Quảng Bình: "Cát tặc" tung hoành trên sông Gianh, dân mất kế sinh nhai

Khoáng sản - Ngày đăng : 14:16, 27/02/2018

Nạn khai thác cát trộm ở xã Phù Hóa, huyện Quảng Trạch (Quảng Bình) diễn ra thời gian dài, người dân địa phương đã phản ánh nhiều nơi, nhiều cấp nhưng tình trạng vẫn không giảm. Nỗi lo mất đất sản xuất của người dân thường trực trong những đêm vắng.

Dân sống bất an

Sau Tết Nguyên Đán 2018, trên sông Gianh đoạn chảy qua xã Phù Hóa (huyện Quảng Trạch) và xã Văn Hóa (huyện Tuyên Hóa), tình trạng tàu thuyền hút cát diễn ra phức tạp và rầm rộ.

Sáng 23/2, theo chân người dân thôn Long Châu, xã Phù Hóa ra bờ sông Gianh, chúng tôi thấy hàng chục lượt thuyền đi từ trên xã Cảnh Hóa xuống đây để khai thác cát. Mỗi lần như vậy có ít nhất 3 thuyền hút cát, cứ khoảng 30 phút lại cắm vòi rồng xuống sông Gianh sau đó những thuyền này lại chạy ngược về và các thuyền khác lại có mặt. Khu vực các tàu hút cát cách cảng nhà máy xi măng Clinke Văn Hóa khoảng 50m, cách thôn Long Châu bên xã Phù Hóa khoảng 100m.

cat tac
Tàu khai thác cát trộm trên sông Gianh đang hút vào sáng sớm ngày 23/2.

Anh Ch. (xin giấu tên) có nhà ở thôn Long Châu cho biết: “Các tàu hút cát chủ yếu từ các xã khác đến hút rồi đưa lên bán cho các bãi trên xã Cảnh Hóa, Tiến Hóa. Trước Tết vừa rồi vì có nhiều đoàn đi kiểm tra nên các tàu hút chủ yếu hoạt động vào nửa đêm về sáng. Họ hoạt động cũng tinh vi hơn, lén lút hơn như dùng máy giảm thanh nên rất khó bị phát hiện. Sau Tết thì họ trở lại hoạt động công khai không kể ngày hay đêm".

“Tàu hút cát giờ toàn cỡ lớn, nhỏ nhất cũng 25m3, lớn nhất đến 70m3. Nhiều tàu thiết kế xả đáy, nên khi khai thác xong họ về bán lại cho chủ bãi. Họ mở cửa xả cát cho chủ bãi hút lên, còn tàu thì đi khai thác tiếp. Tàu hút cát thiết kế cửa xã đáy, nên khi phát hiện lực lượng chức năng là họ thu vòi lên, xả hết cát trong khoang rồi nổ máy rời đi”, anh Ch. thông tin.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, giá cát các tàu hút bán cho cho chủ bãi dao động từ 60-70 ngàn/m3. Trong khi đó, chủ bãi bán cho nhà xe vận chuyển tới các công trình, người dân dao động từ 120-140 ngàn/m3.

Ông Hoàng Thanh Trực trú tại thôn Long Châu, xã Phù Hóa bức xúc: “Tình trạng khai thác cát trái phép đã diễn ra nhiều năm nay, thời gian gần đây nó còn diễn ra mạnh hơn. Khai thác cát diễn ra cả ngày, cả đêm, tiếng máy nổ ầm ầm. Những tàu này có khi hút cát ngay cạnh bờ sông, nhiều lần người dân chúng tôi đã làm đơn, kiến nghị tại các cuộc họp nhưng đến nay họ vẫn làm như thường. Tình trạng sạt lở mấy năm nay cũng diễn ra rất mạnh, càng ngày đất càng sạt xuống sông mà gia đình tôi lại nhà nằm cuối thôn, không biết kêu ai cho thấu”.

Ông Cao Văn Thục, Bí thư chi bộ thôn Long Châu, xã Phù Hóa, cho biết: “Khai thác cát lậu tồn tại 9, 10 năm nay rồi chứ không phải mới một hai năm qua, nói là bãi cát nhưng thực tế là cát gắn liền với làng, nếu mất bãi cát này thì làng này cũng mất. Bãi cát này cả xã Phù Hóa hưởng lợi chứ không chỉ riêng làng này.

Nhiều lần trong các cuộc họp, tổng kết chúng tôi đều có kiến nghị nhưng cũng không giải quyết được gì, riêng thôn là chịu, còn xã thì họ vẫn có thể phạt được, tạm giữ được nhưng xã nói đưa người ra nếu chết người họ đi tù thì họ không làm nên lại đổ lên trên, huyện thì nói cái này là việc của xã, tình trạng cứ kéo dài mãi”.

Mất dần kế sinh nhai

Xã Phù Hóa sống chạy dài khoảng 4km bên bờ Bắc sông Gianh, trong đó thôn Long Châu là một ốc đảo trong lòng sông Gianh, được nối với đất liền bằng một cây cầu nhỏ. Những hộ dân ở trong thôn có rất ít đất nông nghiệp, nên cuộc sống từ xưa đến nay chủ yếu dựa vào đi bắt hến. Ở khu vực này, có loài hến nhỏ sống giao thoa giữa nước ngọt và nước mặn. Hến nhỏ ở đây có vị ngọt mát, được chế biến thành nhiều món ăn đặc sản ở Quảng Bình. Người dân địa phương gọi loài hến nhỏ này là "chắt chắt".

Từ khi nạn khai thác cát lậu diễn ra ồ ạt, thì người dân sống bằng nghề cào hến cũng vất vả hơn. Bởi dòng chảy bị thay đổi, nước đục, các hố sâu cục bộ dưới lòng sông, bờ bãi bị sạt lở…đã làm cho con chắt chắt ít dần.

cat tac 1
Tình trạng sạt lở bờ sông Gianh đoạn qua thôn Long Châu khiến người dân lo lắng.

“Trước đây có 2 dãy tre và dứa dại bên bờ sông bao bọc làng, nhưng đã bị sạt lở xuống sông rồi. Xã Phù Hóa là vùng thấp trũng, nên mỗi khi mưa lũ về nước sông Gianh ngập sâu, chảy rất mạnh, không có cây nữa thì lũ lụt về là trôi hết, nước vào tận nhà dân. Giờ mong sao có biện pháp để giải quyết dứt điểm vấn đề này”, ông Bí thư Chi bộ thôn Long Châu lo lắng.

Ông Hoàng Thanh Hương - Chủ tịch UBND xã Phù Hóa, thừa nhận có tình trạng khai thác cát trái phép diễn ra trên địa bàn, hiện tượng sạt lở đất có xảy ra, việc người dân phản ánh là đúng.

Tuy nhiên, ông Hương đưa ra lý do ở xã Phù Hóa từ công an xã, dân quân tự vệ không có ai có bằng lái thuyền cả, do đó xã chỉ theo dõi, khi có đối tượng khai thác cát thì điện báo cho tổ liên ngành của huyện. Có nhiều lần họ cũng lên giúp, cũng huy động lực lượng lên đây cũng có một số lần họ bảo là do lực lượng mỏng, thông cảm chấp nhận chứ giờ lực lượng mỏng không lên được.

“Trên địa bàn xã Phù Hóa không có quy hoạch mỏ cát, không có một bến, bãi nào tập kết cát, sạn; và cũng không có thuyền nào của dân khai thác cát, sạn. Chính vì lượng cát trên sông lớn nên có nhiều đối tượng từ địa phương khác đến khai thác trộm, những đối tượng này thường khai thác vào ban đêm là chủ yếu và những ngày nghỉ. Anh em UBND đã giao cho lực lượng công an, xây dựng kế hoạch, tổ chức tuần tra”, ông Hoàng Thanh Hương cho biết.

Tình trạng khai thác cát trái phép tại thôn Long Châu đã diễn ra thời gian dài, cuộc sống của người dân mưu sinh bị ảnh hưởng, tài sản của họ cũng bị ảnh hưởng khi mỗi mùa mưa bão về. Hằng đêm, khi tiếng máy hút cát trộm nổ vang trên mặt sông vọng vào, làm cho người dân thêm thổn thức, lo lắng. Người dân bất lực vì không không thể tự giải quyết vấn đề.