Sóc Trăng: Tăng cường kiểm tra, xử lý hành vi khai thác đất trái phép

Đất đai - Ngày đăng : 15:54, 27/02/2019

(TN&MT) - Hiện đã bước vào cao điểm mùa khô năm 2019, nên hoạt động khai thác đất mặt, đất bờ kênh trái phép lại xuất hiện ở một số địa phương trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng. Để kiểm soát chặt chẽ tình trạng này, ngành TN&MT Sóc Trăng đã phối hợp với các cơ quan liên quan tăng cường công tác kiểm tra, xử lý theo quy định.
dat1
Tình trạng khai thác đất mặt của đất trồng lúa diễn ra ở một số địa phương của Sóc Trăng

Mới đây, Thanh tra Sở TN&MT Sóc Trăng và Phòng Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường đã tiến hành kiểm tra tình hình khai thác đất mặt, đất bờ kênh trên địa bàn huyện Thạnh Trị và phát hiện một trường hợp khai thác đất bờ kênh trái phép tại ấp Trà Do, xã Lâm Kiết. Theo người dân nơi đây, do đoạn bờ kênh Mương Lộ quá cao gây khó khăn trong việc đưa máy cắt lúa vào hoạt động nên họ đồng ý cho xe vào lấy đi phần đất bờ kênh với chiều dài khoảng 700m.

Thông tin từ Sở TN&MT Sóc Trăng cho biết, hiện nay, Sở TN&MT đang hoàn tất các thủ tục để xử lý đối với trường hợp tự ý lấy đất bờ kênh Mương Lộ ở xã Lâm Kiết; đồng thời, cũng đã làm việc, nhắc nhỡ một số cá nhân, tổ chức có hành vi cải tạo lớp đất mặt ruộng lúa, khai thác đất bờ kênh chưa đúng với các quy định của pháp luật. 

Trong những gần đây, tình trạng khai thác lớp đất mặt trên diện tích đất trồng lúa phục vụ nhu cầu san lấp mặt bằng diễn ra ở nhiều huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng. Do nhu cầu sử dụng đất để làm vật liệu xây dựng thông thường, đặc biệt là để san lấp mặt bằng ngày càng tăng. Trong khi đó, tỉnh Sóc Trăng đã nghiêm cấm khai thác lớp đất mặt của đất trồng lúa, nên trong thời gian gần đây, một số cá nhân, tổ chức đã chuyển qua khai thác đất bờ kênh, bờ đê trái phép.

Theo các ngành chức năng tỉnh Sóc Trăng, việc khai thác lớp đất mặt của đất trồng lúa và đất bờ kênh, bờ đê trái phép không những gây thất thoát tài nguyên khoáng sản, tác động xấu đến môi trường sinh thái mà còn để lại nhiều nguy cơ tiềm ẩn đối với sản xuất nông nghiệp. Khi lớp đất mặt trồng lúa là lớp đất chứa nhiều chất dinh dưỡng nhất đã bị lấy đi, năng suất lúa giảm, sâu bệnh nhiều hơn, chi phí sản xuất tăng.

Ngoài ra, lấy đất mặt ruộng một cách tùy tiện không những không cải tạo được đất, gây khó khăn trong sản xuất mà còn ảnh hưởng xấu đến việc canh tác của diện tích xung quan. Vì vậy, mặt ruộng biến dạng, gây khó khăn cho việc điều tiết nước trên cùng một cánh đồng. Còn đối với việc khai thác đất bờ kênh, bờ đê nếu không được kiểm soát, quản lý chặt chẽ sẽ ảnh hưởng đến hệ thống các công trình thủy lợi, gây ra tình trạng sạt lở làm ảnh hưởng đến đời sống và sản xuất của người dân.

dat2
Tình trạng khai thác đất bờ kênh, rạch cũng diễn ra ở một số địa phương của Sóc Trăng

Ông Trần Ngọc Ẩn, Giám đốc Sở TN&MT Sóc Trăng cho biết, để chấn chỉnh tình trạng này, Sở TN&MT đã phối hợp với các Sở, ngành và địa phương tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định xử lý hành vi phạm trong khai thác đất trái phép và những hệ lụy khi lấy tầng đất mặt của đất trồng lúa trên địa bàn tỉnh.

Đồng thời, tổ chức các đợt thanh, kiểm tra đột xuất và theo kế hoạch, kịp thời phát hiện, xử lý các trường hợp vi phạm theo quy định của pháp luật. Trong năm 2018, các cơ quan chức năng tỉnh Sóc Trăng đã phát hiện và xử lý 14 trường hợp khai thác đất trái phép. Trong đó, Thanh tra Sở TN&MT Sóc Trăng đã phát hiện 02 trường hợp.

“Bên cạnh đó, Sở NN&PTNT và các địa phương cũng cần tăng cường công tác quản lý, giám sát hệ thống đê điều, kịp thời phát hiện, phối hợp xử lý các cá nhân, tổ chức khai thác đất bờ kênh, rạch làm vật liệu xây dựng, san lấp mặt bằng khi chưa được cơ quan chức năng cho phép” - ông Trần Ngọc Ẩn kiến nghị.

Vừa qua, UBND tỉnh Sóc Trăng đã ban hành Chỉ thị số 04 về việc tăng cường quản lý đối với hoạt động khai thác đất làm vật liệu xây dựng thông thường trên địa bàn tỉnh. Theo đó, những cá nhân, tổ chức được phép cải tạo lại mặt đất trồng lúa trong phạm vi thửa đất của mình nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc tưới tiêu, nâng cao năng xuất cây trồng.

Tuy nhiên, trường hợp có nhu cầu cải tạo mặt đất trồng lúa và có nhu cầu chuyển đất ra ngoài phạm vi thửa đất để làm vật liệu xây dựng thông thường thì phải làm thủ tục xin phép theo quy định. Trong trường hợp tổ chức, cá nhân khi lập các dự án đầu tư xây dựng công trình nạo vét, cải tạo kênh mương thủy lợi, đào ao nuôi trồng thủy sản, trữ nước.

Và các dự án khác do cơ quan nhà nước phê duyệt, nếu có nhu cầu sử dụng đất làm vật liệu xây dựng thông thường thì cần thể hiện rõ nhu cầu khối lượng đất dôi dư đem ra ngoài phạm vi của dự án. Đồng thời, phải thực hiện đúng các quy định pháp luật về khoáng sản và các quy định khác của pháp luật có liên quan.