Vụ di dân ra khỏi Kinh thành Huế trong năm 2019: Hơn 100 tỷ đồng xây dựng hạ tầng

Đất đai - Ngày đăng : 12:19, 30/07/2019

(TN&MT) - Dự kiến trong tháng 9 tới, tỉnh Thừa Thiên Huế sẽ sớm hoàn thành các khu tái định cư và thực hiện di dời 523 hộ dân đầu tiên trong số hơn 4.200 hộ “sống treo” tại các di tích trong Kinh thành Huế. 
Huế sắp có cuộc di dân mang tính lịch sử, bắt đầu từ cuối năm 2019
Huế sắp có cuộc di dân mang tính lịch sử, bắt đầu từ cuối năm 2019

Hiện nay, hơn 4.200 hộ dân trong khu vực I Kinh thành Huế phải sống những ngôi nhà chật hẹp, được che chắn tạm bợ. Mọi thứ ở đây chật chội, nhếch nhác và cực kỳ ô nhiễm. Hầu hết các hộ dân không được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, đất ở không hợp lệ... Chính vì thế, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã có phương án di dời theo từng giai đoạn.

Hơn 100 tỷ đồng xây dựng hạ tầng 

Ông Hoàng Thiện - Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng khu vực TP. Huế cho biết, UBND tỉnh đã phê duyệt đầu tư 2 khu dân cư ở phường Hương Sơ (TP. Huế), với tổng mức đầu tư trên 116 tỷ đồng liên quan đến Dự án di dời dân cư, giải phóng mặt bằng khu vực I hệ thống di tích Kinh thành Huế, giai đoạn 1.

Theo đó, Dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu dân cư Bắc Hương Sơ- khu vực I, có tổng mức đầu tư 51 tỷ đồng. Công trình có tổng diện tích xây dựng 4,98ha, được phân thành 216 lô, mỗi lô có diện tích từ 100 - 200m2. Đến nay, tiến độ dự án đã hoàn thành hơn 60% khối lượng công việc, dự án dự kiến hoàn thành vào cuối tháng 9/2019 để đáp ứng đúng tiến độ theo yêu cầu.

Các khu tái định cư cho người dân đang được triển khai trước lúc di dời
Các khu tái định cư cho người dân đang được triển khai trước lúc di dời


Dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu dân cư phía Bắc Hương Sơ- khu vực II, với diện tích xây dựng gần 5ha, được phân ra thành 275 lô, mỗi lô có diện tích từ 60 - 150m2, tổng mức đầu tư hơn 65 tỷ đồng. Dự án được khởi công vào ngày 25/6, dự kiến hoàn thành cuối tháng 11/2019.

Kiểm tra tiến độ dự án hạ tầng kỹ thuật khu tái định cư phía Bắc Hương Sơ vào giữa tháng 7 vừa qua, ông Phan Ngọc Thọ - Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế yêu cầu UBND TP. Huế, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng khu vực TP. Huế tổ chức giám sát chặt chẽ tiến độ đầu tư Khu tái định cư giai đoạn 1 và 2; có giải pháp tổ chức thi công phù hợp đảm bảo tiến độ đã đề ra. Tăng cường quản lý chất lượng xây dựng công trình hạ tầng kỹ thuật nhằm đảm bảo khu dân cư đồng bộ hạ tầng thiết yếu, chất lượng, mỹ quan và cảnh quan môi trường. UBND TP. Huế sớm công bố các thông số xây dựng về cốt nền, độ lùi và chiều cao công trình xây dựng để công khai; nghiên cứu và công bố các mẫu thiết kế xây dựng nhà ở phù hợp để người dân lựa chọn; hỗ trợ người dân thực hiện thủ tục xin cấp phép xây dựng...

“Việc di dời dân cư khu vực di tích Kinh thành Huế được coi là cuộc di dân mang tính lịch sử, vì vậy công tác đưa người dân về nơi ở mới phải thực hiện một cách nghiêm túc, đảm bảo mọi điều kiện tốt nhất cho người dân. Trong đợt một giải phóng mặt bằng, di dời dân cư khu vực di tích Kinh thành Huế phải làm thật tốt, tạo được niềm tin trong nhân dân, tạo tiền đề tốt cho các đợt tiếp theo...”- ông Thọ nhấn mạnh.

Lãnh đạo Thừa Thiên Huế kiểm tra tiến độ thi công các khu tái định cư
Lãnh đạo Thừa Thiên Huế kiểm tra tiến độ thi công các khu tái định cư

 

Tạo mọi điều kiện tốt nhất cho dân

Theo UBND TP. Huế, đến nay tiến độ thực hiện giải phóng mặt bằng của dự án cơ bản đảm bảo theo các kế hoạch của tỉnh. Quá trình triển khai, Trung tâm Phát triển quỹ đất TP. Huế đã phối hợp với các phường Thuận Lộc, Thuận Hòa, Thuận Thành và Tây Lộc hoàn thành công tác kiểm kê, kê khai nguồn gốc sử dụng đất đối với các hộ có đất bị thu hồi và toàn bộ tài sản của các hộ bị ảnh hưởng. Hiện đã hoàn thành công tác áp giá bồi thường, hỗ trợ về tài sản cho các hộ. Trong thời gian qua, UBND các phường đã tích cực tiến hành xác nhận nguồn gốc, thời điểm sử dụng nhà, đất của các hộ dân để làm cơ sở thẩm định điều kiện bồi thường về đất. Trong đó, ưu tiên xác nhận hồ sơ sử dụng đất có nhà ở, đất ở trước khi xác nhận hồ sơ các hộ trồng cây trên đất di tích.

Cuộc sống tạm bợ, nhếch nhác và ô nhiễm của người dân khi xây nhà trái phép xung quanh các Hộ thành hào
Cuộc sống tạm bợ, nhếch nhác và ô nhiễm của người dân khi xây nhà trái phép xung quanh các Hộ thành hào


Đến giữa tháng 7, Trung tâm Phát triển quỹ đất TP. Huế đã nhận được 228/254 hồ sơ (đạt 89,8%), tổng hợp chuyển Phòng TN&MT thẩm định điều kiện bồi thường về đất 228 hồ sơ. Hiện nay, Phòng TN&MT đang tiến hành rà soát hồ sơ, phối hợp với UBND các phường làm việc liên quan đến nội dung xác nhận nguồn gốc, thời điểm sử dụng nhà đất để thực hiện thẩm định điều kiện bồi thường về đất theo quy định...

Năm 2019 này, tỉnh Thừa Thiên Huế sẽ tập trung giải tỏa khu vực Thượng Thành với 523 hộ, trong đó có 265 hộ chính và 258 hộ phụ và số hộ có đất nông nghiệp là 270 hộ. Tại hội nghị gặp gỡ 523 hộ dân thuộc diện giải tỏa trong tháng 3 vừa rồi, tất cả các hộ đều tán thành khung chính sách bồi thường, hỗ trợ về đất, tài sản gắn liền với đất. Các hộ dân bày tỏ mong muốn chính quyền địa phương cần tạo điều kiện để người dân sau khi di dời sẽ có cuộc sống tại nơi ở mới tốt hơn nơi ở cũ.

Chủ tịch UBND TP. Huế Nguyễn Văn Thành khẳng định, trong quá trình giải quyết hỗ trợ, bồi thường cho các hộ dân, chính quyền địa phương sẽ vận dụng tối đa khung chính sách cho bà con, đảm bảo nhanh, gọn, chính xác, công bằng.

“Các phường phải có bộ phận thường trực để giải quyết kịp thời những kiến nghị, vướng mắc của người dân, không để người dân đi lại nhiều lần, các thông tin phải được thông báo công khai tại UBND phường. Trung tâm phát triển quỹ đất TP. Huế phải bám sát, theo dõi thường xuyên các vấn đề phát sinh để kịp thời giải quyết; công tác kiểm kê tài sản, áp giá đền bù phải công khai minh bạch, tạo được sự đồng thuận cao từ người dân”- ông Thành nói.

Theo ông Phan Ngọc Thọ, việc di dời dân cư ra khỏi Quần thể di tích Cố đô Huế là mong muốn từ lâu của tỉnh cũng như người dân trực tiếp sinh sống ở đây. Tuy nhiên do gặp khó khăn về tài chính và các vấn đề liên quan khác nên trong một thời gian dài vẫn chưa thể thực hiện.

“Việc cân đối vốn để thực hiện đề án đang gặp nhiều khó khăn. Hiện Chính phủ mới chỉ hỗ trợ 100 tỷ đồng cho việc thực hiện đề án năm 2019 và tỉnh phải huy động các nguồn khác. Để dự án được triển khai đúng theo tiến độ, đòi hỏi các cấp chính quyền phải có quyết tâm cao, tập trung lắng nghe những vướng mắc, kiến nghị của bà con để kịp thời giải quyết, không để kiến nghị trở thành khiếu nại. Tỉnh sẽ hỗ trợ tối đa cho người dân nhưng phải đúng pháp luật, việc di dời tái định cư sẽ được thực hiện công khai, công bằng, minh bạch để người dân biết. Điều quan trọng là bà con phải phát huy tinh thần đoàn kết, không nghe tác động bên ngoài...”- ông Thọ nhấn mạnh.


Đề án di dời dân cư, giải phóng mặt bằng khu vực I di tích Kinh thành Huế được UBND tỉnh Thừa Thiên Huế phê duyệt với tổng mức đầu tư 4.097 tỷ đồng, trong đó giải phóng mặt bằng 2.735 tỷ đồng từ nguồn vốn Trung ương hỗ trợ, xây dựng khu tái định cư 1.362 tỷ đồng từ nguồn ngân sách địa phương và vốn vay Kho bạc Nhà nước.

Dự án gồm 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 từ năm 201 - 2021 hoàn thành di dời ở các khu vực tường hành, Eo Bầu, Hộ Thành Hào và tuyến phòng lộ với 2.938 hộ dân. Kinh phí giải phóng mặt bằng 1.880 tỷ đồng, kinh phí xây dựng các khu tái định cư 946 tỷ đồng. Giai đoạn 2 từ năm 2022 - 2025 dự kiến hoàn thành di dời ở các di tích hồ Tịnh Tâm, khu Lục Bộ, Đàn Xã Tắc, Khâm Thiên Giám, Trấn Bình Đài… với 1.263 hộ dân. Kinh phí giải phóng mặt bằng 855 tỷ đồng, kinh phí xây dựng các khu tái định cư 416 tỷ đồng.