Bắc Kạn: Phát huy nguồn lực đất đai, thu hút doanh nghiệp đầu tư phát triển nông nghiệp
Đất đai - Ngày đăng : 23:35, 01/04/2019
Những khó khăn
Nguồn gốc đất đai của Bắc Kạn phần lớn là công nhận quyền sử dụng đất (đất ông, cha để lại). Số thửa đất nông nghiệp bình quân/hộ gia đình nông thôn khá lớn, nhưng không tập trung mà rải rác ở nhiều nơi, thậm chí xâm canh sang cả xã lân cận; một số người dân có đất nhưng không sản xuất hoặc hiệu quả sản xuất thấp, song vẫn có tư tưởng giữ ruộng, giữ đất vì có nhận thức coi đất là tài sản bảo đảm từ đời trước đến đời sau.
Chi phí cho việc dồn điền đổi thửa rất lớn trong khi ngân sách tỉnh Bắc Kạn lại hạn hẹp; trình độ nhận thức của người dân sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh còn mang tính canh tác truyền thống, cá thể; một số ít khu vực có cánh đồng tương đối lớn nhưng độ chênh cao, không đạt yêu cầu của việc dồn điền đổi thửa.
Một bộ phận nông dân là những hộ dân kinh doanh vật tư nông nghiệp, làm dịch vụ nông nghiệp (có máy cày, máy tuốt lúa…) không đồng tình ủng hộ do tích tụ đất đai để cho doanh nghiệp thuê họ sẽ bị ảnh hưởng lớn (do các doanh nghiệp sẽ đảm bảo thực hiện khép kín từ khâu làm đất, cung ứng đầy đủ các dịch vụ phục vụ cho sản xuất và cung ứng vật tư phân bón). Khi triển khai chương trình tích tụ đất đai, đa số các hộ dân đều không tin vào chính quyền cấp xã và họ sợ mất quyền sử dụng đất. Một số doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp tại địa phương còn hạn chế về năng lực tài chính, kỹ thuật. Phương pháp xác định đơn giá thuê đất chưa sát với giá thực tế trên thị trường nên khó thực hiện và tạo đước sự đồng thuận của người dân.
Hiện nay, chưa có văn bản quy định, hướng dẫn cụ thể về việc thực hiện tập trung, tích tụ đất đai để phát triển sản xuất nông nghiệp, gây khó khăn cho các địa phương khi thực hiện. Luật Đất đai không quy định việc nhà nước thuê quyền sử dụng đất của người dân (khi tích tụ đất đai) để cho doanh nghiệp thuê lại; chưa có mô hình, chưa có tiền lệ về việc tích tụ đất đai.
Trong những năm qua tỉnh Bắc Kạn đã xây dựng, ban hành nhiều chính sách nhằm phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh, trong đó có Quyết định số 1131/QĐ-UBND phê duyệt Đề án về chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã thuê đất thực hiện các dự án phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp, trồng cây dược liệu trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai, thực hiện tại địa phương đã phát sinh những bất cập, chưa phù hợp với tình hình thực tế hiện nay tại địa phương.
Mặt khác, một bộ phận nông dân chưa đồng tình ủng hộ do tích tụ, tập trung đất đai, đa số các hộ dân đều không tin vào chính quyền cấp xã và họ sợ mất quyền sử dụng đất. Một số doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp tại địa phương còn hạn chế về năng lực tài chính, kỹ thuật.
Tạo mọi điều kiện thuận lợi để tích tụ đất đai
Tỉnh Bắc Kạn chủ trương tích tụ ruộng đất để thu hút doanh nghiệp đầu tư phát triển nông nghiệp, nâng cao đời sống nông dân, xây dựng nông thôn mới. Để thực hiện được chủ trương này, tỉnh sẽ xây dựng cơ chế thúc đẩy tập trung đất đai, tạo quỹ đất để thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn cho phù hợp với các văn bản quy định hiện hành và phù hợp với điều kiện phát triển sản xuất thực tế của địa phương. Đồng thời, khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn để tạo điều kiện các sản phẩm nông nghiệp chủ lực, đặc thù của tỉnh được kết nối theo chuỗi giá trị phát triển ổn định, bền vững hiệu quả.
Tỉnh đang xây dựng cơ chế thúc đẩy tập trung đất đai, tạo quỹ đất để thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn nhằm để thu hút các doanh nghiệp, hợp tác xã đầu tư ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ, công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, trồng công dược liệu theo chuỗi giá trị sản phẩm; là hạt nhân để khuyến khích các hộ nông dân tham gia sản xuất, nhân rộng các mô hình Hợp tác xã kiểu mới, liên kết hộ gia đình hình thành các vùng sản xuất hàng hoá tập trung, nâng cao hiệu quả sản xuất hàng hoá gắn với xây dựng nông thôn mới, để tạo điều kiện các sản phẩm nông nghiệp chủ lực, đặc thù của tỉnh được kết nối theo chuỗi giá trị phát triển ổn định, bền vững hiệu quả.
Thực hiện chủ trương tích tụ, tập trung đất nông nghiệp, UBND tỉnh đã giao Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan và một số địa phương tổ chức đoàn công tác đi nghiên cứu, học tập kinh nghiệm tại tỉnh Hà Nam về đồn điền, đồi thửa, tích tụ đất đai phục vụ cho phát triển nông nghiệp và kinh tế nông thôn; đồng thời chỉ đạo UBND các huyện, thành phố thực hiện rà soát toàn bộ quỹ đất sản xuất nông nghiệp hiện có trên địa bàn các xã, phường, thị trấn do các hộ gia đình, cá nhân quản lý, sử dụng; đề xuất các khu vực phù hợp về cơ sở hạ tầng, điều kiện thời tiết, khí hậu, thổ nhưỡng, tưới tiêu… đề xuất hình thức thực hiện tích tụ đất đai, tạo quỹ đất thu hút doanh nghiệp đầu tư, phát triển sản xuất nông nghiệp, nên hiện nay chưa có số liệu đánh giá về tác động của quá trình tích tụ, tập trung đất nông nghiệp đến kinh tế, xã hội và môi trường.
Để thực hiện được kế hoạch này, tỉnh Bắc Kạn đang lấy ý kiến cơ quan chuyên môn tham gia vào Nghị quyết để trình Hội đồng Nhân dân tỉnh khóa IX, kỳ họp thứ 12 thông qua. Sau đó đẩy mạnh tuyên truyền, quán triệt sâu rộng về chủ trương tích tụ ruộng đất để phát triển sản xuất quy mô lớn, thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp, theo hướng nâng cao hiệu quả, khả năng cạnh tranh và phát triển bền vững. Phân tích rõ thời cơ, lợi thế và những thách thức trong sản xuất nông nghiệp hiện nay, từ đó xác định việc tích tụ, tập trung ruộng đất là khâu đột phá trong sản xuất nông nghiệp cả trước mắt và lâu dài.
Cơ quan chức năng tiến hành rà soát, điều chỉnh các quy hoạch trên cơ sở quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch sử dụng đất cấp tỉnh, rà soát quy hoạch của từng huyện để điều chỉnh bổ sung quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, gắn với việc chỉ đạo thực hiện quy hoạch phát triển sản xuất nông nghiệp, quy hoạch ngành, sản phẩm đã được phê duyệt; xác định rõ các sản phẩm chủ lực và sản phẩm có lợi thế của địa phương.
Huy động nguồn lực tập trung đầu tư hạ tầng cho nông nghiệp những công trình dự án lớn để tạo điều kiện cho các tổ chức, hợp tác xã, hộ gia đình, cá nhân xây dựng phương án sản xuất quy mô lớn. Huy động các nguồn lực đầu tư có trọng điểm vào các vùng chuyên canh nông nghiệp như vùng trồng cam, quýt, hồng không hạt; đầu tư cơ sở hạ tầng phát triển các vùng trọng điểm nông nghiệp. Xây dựng các tổ hợp liên kết nông nghiệp, công nghiệp chế biến nông sản; các cơ sở cung cấp dịch vụ nghiên cứu, đào tạo, tư vấn phát triển sản phẩm nông nghiệp; tuyên truyền vận động nông dân học tập, vận dụng sáng tạo các mô hình có hiệu quả để sản xuất tập trung quy mô lớn.
Tỉnh có cơ chế thu hút doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, tăng cường liên kết doanh nghiệp và nông dân; chỉ đạo các sở, ban, ngành và địa phương hướng dẫn các doanh nghiệp đang hoạt động sản xuất tập trung tích tụ ruộng đất, sản xuất hàng hoá quy mô lớn; tập trung đầu tư phát triển Khoa học công nghệ để phát triển các sản phẩm nông nghiệp có lợi thế của tỉnh và theo nhu cầu thị trường. Tỉnh Bắc Kạn tạo điều kiện thuận lợi nhất để các tổ chức, cá nhân tham gia tích tụ đất sản xuất nông nghiệp để phát triển sản xuất nông nghiệp trong lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thuỷ sản, tăng thu nhập, nâng cao đời sống nông dân.