với đá đỏ ruby, kim cương còn thua xa về mặt giá trị.

Ruby quý, hiếm là vậy nên trong giới chuyên môn vẫn cho rằng, muốn có một viên rubi 3 cara (0,6 gam) bằng đầu ngón cái đúng tiêu chuẩn quốc tế là chuyện mò kim đáy biển. Vậy mà, vào tháng 4/1997, trong khi tuyển quặng, công nhân mỏ Tân Hương (Yên Bình, Yên Bái) thấy trong đám đá thải không lọt qua sàng một cục đá lớn, nặng 2,7kg. Ngay sau đó, các nhà khoa học đã vào cuộc, xác định đó là đá ruby. KS. Nguyễn Xuân An, nguyên Phó Chủ tịch Tổng hội Địa chất Việt Nam kể lại, ông đã nhiều năm gắn bó với việc nghiên cứu đá quý, nhưng duy nhất khối ruby này khiến ông rất ấn tượng. “Khi ấy, tôi trực tiếp nhận nhiệm vụ xử lý viên ruby. Ban đầu trông nó sần sùi như chiếc súplơ, có nhiều tạp chất bám xung quanh, sau khi xử lý, lộ ra màu đỏ rực rỡ. Điều đặc biệt của khối ruby này là có cả “đực và cái”. Khi soi kỹ trên mặt khối ruby, thấy có một vết nứt sẵn, tách ra được một viên ruby có màu đỏ sẫm như máu bồ câu, giới chuyên môn thường gọi là viên đực nặng 290 cara, phần còn lại của viên ruby màu nhạt hơn, gọi là viên cái, nặng 2.160 gram tương đương 10.800 cara".

2. Viên ruby lớn nhất Việt Nam hiện đang được bảo quản tại Kho bạc Nhà nước. Tuy vậy, việc định giá cho bảo vật quốc gia này cho đến giờ vẫn là câu chuyện chưa có hồi kết. KS. An cho biết, việc định giá viên ruby đực đã vô cùng khó khăn đối với các nhà khoa học trong nước. Một đoàn chuyên gia từ Myanmar đã được mời sang để đánh giá giá trị của viên đá quý. Sau một hồi luận bàn, các chuyên gia đã cho rằng, mức giá tối thiểu cho viên ruby đực là 250.000 USD. Sau cuộc đấu giá quốc tế ở Myanmar năm 1997, viên đá đã được bán cho một thương gia nước ngoài với giá 290.000 USD.

Sau đó, Tổng Công ty Đá quý và Vàng Việt Nam đã mời một số chuyên gia đá quý sang Việt Nam để giúp định giá viên ruby. Lần đầu tiên, các chuyên gia Anh đưa ra kết luận viên đá là “độc nhất vô nhị” và không đưa ra mức giá cụ thể. Sau đó, chuyên gia Myanmar cũng đưa ra kết luận tương tự. Cuối cùng, phải quay lại các cơ quan có thẩm quyền trong nước. Kết quả là sau 3 năm, qua rất nhiều cuộc họp của nhiều cơ quan chức năng nhưng vẫn không định được mức giá cụ thể cho báu vật  này. Nguyên nhân là do lớp tạp chất bao xung quanh. Nếu muốn biết giá trị thực sự buộc lòng phải bóc tách lớp vỏ bên ngoài. Song một số nhà khoa học cho rằng, nếu bóc tách sẽ làm hỏng cấu trúc, dẫn đến làm mất đi hình dạng tự nhiên ban đầu, nghĩa là mất đi ý nghĩa khoa học. Điều này có thể làm tổn thất giá trị kinh tế của viên đá.

Hội đồng Giám định của Bộ Tài chính cũng nhận định, viên đá ruby quý, hiếm có trên thế giới và là hiện vật đá quý lớn nhất được khai thác tại Việt Nam từ trước đến nay, cần được giữ lại làm bảo vật quốc gia. Hội đồng nhất trí với ý kiến “không bóc tách tiếp để lấy riêng phần ngọc có chất lượng cao ở bên trong”. Trong công văn gửi Thủ tướng Chính phủ ngày 27/9/1999, Hội đồng Giám định đã kết luận: “Thấy chưa đủ căn cứ để ước tính giá trị của viên đá”. 

3. Anh Nguyễn Văn Tuấn, Phó Chủ tịch Hiệp hội đá quý Lục Yên chia sẻ kinh nghiệm, ruby thiên nhiên thường có sọc khía nằm theo chiều ngang trên mặt đá. Ngay trên vết vỡ cũng có sọc khía thể hiện rõ nhưng mịn hơn sọc khía ở ngoài tinh thể. Các sọc khía này là dấu vết rất đặc biệt và đặc trưng cho ruby, có thể làm bí quyết để phân biệt rubi thật và giả. 

Ngoài ra, màu đặc sắc nhất để chứng tỏ đó là ruby tuyệt hảo chính là màu đỏ máu bồ câu. Nguyên nhân màu đỏ của ruby là do lẫn chất crôm, nhưng cũng vì thế mà đá ruby có nhiều khuyết tật, nhiều bệnh như bị răn đá, có vết bọt đen, dễ vỡ. 

Một điều thú vị và kỳ lạ là ruby có màu đỏ nhưng màu bột đá khi ta gọt hay rạch đá ra lại là màu trắng. Điều này các nhà buôn cũng thường dùng làm bí quyết để thử ruby thật hay giả.

Anh Tuấn cũng bật mí thêm một điều nhà nghề cho những ai muốn mua ruby để làm của quý trong nhà, đó là ruby dù có 6 cạnh hay 3 cạnh thì ánh sáng của nó khi phát ra bao giờ cũng gồm 2 tia, khi ta xoay viên ruby thấy tia phóng ra màu đỏ sậm và một tia màu đỏ nhạt. Nếu muốn nhìn rõ hơn, có thể ngâm viên ruby vào nước, lúc đó, các tia khúc xạ càng thể hiện rõ nét hơn.