Sơn La: Giám sát thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai

Đất đai - Ngày đăng : 17:29, 16/02/2019

(TN&MT) - Ngày 16/2, Đoàn giám sát Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Sơn La đã có buổi làm việc với UBND tỉnh Sơn La về việc thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai tại đô thị từ khi Luật Đất đai 2013 có hiệu lực đến hết năm 2018.
Toàn cảnh cuộc họp
Toàn cảnh cuộc họp

Những kết quả đã đạt được

Báo cáo với Đoàn giám sát Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, ông Lò Minh Hùng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La cho biết: Từ khi Luật đất đai 2013 có hiệu lực đến hết năm 2018, tỉnh Sơn La không ban hành văn bản riêng về chính sách pháp luật quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai tại đô thị. Việc thực hiện công tác quản lý nhà nước về quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai tại đô thị căn cứ vào Luật, Nghị quyết của Quốc hội, các pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, văn bản của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành. UBND tỉnh đã ban hành văn bản theo thẩm quyền được phân cấp, áp dụng chung cho cả khu vực đô thị và nông thôn.

Về kết quả cụ thể, tới nay, tỉnh Sơn La đã được Chính phủ xét duyệt điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020, kế hoạch sử dụng đất kỳ cuối (2016 - 2020) tỉnh Sơn La tại Nghị quyết 64/NQ-CP ngày 17/5/2018. Tại cấp huyện, đã lập, phê duyệt kế hoạch sử dụng đất hàng năm theo quy định. Về quy hoạch đô thị, có 8/12 đồ án quy hoạch chung đô thị của 8 huyện, thành phố đã được phê duyệt, 4 đồ án đang rà soát, điều chỉnh.

Đồng thời, từ năm 2016 tới nay, toàn tỉnh đã ban hành 105 quyết định phê duyệt điều chỉnh cục bộ quy hoạch. Qua đó, đã giải quyết được 68 khu, điểm đánh giá là quy hoạch treo, có một số khu vực phức tạp, đơn thư tồn đọng kéo dài.

Về kết quả đo đạc địa chính, có 87/204 xã được đo đạc địa chính, với diện tích 200.261ha, đạt 14,2%. Trong đó, từ 1/7/2014 tới nay, dã đo đạc địa chính 19/204 xã, với diện tích 30.208ha. Bên cạnh đó, toàn tỉnh đã thực hiện giao đất có thu tiền sử dụng đất cho 1.971 trường hợp với diện tích 46,88ha, thu tiền hơn 1.476 tỷ đồng. Cho 490 trường hợp thuê đất, với diện tích trên 3.000ha.

Tiến hành thu hồi hơn 18.000ha đất của 229 tổ chức và gần 25.000 hộ gia đình. Đã thực hiện bồi thường, hỗ trợ bằng tiền 933.398 triệu đồng. Công tác cấp GCNQSDĐ, đã cấp 3.628 GCN cho các tổ chức. Với hộ gia đình, cá nhân, đã ký quyết định cấp GCN cho 45.781 hộ, đạt 95,44%.

Công tác thanh, kiểm tra, theo dõi, giám sát và xử lý vi phạm pháp luật đất đai, từ ngày 1/7/2014 - 31/12/2018, toàn tỉnh đã thực hiện 108 cuộc thanh, kiểm tra. Qua đó, có 31 dự án của 22 đơn vị tại khu vực đô thị có hành vi vi phạm trên tổng số 101 dự án. Các vi phạm chủ yếu gồm: Chưa đưa toàn bộ diện tích khu đất được thuê vào sử dụng để xây dựng theo dự án đầu tư đã được phê duyệt; chưa thực hiện đầy đủ nghĩa vụ tài chính về đất, chưa hoàn thiện các thủ tục pháp lý về đất đai, sử dụng đất không đúng mục đích…

Tỉnh Sơn La Đề nghị Bộ TN&MT sớm trình Quốc hội Luật sửa đổi, bổ sung Luật Đất đai và các văn bản hướng dẫn thi hành.
Tỉnh Sơn La đề nghị Bộ TN&MT sớm trình Quốc hội Luật sửa đổi, bổ sung Luật Đất đai và các văn bản hướng dẫn thi hành

Còn nhiều vướng mắc triển khai Luật Đất đai

Tại buổi làm việc, các đại biểu đã tập trung thảo luận về các những khó khăn, vướng mắc trong triển khai Luật Đất đai như: Quy trình lập kế hoạch sử dụng đất hàng năm; thiếu kinh phí đo đạc địa chính chính quy; xử lý vi phạm trong quản lý, sử dụng đất, trật tự xây dựng…

Theo nhận định của UBND tỉnh Sơn La, quá trình thực hiện quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai tại địa phương còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Trong đó, có vướng mắc do hệ thống văn bản còn bất cập giữa các Luật và văn bản hướng dẫn thi hành.

Đơn cử, chưa có quy định hoặc hướng dẫn lập hồ sơ cho trường hợp một số tổ chức có vi phạm được gia hạn sử dụng đất theo quy định tại điểm I khoản 1 Điều 64 Luật đất đai. Chưa quy định cụ thể đối tượng, hạn mức giao đất với các trường hợp giao đất không thông qua đấu giá trong trường hợp đấu giá 2 lần không thành, có 1 hồ sơ tham gia đấu giá theo quy định tại khoản 3 Điều 118 Luật Đất đai, dẫn đến quá trình áp dụng còn nhiều khó khăn, vướng mắc.

Chưa quy định việc giao đất, cho thuê đất không thông qua hình thức đấu giá đất trong các trường hợp được miễn, giảm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, giao đất tái định cư, các trường hợp chính sách người có công…

Về thẩm quyền quyết định giá đất cụ thể, theo quy định, UBND tỉnh quyết định giá đất cụ thể, song, quy định này chưa phù hợp với thực tế với các tỉnh miền núi có diện tích đất tự nhiên rộng. Vì trước khi trình UBND tỉnh quyết định giá đất, tổ chuyên viên giúp việc cho Hội đồng thẩm định giá đất cụ thể của tỉnh phải đi kiểm tra, thẩm định thực tế tại thực địa, mất rất nhiều thời gian, ảnh hưởng tiến độ thực hiện dự án ở cấp huyện….

Trong thời gian tới, tỉnh Sơn La kiến nghị Quốc hội xem xét, sửa đổi Luật Tổ chức chính quyền địa phương hoặc Luật đất đai, để thống nhất nội dung về HĐND cấp huyện thông qua quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp huyện. Đề nghị Chính phủ tiếp tục hỗ trợ kinh phí cho tỉnh Sơn La thực hiện dự án đo đạc, lập hồ sơ địa chính, cấp GCNQSDĐ, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất, xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai dự án tổng thể và các huyện biên giới.

Đề nghị Bộ TN&MT sớm trình Quốc hội Luật sửa đổi, bổ sung Luật Đất đai và các văn bản hướng dẫn thi hành. Sớm trình Chính phủ ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 102/2014/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai. Đề nghị Bộ Xây dựng ban hành văn bản hướng dẫn cụ thể một số nội dung liên quan đến triển khai quy hoạch xây dựng đô thị như công tác lấy ý kiến cộng đồng dân cư, chỉ tiêu đánh giá các khu vực quan trọng trong đô thị, các khu chức năng đặc thù trong đô thị.

Phát biểu kết luận buổi làm việc, ông Nguyễn Đắc Quỳnh, Trưởng đoàn Đại biểu quốc hội tỉnh Sơn La, Trưởng đoàn giám sát đã ghi nhận những kết quả mà tỉnh Sơn La đã thực hiện được trong công tác quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai đô thị thời gian qua.

Ông Nguyễn Đắc Quỳnh đề nghị UBND tỉnh làm rõ hơn một số nội dung, gồm: Tập trung đánh giá việc phổ biến giáo dục pháp luật về đất đai; việc cụ thể hóa và thực hiện cơ chế chính sách trong quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai, đặc biệt chính sách về đền bù, thu hồi đất; công tác thanh, kiểm tra, giám sát thực hiện chính sách pháp luật về đất đai; việc xử lý vi phạm sau thanh, kiểm tra, giám sát… Trong công tác quy hoạch đô thị, cần làm rõ quy trình quy hoạch như thế nào, chất lượng ra sao, khó khăn, vướng mắc ở đâu…

“Tôi đề nghị UBND tỉnh rà soát lại một lần nữa các văn bản liên quan đất đai, đặc biệt là quản lý quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai đô thị. Làm rõ khó khăn, vướng mắc; những cơ chế chính sách còn phù hợp quy định pháp luật và thực tiễn. Có giải pháp nâng cao hơn nữa chất lượng quy hoạch, từ lựa chọn nhà tư vấn, xác định mục tiêu, mục đích, phạm vi, đối tượng quy hoạch, để quy hoạch khả thi, chất lượng, hiệu quả, nâng cao hơn nữa giá trị khai thác, sử dụng đất” - ông Nguyễn Đắc Quỳnh nhấn mạnh.