Thanh Hóa: Cần quyết liệt hơn trong việc thu hồi các dự án chậm tiến độ - Bài I: “Điểm mặt” các dự án bị thu hồi đất

Đất đai - Ngày đăng : 10:55, 24/06/2019

(TN&MT) - Có thể khẳng định từ khi Luật Đất đai 2013 có hiệu lực, tình hình sử dụng đất của các dự án đạt hiệu quả cao hơn. Tuy nhiên, trong số đó vẫn còn nhiều dự án “chây ì” cố tình không đưa tài nguyên đất vào sử dụng, gây nên tình trạng lãng phí, không sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên đất. Trước tình hình đó, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Thanh Hoá đã tham mưu cho UBND tỉnh Thanh Hoá thu hồi đất 27 dự án chậm tiến độ, gia hạn 10 dự án chậm tiến độ đầu tư và hàng chục dự án đất chậm tiến độ khác có nguy cơ bị thu hồi.

Trước thực trạng nhiều dự án sau khi có đất nhưng không triển khai dự án, “chây ì” để đất không hàng chục năm. Sở Tài nguyên và Môi trường đã tham mưu cho UBND tỉnh Thanh Hóa ban hành quyết định thu hồi đất của 27 đơn vị, với tổng diện tích 89,04 ha gồm: Công ty TNHH Hưng Phong, Công ty CP Đầu tư và Thương mại Thăng Long, Công ty CP Sản xuất và Thương mại Phú Lộc, Công ty TNHH môi trường đô thị Việt Thắng, Công ty CP Vật liệu xây dựng và Xuất nhập khẩu Hồng Hà, Công ty TNHH MTV Môi trường và Công trình đô thị, Công ty CP Đầu tư xây dựng sản xuất thương mại dịch vụ Ánh Hồng, Công ty CP Khoáng sản Sông Đà Thanh Hóa, Công ty CP Đầu tư Phát triển nông nghiệp xanh Hà Trung, Công ty CP Thiện Xuân - Lam Sơn, Công ty TNHH Cao Đăng, Công ty VISACO, Công ty CP Sản xuất và Thương mại Cẩm Trướng, Công ty CP Tập đoàn Sóng Thần, Công ty CP Bitexco, Công ty TNHH một thành viên Ô tô Vinaxuki Thanh Hóa, Chi nhánh Công ty cổ phần Đầu tư thương mại Bắc Hà, Công ty CP Công nghệ dịch vụ thương mại ANA, Công ty TNHH Tiến Tiến, Công ty CP Môi trường 27/7, Công ty TNHH Tạo Phú, Công ty TNHH sản xuất vật liệu xây dựng cơ khí Thanh Xuân, Công ty CP Tập đoàn Phú Thái, Công ty CP Xây dựng Kiều Lê, Công ty CP Ferocrom Việt Nam, Công ty TNHH MTV Đầu tư phát triển Nguyễn Kim, Công ty CP Hancorp 2.

Khu đất Công ty TNHH một thành viên Ô tô Vinaxuki Thanh Hoá không đưa vào sử dụng đã bị UBND tỉnh ra QĐ thu hồi
Khu đất Công ty TNHH một thành viên Ô tô Vinaxuki Thanh Hoá không đưa vào sử dụng đã bị UBND tỉnh ra QĐ thu hồi

Bên cạnh việc thu hồi 27 dự án chậm tiến độ, Sở Tài nguyên và Môi trường đã đề nghị 10 đơn vị, sau khi xem xét quy định của pháp luật, tình hình thực tế và ý kiến các ngành, UBND tỉnh đã cho gia hạn thời gian thực hiện dự án, lập lại dự án hoặc tiếp tục đầu tư theo cam kết gồm: Ngân hàng Thương mại cổ phần Công thương Việt Nam - Chi nhánh Sầm Sơn, Công ty Gia Phát, Công ty TNHH Minh Quang, Công ty cổ phần Xi măng Thanh Sơn, Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển kinh tế rừng bền vững Toàn Cầu, Công ty Thương mại và Du lịch Thiên Long, Công ty cổ phần Mai Linh Đông Đô, Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp và môi trường Hoằng Hóa, Công ty cổ phần tư vấn đầu tư phát triển dự án Hà Nội, Công ty TNHH chế biến lâm sản và XNK Thành Công.

Theo báo cáo của Sở Tài nguyên và Môi trường thì nguyên nhân các dự án chậm tiến độ phải thu hồi đất là do: Quy trình chấp thuận chủ trương, địa điểm đầu tư đã được UBND tỉnh ban hành, sửa đổi thường xuyên, tuy nhiên đang còn bất cập trong khâu lựa chọn, thẩm định dự án. Nhiều dự án được giao đất, cho thuê đất nhưng chủ đầu tư không có năng lực tài chính để triển khai thực hiện dự án.

Khu đất tại Phường Quảng Thành, TP. Thanh Hóa của Công ty AMC mặc dù đã 5 năm vẫn chưa được đầu tư
Khu đất tại Phường Quảng Thành, TP. Thanh Hóa  của Công ty AMC mặc dù đã 5 năm vẫn chưa được đầu tư

Quy hoạch sử dụng đất đai, xây dựng tại nhiều địa điểm chưa phù hợp với tình hình phát triển kinh tế xã hội, nhiều chủ đầu tư xin dự án, được giao đất, thuê đất để đón đầu quy hoạch tổng thể nhưng khi quy hoạch tổng thể không thực hiện hoặc có thay đổi, điều chỉnh thì chủ đầu tư nếu tiếp tục thực hiện dự án sẽ bị thua lỗ và không còn phù hợp với thực tế. Nhiều vị trí quy hoạch không đảm bảo về không gian, tình hình đầu tư tại khu vực đó. Một số doanh nghiệp được Nhà nước giao đất, cho thuê đất nhưng không đầu tư, chờ thời cơ để chuyển nhượng, kiếm lời.

Nhiều dự án khó được triển khai trên thực tế do vướng mắc trong công tác nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất với hộ gia đình, cá nhân, đặc biệt là vướng mắc về chuyển nhượng quyền sử dụng đất ở.

Tình hình kinh tế trong nước có nhiều biến động, các doanh nghiệp gặp khó khăn về nguồn vốn đầu tư hoặc nếu đầu tư ngay sẽ khó phát huy hiệu quả, dẫn đến thua lỗ nhất là những dự án như khách sạn cao cấp, trung tâm thương mại, văn phòng cho thuê yêu cầu xây dựng cao tầng, vốn đầu tư lớn. Môi trường đầu tư, kinh doanh thường xuyên thay đổi. Nhiều trường hợp dự án vì nhiều nguyên nhân kéo dài, nếu tiếp tục thực hiện dự án theo mục đích được giao đất, cho thuê đất sẽ không còn phù hợp với tình hình thực tế, dẫn đến thua lỗ, lãng phí. Một số dự án vi phạm thế chấp tài sản, “tài sản hình thành trong tương lai” tại các tổ chức tín dụng, một số dự án làm thủ tục phá sản hoặc đang bán đấu giá tài sản gắn liền với đất để thi hành án... dẫn đến khó khăn trong công tác thu hồi đất.

Các trường hợp thu hồi đất theo quy định của Luật đất đai năm 2013 có một số điều kiện phải thực hiện trước khi thu hồi đất như như xử lý vi phạm hành chính; quyết định cưỡng chế nhưng không thực hiện đối với trường hợp sử dụng đất không đúng mục đích, không thực hiện nghĩa vụ với nhà nước; gia hạn thời gian đầu tư đối với trường hợp chậm tiến độ... do đó thời gian thu hồi đất còn kéo dài.

Cũng theo Sở Tài nguyên và Môi trường Thanh Hóa: Để công tác quản lý Đất đai đi vào nề nếp, sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên đất. Trong thời gian tới UBND tỉnh cần đề xuất Chính phủ sớm ban hành Nghị định thay thế Nghị định số 102/2014/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai đối với các đơn vị vi phạm, theo hướng tăng mức tiền xử phạt tương ứng với mức xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực môi trường theo Nghị định 155/2016/NĐ-CP và trong lĩnh vực tài nguyên nước và khoáng sản theo Nghị định 33/2017/NĐ-CP. 

Bài II: Cần quyết liệt hơn trong việc thu hồi dự án chậm tiến độ