Thái Nguyên: Nỗ lực quản lý đất đai theo quy hoạch được phê duyệt
Đất đai - Ngày đăng : 08:36, 22/05/2019
Trả lời phỏng vấn của phóng viên Báo TN&MT, ông Phan Thanh Hà, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Thái Nguyên cho biết: Thực hiện Luật Đất đai năm 2013, tỉnh Thái Nguyên đã ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật để quy định các nội dung theo quy định của Luật và các nghị định. Sau khi ban hành các văn bản đã phát huy được hiệu lực, hiệu quả đối với công tác quản lý đất đai và không phải điều chỉnh, bổ sung sau khi ban hành.
Về công tác quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, hiện nay Điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và kế hoạch sử dụng đất kỳ cuối (2016-2020) tỉnh Thái Nguyên đã được Chính phủ phê duyệt tại Nghị quyết số 51/NQ-CP ngày 10/5/2018; Điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và kế hoạch sử dụng đất kỳ cuối (2016-2020) các huyện, thành phố, thị xã trên địa bàn tỉnh đã được UBND tỉnh quyết định phê duyệt giúp cho công tác quản lý đất đai ngày càng chặt chẽ theo đúng quy hoạch, kế hoạch và làm cơ sở để thực hiện hiện việc giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất.
Tỉnh Thái Nguyên thực hiện tốt công tác giao đất, cho thuê đất và bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư. Công tác giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất đã được thực hiện theo đúng quy định quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được phê duyệt và các quy định của Luật Đất đai năm 2013, đáp ứng được yêu cầu tiến độ của các công trình, dự án, đặc biệt là các dự án trọng điểm của tỉnh như: Đường Hồ Chí Minh, Đường Bắc Sơn, Khu công nghiệp Yên Bình... Công tác bồi thường giải phóng mặt bằng đã đạt được những kết quả nhất định. Từ khi Luật Đất đai năm 2013 có hiệu lực, trên địa bàn đã có khoảng 70 nghìn hộ gia đình, cá nhân bị ảnh hưởng bởi công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, tuy nhiên việc thực hiện bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi nhà nước thu hồi đất được tiến hành công khai minh bạch, đúng quy định do đó không để xảy ra tình trạng khiếu kiện về việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi nhà nước thu hồi đất.
Công tác đăng ký đất đai, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai: Thực hiện Nghị quyết số 30/2012/QH13 ngày 21/6/2012 của Quốc hội, tỉnh Thái Nguyên đã nâng tỷ lệ cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất từ 74% năm 2012 lên 92,44% năm 2018 (trong đó: đất tổ chức đạt 88,08%; đất hộ gia đình, cá nhân đạt 93,98%). Công tác thanh tra, kiểm tra đất đai rất quan trọng, phát huy hiệu quả nguồn lực đất đai.
Thời gian qua, công tác thanh tra, kiểm tra về đất đai luôn được thực hiện theo đúng quy định. Qua các cuộc thanh tra, kiểm tra, về cơ bản những sai phạm được phát hiện đều được chấn chỉnh, uốn nắn kịp thời, xử lý theo quy định của pháp luật, giúp các đơn vị được thanh tra thấy rõ hạn chế, sai phạm trong công tác quản lý. Nhìn chung, các cơ quan, tổ chức, cá nhân được thanh tra đã có ý thức chấp hành chính sách, pháp luật của nhà nước và đã chấp hành nghiêm các kiến nghị của đoàn thanh tra, kết luận và quyết định xử lý.
Cũng theo ông Phan Thanh Hà, bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác quản lý nhà nước về đất đai gặp nhiều khó khăn, vướng mắc: Chính sách, pháp luật về đất đai và một số văn bản hướng dẫn thi hành thường xuyên bổ sung, sửa đổi, thay thế, chưa điều chỉnh được các quan hệ đất đai diễn ra trong thực tế; Luật Đất đai thiếu đồng bộ với Luật Đầu tư... là những yếu tố ảnh hưởng đến công tác quản lý nhà nước về đất đai trên địa bàn. Bản đồ địa chính đã đo vẽ thành lập từ nhiều năm trước đã có sự biến động rất lớn, hồ sơ pháp lý không đồng bộ, thiếu chính xác, hệ thống bản đồ công nghệ truyền thống thành lập trước năm 2000 gây khó khăn cho công tác tác quản lý đất đai trong giai đoạn mới. Công tác điều tra xác định giá đất do chưa có sàn giao dịch bất động sản nên việc kiểm soát giá chuyển nhượng quyền sử dụng đất ở thị trường tại một số nơi còn gặp khó khăn nhất định.
Việc tổ chức thực hiện quy hoạch sử dụng đất đã được phê duyệt chưa được các cấp, các ngành quan tâm đúng mức, chưa dự báo chính xác về nhu cầu sử dụng đất, các ngành, các địa phương, dẫn đến tình trạng phải điều chỉnh, bổ sung kế hoạch sử dụng đất hàng năm; Trong quá trình thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất còn phát sinh các công trình, dự án, cần phải báo cáo xin ý kiến các cấp, các ngành cho phép cập nhật, điều chỉnh trước khi thực hiện.
Công tác giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất cơ bản đáp ứng được yêu cầu cho phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, một số địa phương chưa kịp thời bố trí quỹ đất tái định cư trước khi thực hiện các dự án có thu hồi đất, nhiều khu tái định cư chưa được chủ đầu tư quan tâm đầu tư hạ tầng dẫn đến làm chậm tiến độ thực hiện dự án, ảnh hưởng tới việc di chuyển, ổn định đời sống của người dân; Một số người bị thu hồi đất trong đó có cả tổ chức cố tình không chấp hành quy định về bồi thường như không hợp tác kê khai, không nhận tiền bồi thường, nhận tiền bồi thường nhưng không bàn giao mặt bằng.
Bên cạnh đó, năng lực, trình độ chuyên môn của đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý đất đai nhất là cấp cơ sở còn hạn chế ảnh hưởng đến việc thực hiện nhiệm vụ của ngành. Ý thức chấp hành pháp luật về đất đai của một số tổ chức, cá nhân chưa cao, còn mang tính đối phó. Trách nhiệm trong quản lý Nhà nước về đất đai ở một số địa phương còn thấp.
Với tinh thần quyết liệt, chủ động, đến nay, công tác quản lý đất đai, quy hoạch trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên đã đi vào nền nếp, hiệu quả hơn. Đặc biệt là các hoạt động mua bán, trao đổi, tự ý chuyển mục đích sử dụng đất nông nghiệp, lâm nghiệp đã được ngăn chặn có hiệu quả.