Điện Biên: 19 hộ dân sinh sống trong đất di tích Mường Phăng
Đất đai - Ngày đăng : 17:06, 01/04/2019
Ông Mùa A Kềnh, Phó Chủ tịch UBND xã Mường Phăng, huyện Điện Biên, cho biết: Hiện nay, xã Mường Phăng, huyện Điện Biên có 19 hộ dân đang sinh sống trên đất di tích, nên chính quyền rất khó quản lý, bảo vệ đất đã được quy hoạch thành đất di tích lịch sử Chiến trường Điện Biên Phủ vì người dân họ đã sinh sống ở đó từ khi chưa quy hoạch thành đất di tích. Nếu huyện Điện Biên và tỉnh Điện Biên không sớm đưa 19 hộ dân ra khỏi vùng quy hoạch đất di tích thì chúng tôi cũng rất khó quản lý diện tích đất trong vùng quy hoạch di tích vì nhu cầu tách hộ, nhu cầu đất canh tác của người dân.
Hiện nay, Mường Phăng hiện có tất cả 6 điểm di tích nằm trong quẩn thể di tích Chiến trường Điện Biên Phủ (năm 1954) như: Khu Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ; Công viên bãi Chiến thắng; đài quan sát (trên đỉnh Pu Huốt); Ủy ban Kháng chiến địa phương; Khu vực Tổng cục hậu cần và Toàn soạn Báo Quân đội.
Theo ông Kềnh thì 19 hộ dân hiện đang sinh sống trong vùng quy hoạch khu di tích Chiến trường Điện Biên Phủ tại xã Mường Phăng, hiện nay, tỉnh Điện Biên chưa có tiền để giải tỏa các hộ dân đang sống trên đất quy hoạch khu di tích Mường Phăng.
Được biết, Di tích Chiến trường Điện Biên Phủ (gồm có 22 điểm di tích thành phần) được Bộ Văn hóa (nay là Bộ văn hóa, Thể thao và Du lịch) xếp hạng là Di tích cấp quốc gia từ ngày 28/6/196. Năm 2009, Di tích Chiến trường Điện Biên Phủ được Thủ tướng Chính phủ xếp hạng Di tích cấp Quốc gia đặc biệt.
Ngày 23/12/ 2015, Thủ tướng Chính Phủ Quyết định bổ sung thêm 23 điểm di tích vào danh sách các di tích thành phần của di tích Chiến trường Điện Biên Phủ. Như vậy đến thời điểm này toàn bộ Di tích Chiến trường Điện Biên Phủ có 45 điểm di tích thành phần. Trong đó, khu vực bảo vệ I có 30/45 điểm di tích; khu vực bảo vệ II có 28/45 di tích được cắm mốc trên thực địa. Số còn lại 17 điểm di tích chưa được cắm mốc bảo vệ; 23/45 điểm di tích có đầy đủ hồ sơ khoa học. Hiện còn 22 điểm di tích thuộc di tích đã được xếp hạng đặc cách năm 1962 (do nhiều nguyên nhân chưa có đủ hồ sơ khoa học mà mới có lý lịch di tích).
Ông Đoàn Văn Chì, Phó Giám đốc, Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch, tỉnh Điện Biên, cho biết: Chiến trường Điện Biên Phủ rất nổi tiếng, được thế giới biết đến và quan tâm, song do quy mô tổng thể Di tích Chiến trường xưa bị thu hẹp, phân tán, chia cắt. Cùng với đó, ý thức về trách nhiệm bảo vệ di tích của một bộ phận người dân địa phương nơi có các điểm di tích chưa cao. Hiện tại, trên địa bàn TP. Điện Biên Phủ, nhiều điểm di tích có các hộ dân đang sinh sống trong vùng bảo vệ của di tích. Đất di tích vẫn bị người dân tiếp tục lấn chiếm, san lấp... nên rất khó khăn cho công tác công tác khoanh vùng, cắm mốc, giải tỏa và xác lập quyền sử dụng đất sau này.
Cũng chính vì trước đây các hộ dân (là người Thái bản địa) sinh sống lập thành bản làng trước khi hình thành khu di tích. Nên việc xác định nguồn gốc đất, phân loại đối tượng sử dụng đất, quy hoạch đất ở của đồng bào thành đất di tích là việc làm gặp nhiều khó khăn trong công tác giải tỏa và bảo vệ quản lý quy hoạch đất di tích; mặc dù một số hộ dân chưa được cấp "sổ đỏ", song rõ ràng về mặt thời gian và lịch sử họ đã sinh sống từ khi chưa có di tích lịch sử Chiến trường Điện Biên Phủ.