Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất: Thiếu đồng bộ

Đất đai - Ngày đăng : 11:37, 28/03/2019

(TN&MT) - Công tác quy hoạch Kế hoạch sử dụng đất tạo hành lang pháp lý quan trọng trong việc thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất và cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ), đồng thời, khắc phục tình trạng giao, cho thuê đất tràn lan gây lãng phí.
T4
Công tác quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã tạo hành lang pháp lý quan trọng trong việc thu hồi đất. Ảnh : MH

Công tác quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất được từng bước, hoàn thiện bổ sung và được cụ thể hóa tại 17 Điều trong Luật Đất đai năm 2013. Các quy định về công tác này đã mang lại nhiều kết quả quan trọng như: Hoàn thành việc lập và điều chỉnh về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp quốc gia và các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Kết quả triển khai cho thấy, công tác tổ chức thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất ở nhiều địa phương còn bộc lộ những hạn chế, bất cập. Những tác động tiêu cực từ sự phát triển quá nóng của thị trường bất động sản (BĐS), hiện tượng đầu cơ đất, tăng giá đột biến... tạo nên áp lực trong công tác giải phóng mặt bằng, bố trí tái định cư, giải quyết đất ở cho người thật sự có nhu cầu, cũng như các vấn đề về môi trường, dân sinh.

Nhiều nơi lập quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn mới chưa đồng bộ với quy hoạch sử dụng đất; việc bố trí quỹ đất phát triển nhà ở thương mại, khu đô thị, khu dân cư chưa phù hợp nhu cầu thực tiễn. Bên cạnh đó, trong quá trình thực hiện các dự án khu dân cư, khu đô thị chưa quan tâm bố trí quỹ đất xây dựng nhà ở xã hội, tái định cư; suất đầu tư chưa đa dạng, diện tích lô đất chưa phù hợp với điều kiện của người dân, nhất là vùng nông thôn.

Ngoài ra, một số dự án bố trí chồng lấn quy hoạch, xác định sai loại đất, phải điều chỉnh, bổ sung quy hoạch. Việc quy hoạch, bố trí quỹ đất công cộng một số nơi chưa hợp lý. Một số quy hoạch sử dụng đất đã công bố nhiều năm, nhưng không triển khai hoặc chỉ triển khai một phần diện tích ít quan tâm điều chỉnh quy hoạch làm ảnh hưởng đến quyền lợi người dân vùng dự án, phát sinh đơn thư khiếu nại, kiến nghị.

Việc công khai quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất chưa sâu rộng, tính minh bạch trong thực hiện quy hoạch tại một số địa phương không cao; có dự án điều chỉnh quy hoạch chi tiết 1/500, chuyển đổi mục đích sử dụng đất công cộng, công viên cây canh, cách ly sang đất thương mại, đất ở nhưng không kịp thời điều chỉnh phương án giá đất, nghĩa vụ tài chính đối với phần diện tích gia tăng, gây thất thu ngân sách Nhà nước và làm phá vỡ không gian kiến trúc cảnh quan đô thị; một số dự án xây dựng cơ sở kinh doanh trên đất công cộng của dự án đã được phê duyệt…

Mặt khác, việc công khai quy hoạch theo quy định đã được thực hiện, nhưng người dân khi xem các bản đồ còn khó hiểu, chưa kể, mối quan hệ phối hợp giữa quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất với quy hoạch của các ngành, lĩnh vực khác; giữa quy hoạch sử dụng đất của các cấp hành chính với quy hoạch đất quốc phòng, an ninh vẫn còn nhiều bất cập và chưa đồng bộ, thống nhất. Trong khi, Quốc hội đã thông qua Luật Quy hoạch và Luật này sẽ có hiệu lực từ ngày 1/1/2019.

Đầu tháng 3/2019, tại buổi làm việc việc với Đoàn Giám sát tối cao của Quốc hội về “việc thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai đô thị từ khi Luật Đất đai năm 2013 có hiệu lực đến hết năm 2018”, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết, sau khi Luật Đất đai năm 2013 có hiệu lực thi hành, Bộ TN&MT đã kịp thời tham mưu cho Chính phủ ban hành 13 Nghị định; chủ trì và phối hợp với các Bộ, ngành ban hành 48 Thông tư, Thông tư liên tịch. Tuy vậy, một số nội dung trong các luật hiện hành còn chồng chéo, chưa thống nhất, gây khó khăn trong tổ chức thực hiện công tác quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai đô thị.

"Quốc hội đã giao nhiệm vụ cho các Bộ, ngành rà soát điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch ngành, lĩnh vực có sử dụng đất bảo đảm phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được phê duyệt theo quy định của pháp luật đất đai. Nhưng nhiệm vụ này chưa được triển khai thực hiện tốt, nên một số quy hoạch chưa thống nhất và chưa bảo đảm tính tuân thủ quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, gây khó khăn cho triển khai. Việc triển khai lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất còn chậm so với yêu cầu; kinh phí cho công tác này chưa được cấp đầy đủ, kịp thời…" - Bộ trưởng Trần Hồng Hà chia sẻ.

Ông Trần Ngọc Hùng - Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam cho biết, công tác quy hoạch đất đai còn nhiều bất cập thể hiện ở hàng loạt các dự án khu công nghiệp, khu chế xuất, không được lấp đầy, hàng loạt dự án đô thị cụm đô thị treo chậm triển khai trong thời gian rất dài mà ở địa phương nào cũng có. Hàng tỷ đô la, hàng chục vạn ha đất của các dự án treo, chậm triển khai, triển khai không đồng bộ. Nhiều dự án xây dựng đang dở dang, xây, bỏ đó không sử dụng.

Bên cạnh đó, các dự án quy hoạch không phù hợp thực tế, phải liên tục điều chỉnh, dẫn đến nhiều dự án phải chờ đợi, điều chỉnh, thu hồi. Đặc biệt, việc cấp phép cho các chủ đầu tư một cách ồ ạt chiều theo tâm lý đầu tư đám đông, trong đó, không loại trừ lợi ích nhóm trong đầu tư dự án sử dụng đất, có trường hợp đúng quy hoạch nhưng không đúng thời điểm, có thể phù hợp với quy định, kế hoạch sử dụng đất trong dài hạn nhưng trong ngắn hạn, cơ sở hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội chưa có, nhu cầu sử dụng còn thấp trong khi nguồn cung của dự án quá lớn dẫn đến sự đình trệ của hàng loạt dự án.

"Điển hình, hàng loạt dự án khu đô thị dọc Đại lộ Thăng Long khu đô thị phía Đông thành phố Hải Phòng, Khu đô thị Từ Sơn Bắc Ninh, Khu đô thị Đồng Nai, nhiều dự án ven biển của Đà Nẵng, Khánh Hòa, Bà Rịa - Vũng Tàu ....", ông Hùng nêu.

Được biết, trong Tờ trình của Chính phủ vừa gửi Quốc hội vào giữa tháng 3/2019 về việc đề nghị rút dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai ra khỏi Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019; Chính phủ cho biết, nội dung dự thảo còn một số vấn đề phức tạp, cần có thêm thời gian để nghiên cứu, chuẩn bị và đánh giá kỹ hơn, trong đó, có quy hoạch sử dụng đất và giao Bộ TN&MT tiếp tục nghiên cứu, phân tích, đánh giá toàn diện các quy định của Luật Đất đai hiện hành và định hướng sửa đổi Luật, trình Chính phủ sau năm 2020.

Vừa qua, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội đã cho ý kiến về Tờ trình của Chính phủ về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2020, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019.

Lý do được Chính phủ xin đưa việc xây dựng Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai ra khỏi chương trình năm 2019 bởi hiện nội dung còn một số vấn đề phức tạp, cần có thêm thời gian để nghiên cứu, chuẩn bị và đánh giá kỹ hơn, như các vấn đề: Đất cơ sở tôn giáo; người nước ngoài mua nhà ở gắn liền với đất ở; công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, giải quyết tranh chấp, khiếu nại, tố cáo có liên quan đến đất đai; quy hoạch sử dụng đất, thu hồi đất, kinh tế đất, tích tụ tập trung đất đai; căn hộ khách sạn, căn hộ văn phòng, nhà ở khách sạn.

Bên cạnh đó, ngày 6/9/2018, Bộ Chính trị đã ban hành Kết luận số 36-KL/TW về đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết Trung ương 6 Khóa XI, trong đó, Bộ Chính trị chưa đặt ra yêu cầu về sửa đổi, bổ sung ngay Luật Đất đai mà giao Ban Cán sự Đảng Chính phủ “chỉ đạo kịp thời việc sửa đổi, bổ sung các văn bản dưới Luật và tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật về đất đai”. Do đó, Chính phủ đã giao Bộ TN&MT tiếp tục nghiên cứu, phân tích, đánh giá toàn diện các quy định của Luật Đất đai hiện hành và định hướng sửa đổi luật, trình Chính phủ sau năm 2020.

Kết luận phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Khắc Định đề nghị, Chính phủ cân nhắc rút khỏi chương trình dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai. Cần làm rõ một số vấn đề và cố gắng thực hiện theo hướng xin lùi thời gian trình, không nên theo hướng rút khỏi chương trình. Như vậy mới thực hiện đúng theo kết luận của Bộ Chính trị.