Vắt kiệt sức đất

Đất đai - Ngày đăng : 11:36, 01/08/2019

(TN&MT) - Để hình thành một lớp đất dày 1cm, phải trải qua thời gian khoảng 1.000 năm. Do đó, tài nguyên đất đối với con người là vô cùng quý giá và cần được lên kế hoạch bảo vệ để có thể sử dụng lâu dài.

Theo nghiên cứu của các nhà khoa học, lớp đất mặt đang có nguy cơ bị biến mất một phần trong tương lai. Liên Hợp Quốc cũng đưa ra cảnh báo, khoảng 1/3 tài nguyên đất trên hành tinh đang bị suy thoái do xói mòn, ô nhiễm, quá trình axit hóa và suy giảm chất dinh dưỡng. Nguyên nhân chủ yếu của tình trạng này là do quá trình quản lý đất chưa tốt của con người.
 

nguyen nhan xoi mon dat
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

Tác nhân lớn nhất của tình trạng này bắt nguồn từ việc con người “vắt kiệt sức” làm việc của đất để sản xuất nông nghiệp. Việc trồng cây lương thực để sản xuất nhiên liệu sinh học, biến đối khí hậu và những biện pháp canh tác đơn giản đang làm tăng nguy cơ thiếu lương thực trong tương lai. Bên cạnh đó, còn có những nguyên nhân trực tiếp làm suy thoái đất khác bao gồm tình trạng đô thị hóa, phát triển cơ sở hạ tầng, sản xuất năng lượng, khai khoáng…

Mặc dù, chúng ta liên tục đưa ra những cảnh báo, song tình trạng đất trên thế giới vẫn ngày một tồi tệ hơn. Hiện nay, phần lớn đất mà con người có thể tiếp cận đã được sử dụng để trồng trọt hoặc chăn nuôi. Nhưng các biện pháp canh tác hiện nay thường dẫn tới tình trạng xói mòn đất và lãng phí nước khiến năng suất cây trồng giảm. Nếu cứ tiếp tục sử dụng đất như hiện nay, đến năm 2075, hầu như chúng ta sẽ không còn đất để canh tác.

Với thực trạng đó, thế giới sẽ phải thực hiện các biện pháp nhằm làm tăng năng suất cây trồng một cách mạnh mẽ và bền vững trên diện tích đất hiện nay để đáp ứng nhu cầu lương thực của nhân loại. Nhiều nước trên thế giới đã thiết lập các mục tiêu và kết hợp các biện pháp thực hiện để phòng tránh, giảm thiểu và đảo ngược tình trạng đất thoái hóa. Chẳng hạn như nước Cộng hòa Trung Phi đã cam kết phục hồi hơn 1 triệu ha đất, tương đương 15% lãnh thổ của họ, nhằm hạn chế nguy cơ đất xuống cấp và giảm thiểu gánh nặng cho nền kinh tế. Ethiopia đã khôi phục được diện tích 7 triệu ha đất màu mỡ trở lại. Mới nhất, trong ngày 29/7, có 353 triệu cây được trồng. Đây là một hoạt động trong “sáng kiến di sản xanh” của quốc gia Ethiopia nhằm mục đích giảm suy thoái môi trường.

Cuộc sống trên Trái đất sẽ không bền vững nếu nguồn đất đai không lành mạnh. Vì vậy, các nước cần đưa vấn đề quản lý đất đai bền vững thành một trong những chiến lược phát triển của quốc gia.

Công ước Liên Hợp Quốc về Phòng chống sa mạc hóa (UNCCD) cảnh báo thoái hóa đất sẽ khiến nền kinh tế thế giới thiệt hại 23.000 tỷ USD vào năm 2050 nếu như tình trạng sử dụng vẫn diễn tiến như hiện nay. Cũng theo tổ chức này, nếu ngay từ bây giờ, chúng ta áp dụng những biện pháp khẩn cấp để chặn đứng khuynh hướng đi xuống của đất trồng thì thiệt hại sẽ giảm còn khoảng 4.600 tỷ USD.

Tình trạng suy thoái đất ở Việt Nam cũng không nằm ngoài vùng ảnh hưởng của vòng xoáy công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Sự bùng nổ các hoạt động xây dựng, tốc độ đô thị hóa cao, việc chuyển đổi một diện tích lớn đất nông nghiệp và ao hồ thành đất xây dựng đô thị ảnh hưởng đến phát triển nông nghiệp, an ninh lương thực… cũng như làm giảm một phần không nhỏ diện tích đất nông nghiệp, gây suy thoái đất…

Đến hôm nay, các vùng đất khô cằn trên thế giới cứ ngày một lan rộng, mặc sức “chống đỡ” của con người. Ngay ở Việt Nam, những dự án khu đô thị, khu công nghiệp, sân golf… vẫn ngày một mở rộng, một phần không nhỏ đất nông nghiệp vẫn bị thu hồi.

Khi mà đất nông nghiệp bị chuyển đổi mục đích sử dụng, sẽ dẫn đến tình trạng kết cấu đất thay đổi trên diện rộng do bị ô nhiễm bởi chất thải từ các khu công nghiệp, thuốc diệt cỏ từ các sân golf, khiến có đất đấy, mà cây vẫn “ngừng hơi thở”.