Nam Định: Khu công nghiệp hơn 350 tỷ đồng để chăn thể trâu bò

Đất đai - Ngày đăng : 18:21, 14/06/2019

(TN&MT) – Để xây dựng Khu công nghiệp Mỹ Trung, chính quyền tỉnh Nam Định đã tiến hành thu hồi đất nông nghiệp của hàng trăm hộ dân xã Mỹ Trung. Thế nhưng 13 năm qua “chức năng” chính của khu công nghiệp này không phải để sản xuất công nghiệp mà là để chăn thả trâu, bò…
ảnh 1
Cả trăm ha “đất vàng” tại KCN Mỹ Trung hơn 10 năm qua chỉ để phục vụ chăn thả trâu, bò.

Khu công nghiệp (KCN) Mỹ Trung nằm sát QL10, thuộc địa bàn xã Mỹ Trung (huyện Mỹ Lộc, tỉnh Nam Định), có tổng diện tích trên 150 ha, trong đó có trên 103 ha là đất thương mại. Đây được coi là khu vực “đất vàng” mà chính quyền tỉnh Nam Định kì vọng sẽ hình thành một KCN hiện đại, năng động, thu hút được nhiều các dự án sản xuất công nghệ cao, tạo bứt phá về thu ngân sách cho địa phương. Tuy nhiên, trải qua 13 năm KCN này vẫn nằm trong tình trạng hoang hóa, phần lớn diện tích đất bị bỏ hoang, để cỏ mọc và trở thành nơi người dân tận dụng để chăn thả trâu, bò.

Ông Vũ Văn Hà ở TP. Nam Định than thở: “KCN này đã hình thành hơn một thập kỉ rồi, thế nhưng chỉ thấy chỉ có vài doanh nghiệp vào để hoạt động, còn lại thì chủ yếu diện tích đất vẫn bị bỏ hoang vô cùng lãng phí. Trước đây, khi chưa hình thành KCN, người dân địa phương vẫn canh tác 1 năm 2 vụ lúa có thêm thu nhập để lo cho cuộc sống. Đến bây giờ, chính quyền thu hồi đất cả chục năm không làm gì, bỏ hoang hoải, người dân thì không có đất sản xuất, không biết bấu víu vào đâu nên bỏ xứ đi làm ăn hết.”

Trước đó, thông tin với báo chí, ông Trần Minh Hoan, Trưởng ban Quản lý các KCN tỉnh Nam Định cho biết: Kể từ năm 2006, UBND tỉnh Nam Định có quyết định giao đất cho Công ty CP Công nghiệp tàu thuỷ Hoàng Anh (trước đây thuộc Tập đoàn Vinasin, nay thuộc Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy Việt Nam) triển khai dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh cơ sở hạ tầng KCN Mỹ Trung với tổng mức đầu tư ban đầu là 274,3 tỷ đồng, sau đó được điều chỉnh tăng lên thành 358,6 tỷ đồng.

ảnh 2
Chỉ có một số ít doanh nghiệp thứ cấp vào đầu tư trên mảnh “đất vàng” nằm sát QL 10.

Với kỳ vọng KCN Mỹ Trung sau khi hoàn thành và đưa vào hoạt động sẽ trở thành một KCN hiện đại, tập trung thu hút các dự án sản xuất bằng công nghệ cao, tạo sự bứt phá về thu ngân sách cho tỉnh nên khi đó chính quyền đã quyết định thu hồi đất nông nghiệp của hàng trăm hộ dân địa phương tại các vị trí đắc địa, cụ thể là sát QL 10, liền kề TP. Nam Định để giao cho Công ty CP Công nghiệp tàu thuỷ Hoàng Anh triển khai dự án.

Sau khi được bàn giao đất và hoàn tất các giấy tờ, thủ tục Công ty Hoàng Anh tiến hành san lấp mặt bằng, làm đường giao thông, xây dựng tường bao… Thế nhưng sau đó không lâu, khi tập đoàn Vinasin bị dính hàng loạt sai phạm, thua lỗ dẫn đến Công ty Hoàng Anh cũng gặp không ít khó khăn về nguồn vốn đầu tư. Hệ luỵ là dự án đầu tư, kinh doanh hạ tầng KCN Mỹ Trung cũng bị đình trệ theo.

Cũng theo ông Hoan, trên thực tế, từ năm 2010 Công ty Hoàng Anh đã dừng hẳn việc đầu tư, xây dựng khiến hạ tầng KCN Mỹ Trung nằm trong tình trạng hạ tầng dang dở. Đến đầu năm 2012, UBND tỉnh Nam Định có văn bản đồng ý cho công ty Hoàng Anh tìm đối tác để chuyển nhượng KCN Mỹ Trung.

Tuy nhiên cho đến nay, do hạ tầng đầu tư KCN Mỹ Trung vẫn đang dang dở nên chỉ có 13 nhà đầu tư thứ cấp vào thuê đất, xây dựng nhà máy trên diện tích 26 ha đất. Gần 100 ha đất còn lại, trước đây là đất nông nghiệp của người dân bị thu hồi thì hiện tại đang bị bỏ hoang, để cỏ mọc và trở thành nơi chăn thả trâu bò.

Ông Hoan cũng cho biết thêm, hiện tại công ty Hoàng Anh đang nợ các tổ chức tín dụng khoảng 20 triệu USD, trong đó phần lớn từ trái phiếu quốc tế do Chính phủ phát hành. Bên cạnh đó, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất KCN Mỹ Trung từ lâu đã được Công ty Hoàng Anh mang đi thế chấp để vay vốn.

Trước những hệ luỵ, lãng phí từ dự án KCN Mỹ Trung bị bỏ hoang, đến nay chính quyền tỉnh Nam Định cũng đã có nhiều động thái nhằm làm “sống dậy” KCN như tìm kiếm nhà đầu tư thay thế; đề nghị Chính phủ và các bộ ngành liên quan cho phép tỉnh thu hồi lại hơn 150 ha đất đã giao cho Công ty Hoàng Anh. Thế nhưng những nỗ lực đó cho đến nay vẫn chưa mang lại kết quả cụ thể.