Chính phủ họp trực tuyến với các địa phương: "Nóng" kiến nghị về đất đai và phát triển kinh tế biển
Đất đai - Ngày đăng : 14:30, 04/07/2019
“Vướng” trong tạo quỹ đất sạch
Phát biểu từ điểm cầu TP Hải Phòng, Chủ tịch UBND TP Hải Phòng - ông Nguyễn Văn Tùng cho biết, hiện nay TP Hải Phòng đang gặp vướng mắc lớn trong việc tạo quỹ đất sạch để thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất. Đấu giá quyền sử dụng đất được quy định và hướng dẫn chi tiết tại Luật Đất đai số 45/2013/QH13 ngày 29/11/2013. Đấu giá quyền sử dụng đất được áp dụng khi Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất, cho thuê đất để thực hiện các dự án hoặc khi thi hành án, thu hồi nợ có liên quan đến quyền sử dụng đất.
Theo ông Nguyễn Văn Tùng, khi đấu giá quyền sử dụng đất thì phải có mặt bằng sạch. Để có mặt bằng sạch nhằm triển khai công tác giải phóng mặt bằng thì phải thực hiện một dự án về đầu tư công mới có lý do để thanh toán, quyết toán vốn đầu tư giải phóng mặt bằng. Tuy nhiên, Luật Đầu tư công lại không có loại hình riêng cho doanh nghiệp giải phóng mặt bằng.
“Bởi vậy, TP Hải Phòng tương đối lúng túng trong công tác này. Đề nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng như Bộ Tài chính có những hướng dẫn về việc bố trí vốn, ngân sách thanh toán cho giải phóng mặt bằng để thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất”, Chủ tịch UBND TP Hải Phòng Nguyễn Văn Tùng kiến nghị.
Bên cạnh đó, Hải Phòng cũng như các tỉnh đang vướng mắc trong việc thanh toán quỹ đất cho nhà đầu tư thực hiện các dự án BT. Ngày 28/12/2018, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 160/NQ-CP 2018 về việc sử dụng tài sản công để thanh toán cho Nhà đầu tư dự án. Tiếp theo đó, Chính phủ đã cho phép các địa phương được thực hiện thanh toán quỹ đất cho nhà đầu tư BT đối với các dự án ký hợp đồng trước ngày 1/1/2018. Tuy nhiên, trên địa bàn TP Hải Phòng cũng như một số địa phương khác vẫn đang triển khai một số hợp đồng ký kết sau ngày 1/1/2018.
“Đối với các loại dự án này, không có cơ sở để thanh toán cho nhà đầu tư BT. Đặc biệt, theo hợp đồng BT khi mà thành phố chậm thanh toán quỹ đất cho nhà đầu tư BT thì thành phố phải chịu một phần lãi vay. Nếu thời gian kéo dài, phần thiệt hại mà TP Hải Phòng phải chịu tương đối lớn”, ông Nguyễn Văn Tùng nói.
Chính vì vậy, TP Hải Phòng đề nghị Chính phủ sớm ban hành Nghị quyết quy định về sử dụng tài sản công thanh toán cho nhà đầu tư BT đối với các dự án ký sau ngày 1/1/2018. Cùng với đó, Chính phủ giao các thành phố lớn được chủ động chuyển đổi trên 10ha đất lúa sang thực hiện các dự án phát triển công nghiệp; không khống chế diện tích đất lúa đối với các tỉnh, thành phố lớn có điều kiện phát triển công nghiệp để tập trung diện tích lớn cho phát triển công nghiệp.
Liên quan đến lĩnh vực đất đai, từ điểm cầu Ninh Bình, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình Đinh Văn Điến cũng kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ ngành tháo gỡ khó khăn ở nhiều địa phương về các quy định, thủ tục trong lĩnh vực đất đai, quy hoạch để tạo điều kiện cho địa phương kịp thời tranh thủ các nhà đầu tư.
Còn theo ông Phạm Đại Dương - Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên, hiện cơ chế chính sách, một số luật chưa thực rõ ràng để triển khai cụ thể ở các địa phương như Luật Đất đai, Luật Đầu tư, Luật Xây dựng; đặc biệt là Nghị định 01/2017/NĐ-CP giúp thực thi hiệu quả Luật Đất đai có thể tạo ra những kẽ hở. Do vậy, nếu chưa thực hiện được ngay việc điều chỉnh các văn bản pháp luật thì có thể có những hướng dẫn để các địa phương thực hiện theo đúng trình tự và đảm bảo không có những kẽ hở pháp luật.
Thúc đẩy kết nối vùng ven biển
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên Phạm Đại Dương, trong bối cảnh hiện nay 28 tỉnh ven biển có nhiều cơ hội để thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương gắn liền với phát triển kinh tế biển. Tuy nhiên, các địa phương này cũng đối diện với những thách thức như: các vấn đề biến đổi khí hậu, môi trường biển, an ninh...
Do vậy, để tận dụng các cơ hội phát triển và hạn chế các thách thức nhằm thực hiện những mục tiêu của Nghị quyết 36-NQ/TW năm 2018 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, tỉnh Phú Yên đề nghị Chính phủ có những chính sách thúc đẩy phát triển kinh tế biển.
“Trong đó, đặc biệt chú trọng hạ tầng giao thông kết nối vùng ven biển, kết nối Tây Nguyên với một số tỉnh Nam Trung Bộ như Bình Định, Phú Yên, Khánh Hỏa, để khu vực này thực sử trở thành cửa ngõ ra biển Đông của khu vực Tây Nguyên. Đồng thời, phát triển trung tâm nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật và công nghệ để khai thác nguồn lợi biển tại các khu vực này”, ông Phạm Đại Dương nhấn mạnh.