Thanh tra làm rõ sai phạm tại Khu bảo tồn biển Phú Quốc

Đất đai - Ngày đăng : 18:45, 08/07/2019

(TN&MT) - Chiều 8/7/2019, Thanh tra tỉnh Kiên Giang đã công bố quyết định thanh tra công tác quản lý sử dụng đất của Khu bảo tồn biển Phú Quốc.
Thanh tra làm rõ sai phạm tại Khu bảo tồn biển Phú Quốc
Tác động bất lợi của quá trình phát triển nóng đã ảnh hưởng đến Khu bảo tồn biển Phú Quốc

 

Theo Quyết định số 1427/QĐ-UBND ngày 28/6/2019 của UBND tỉnh Kiên Giang được công bố chiều 8/7, Đoàn Thanh tra có 9 thành viên, do ông Nguyễn Minh Trang, Trưởng phòng Thanh tra kinh tế - xã hội của Thanh tra tỉnh Kiên Giang làm Trưởng Đoàn.

 

Thời gian thanh tra là 45 ngày kể từ ngày công bố quyết định thanh tra. Thời kỳ thanh tra là từ năm 2010 đến năm 2019, có thể mở rộng trước và sau thời kỳ thanh tra. Nội dung thanh tra là việc chấp hành chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng đất, đất có mặt nước ven biển của được UBND tỉnh Kiên Giang giao cho Ban Quản lý khu bảo tồn biển Phú Quốc từ năm 2007, thuộc địa bàn các xã: Bãi Thơm, Hàm Ninh, Hòn Thơm.
 

Đây là cuộc thanh tra theo Kế hoạch thanh tra 2019 đã được Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Phạm Vũ Hồng phê duyệt, với tinh thần chung là Thanh tra tỉnh Kiên Giang sẽ chủ động phối hợp cùng Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Ban quản lý Khu kinh tế Phú Quốc, UBND huyện Phú Quốc để tiến hành thanh tra đúng tiến độ, bảo đảm khách quan, công tâm, không gây ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của các đơn vị, tổ chức có liên quan.

 

Qua thanh tra sẽ làm rõ hiện trạng quản lý, sử dụng đất, đất có mặt nước ven biển mà UBND tỉnh Kiên Giang đã giao cho Khu bảo tồn biển Phú Quốc quản lý là 26.863ha, cũng như chấn chỉnh thiếu sót, xử lý sai phạm nếu có. Đây là diện tích mặt nước biển, đất có mặt nước biển bao gồm khu vực bảo vệ rạn san hô và khu vực bảo vệ cỏ biển, với 3 vùng chức năng là: Vùng bảo vệ nghiêm ngặt, vùng phục hồi sinh thái và vùng phát triển.

2
Khu vực ấp Cây Sao, xã Hàm Ninh là điểm nóng vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường biển, lấp suối tự nhiên, phá rừng tự phát

 Vì nhiều lý do, như nhân lực dành cho bảo tồn biển còn mỏng, trang thiết bị chưa đầy đủ, trong đó có tác động bất lợi của quá trình phát triển nóng về du lịch biển nên một số khu vực của Khu bảo tồn biển Phú Quốc đã bị xâm hại như khu vực biển xã Hàm Ninh đã bị lấn chiếm trái phép để làm nhà hàng, quán nhậu vẫn chưa được xử lý đúng pháp luật. Nhiều công trình nuôi trồng thủy sản, làng du lịch từ phát không đúng quy hoạch vẫn chưa bị xử lý dọc bờ biển tại xã Bãi Thơm. Ngoài ra, hiện tượng đánh bắt thủy hải sản bằng phương tiện tận diệt như cào bay, lưới mắt nhỏ, cùng nguy cơ ô nhiễm nước thải chưa qua xử lý cũng đang làm suy giảm đa dạng sinh học của Khu bảo tồn biển Phú Quốc.

 

Hiện tượng lấn chiếm bờ biển, xâm hại Khu bảo tồn biển Phú Quốc trên địa bàn xã Hàm Ninh là vấn đề nhức nhối đã diễn ra hơn 10 năm qua, với 3 đời chủ tịch xã, 3 đời chủ tịch huyện Phú Quốc nhưng vẫn không được xử lý dứt điểm. Khi dư luận và báo chí lên tiếng thì UBND huyện Phú Quốc năm 2018 đã thành lập Đoàn liên ngành để kiểm tra và xác định các công trình lấn chiếm bờ biển tại làng chài Hàm Ninh nhưng kết quả xử lý vẫn chỉ dừng lại ở mức độ lập biên bản 12 trường hợp lấn chiếm, còn hàng loạt nhà hàng kiên cố, quán nhậu vẫn tiếp tục ngang nhiên hoạt động, vô tư xả nước thải, rác thải nhựa xuống biển.

 

Trong khi đó, đại diện các nhà bè đang hoạt động phía ngoài cầu tàu Hàm Ninh là ông Đoàn Công Viên, Giám đốc Cty TMDV Nam Long, đã nhiều lần kiến nghị cần có giải pháp quy hoạch lại hoạt động du lịch biển tại địa phương, để bảo đảm sự phát triển bền vững kinh tế biển, tạo sinh kế cho nhân dân. Hiện tại, Cty TMDV Nam Long đang hoàn thiện hồ sơ thực hiện dự án phát triển du lịch bền vững để khai thác tiềm năng của làng chài Hàm Ninh đúng quy hoạch được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 633/QĐ-TTg ngày 11/5/2010 về quy hoạch chung xây dựng đảo Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang đến năm 2030.

 

Liên quan đến mô hình hoạt động của Khu bảo tồn biển Phú Quốc, Quý I/2019, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy tỉnh Kiên Giang Đặng Tuyết Em đã ký kế hoạch sáp nhập Khu bảo tồn biển Phú Quốc, cùng Ban Quản lý rừng phòng hộ Phú Quốc vào Vườn Quốc gia Phú Quốc. Đây là bước đi nhằm cụ thể hóa Nghị quyết số 18 - NQ/TW “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả” và Nghị quyết số 19-NQ/TW “Về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập” của Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII ngày 25/10/2017 trên địa bàn tỉnh Kiên Giang. Đây cũng là mô hình quản lý nhà nước phù hợp với chủ trương phát triển bền vững đảo ngọc Phú Quốc tương tự mô hình quản lý 3 trong 1 đang được thực hiện tốt tại huyện Côn Đảo theo định hướng chiến lược biển, định hướng phát triển kinh tế, bảo đảm quốc phòng, an ninh trên biển nhằm bảo vệ vững chắc chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán và an ninh biển đảo, là chỗ dựa vững chắc cho ngư dân và các thành phần kinh tế sản xuất, khai thác tài nguyên biển.