Khai thác đất đồi trái phép tại xã Ân Phong (Hoài Ân, Bình Định): Chính quyền biết song không xử lý?

Khoáng sản - Ngày đăng : 18:56, 06/08/2019

(TN&MT) - Gần đây, người dân ở thôn An Hậu, xã Ân Phong (huyện Hoài Ân, tỉnh Bình Định) bất bình trước việc một cá nhân ở địa phương thỏa thuận bán đất cho doanh nghiệp bất hợp pháp. Điều đáng nói, chính quyền địa phương tuy nắm bắt sự việc, nhưng không có biện pháp ngăn chặn, xử lý?!.
31
Đồi Truông Gà ở thôn An Hậu, xã Ân Phong tan hoang sau khi bị “xẻ thịt”.

 

Theo phản ánh của người dân, PV tìm về xóm 4, thôn An Hậu, xã Ân Phong (huyện Hoài Ân) để tìm hiểu sự việc. Khu đồi có tục danh Truông Gà rộng hàng ngàn mét vuông đang bị máy đào cày xới, hàng chục xe ben trọng tải lớn đang nối đuôi nhau chở đất đi tiêu thụ. Người dân cho biết sự việc diễn ra nhiều tháng nay nhưng không thấy cơ quan chức năng xử lý. Sau thời gian dài khai thác, đồi Truông Gà trở nên tan hoang với khối lượng đất vận chuyển trái phép khoảng 1.000m3.  

Người dân ở thôn An Hậu, cho biết hoạt động khai thác đất tại đồi Truông Gà đã diễn ra rất lâu. Xe ben, máy đào hoạt động giữa “thanh thiên bạch nhật” nhưng chưa hề có giấy phép hoạt động khai thác mỏ. Điều lạ lùng, người dân không thấy xã kiểm tra, kể cả lực lượng chức năng của huyện Hoài Ân. Trong 1 giờ có mặt tại đây, PV ghi nhận có rất nhiều xe ben chở đất có “ngọn”, thậm chí không phủ bạt, để đất rơi vãi xuống đường khiến bụi bay mù mịt, gây ảnh hưởng đến đời sống người dân.
 

31


Để tìm hiểu sự việc này, PV đã liên hệ làm việc với ông Hồ Văn Đương, Quyền Chủ tịch UBND xã Ân Phong. Ông Đương, xác nhận: “Sự việc người dân phản ánh là có thật, việc doanh nghiệp khai thác đất tại đây là hoàn toàn chưa được cấp phép”.

Vị trí nơi xảy ra hoạt động khai thác đất trái phép theo hồ sơ UBND xã Ân Phong cung cấp thuộc thửa đất số 51, tờ bản đồ số 1, cấp quyền sử dụng cho hộ Kiều Đình Hướng (trú thôn An Hậu). Thửa đất này có diện tích hơn 16.200m2, quy hoạch chức năng đất lâm nghiệp.

“Việc để xe ben, máy đào vào khai thác đất tại đây có sự thỏa thuận giữa chủ đất và doanh nghiệp. Theo quy định của Luật Đất đai, Luật Khoáng sản hoạt động khai thác này là trái quy định”, ông Đương cho biết thêm.

Theo lý giải của ông Đương, thì: Rõ ràng hoạt động khai thác đất này nằm trong “tầm quản lý” của chính quyền địa phương. Nhưng nghịch lý ở chỗ, xã nắm bắt nhưng không xử lý (!). Trước thực tế này, dư luận hoài nghi về năng lực lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành về mặt nhà nước trong lĩnh vực quản lý đất đai ở cơ sở.

Về vấn đề này, Quyền Chủ tịch UBND xã Ân Phong, cho rằng: Hiện nay, nhà thầu đang triển khai thi công nâng cấp, mở rộng 2 tuyến đường với chiều dài gần 4 Km - đoạn 1 Nghĩa trang xã Ân Phong đi trung tâm mua bán động vật (thôn An Hậu) và đoạn 2 - vùng sản xuất rau an toàn (thôn An Chiểu). Do đó, nhu cầu về sử dụng đất để san nền mở rộng mặt đường là rất lớn. Đối với những dự án cấp thiết như thế này thì xã tạo điều kiện cho các doanh nghiệp có nguồn vật liệu để thi công (!?).

Theo UBND xã Ân Phong, Công ty TNHH Xây dựng Mười Tùng và Doanh nghiệp tư nhân Xây dựng Trường Vũ là những đơn vị đảm nhận thi công dự án này. Trong quá trình thi công, 2 nhà thầu này có đưa xe tới đồi Truông Gà để lấy đất. Tuy nhiên về mặt pháp lý, ông Hồ Văn Đương, thừa nhận là chưa đúng theo quy định khi việc khai thác đất chưa có sự cho phép của cấp có thẩm quyền.

Qua trao đổi, lãnh đạo UBND xã Ân Phong, quả quyết: Những công trình mang tính cấp thiết ở địa phương mới xem xét cho tận dụng nguồn vật liệu tại chỗ. Xã tuyệt đối cấm doanh nghiệp lấy đất đem bán hoặc đổ san nền ở địa phương khác trong quá trình thi công các dự án ở địa phương (?). Tuy nhiên, PV ghi nhận có hàng chục lượt xe ben ung dung ra, vào đồi Truông Gà lấy đất chở đi đổ san nền ở nhiều nơi trong và ngoài xã Ân Phong. Song, cơ quan chức năng của huyện Hoài Ân lại “bình chân như vại”.

32
Xe ben chở đất ung dung vào đồi Truông Gà để lấy đất bất hợp pháp, song cơ quan chức năng của huyện Hoài Ân không xử lý.


Thiết thấy, hoạt động khai thác đất ở đồi Truông Gà là trái quy định của pháp luật, gây thất thoát nguồn khoáng sản, phát sinh tiêu cực về môi trường, ảnh hưởng tới đời sống dân sinh. Do đó, UBND huyện Hoài Ân sớm có giải pháp chấn chỉnh, lập lại trật tự trong công tác quản lý đất đai ở địa phương, tránh tình trạng phát sinh khiếu kiện, khiếu nại kéo dài.