Vụ di dân ra khỏi Kinh thành Huế: Sẽ tái định cư cho 523 hộ dân trong năm 2019
Đất đai - Ngày đăng : 16:50, 01/01/2019
Liên quan đến “Đề án di dời dân cư, giải phóng mặt bằng tại khu vực I di tích Kinh thành Huế” mà Báo Điện tử Tài nguyên & Môi trường đã và đang thông tin, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, vừa ban hành kế hoạch triển khai chương trình trọng điểm năm 2019.
Theo đó, phải hoàn thành di dời, giải phóng mặt bằng, tái định cư hơn 523 hộ dân thuộc khu vực Thượng thành trong năm 2019. Hoàn thành việc giải phóng mặt bằng diện tích 9,98 ha khu tái định cư trước ngày 30/3/2019. Đầu tư hạ tầng kỹ thuật khu tái định cư (khu vực 1 và khu vực 2): khởi công xây dựng trước ngày 01/4/2019; đầu tư hoàn thành khu tái định cư trước ngày 01/8/2019 để giao đất tái định cư cho các hộ xây dựng nhà ở. Hoàn thành thủ tục về đầu tư, xây dựng và đất đai đối với dự án đầu tư hạ tầng kỹ thuật khu dân cư giai đoạn 3 để kịp thời đầu tư trong tháng 9 năm 2019, chuẩn bị quỹ đất tái định cư phục vụ di dời dân cư giai đoạn 2020- 2021.
UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cho hay, để đạt mục tiêu trên, một số nhiệm vụ và giải pháp sẽ được tỉnh triển khai thực hiện như tăng cường công tác chỉ đạo, thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư, công tác thu hồi đất; phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị vào cuộc để thực hiện; huy động nguồn lực tài chính, tập trung nhân lực đảm bảo cho việc thực hiện đúng tiến độ.
Đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân bằng nhiều hình thức phù hợp để người dân chấp hành tốt chủ trương chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước về bồi thường, hỗ trợ và tái định cư nhằm tạo sự đồng thuận trong nhân dân. Tăng cường vai trò giám sát của cộng đồng, chính quyền địa phương; công khai, minh bạch phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư theo quy định...
Việc di dời sẽ nhằm đẩy nhanh công tác chỉnh trang đô thị di sản và ổn định cuộc sống, đảm bảo an sinh xã hội cho các hộ dân đang sinh sống tại khu vực Thượng thành, Eo bầu, hộ thành hào và tuyến phòng lộ thuộc di tích Kinh Thành Huế. Tăng cường, đẩy mạnh công tác bảo tồn, phát huy giá trị di tích Cố đô Huế, bảo tồn kho tài nguyên văn hoá vật thể đặc sắc tiêu biểu của văn hoá dân tộc Việt Nam, góp phần tạo ra các sản phẩm du lịch mới, hấp dẫn phục vụ du khách, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Cải tạo cảnh quan môi trường thiên nhiên vùng di tích, tôn tạo cảnh quan văn hóa, kiến trúc di sản đô thị Huế, góp phần thực hiện chủ trương giãn dân, giảm thiểu áp lực gia tăng mật độ tham gia giao thông và ùn tắc tại khu vực Kinh thành Huế…
Được biết, hiện đề án di dời đang được lấy ý kiến của các bộ ngành và sau đó sẽ được trình lên Thường vụ Quốc hội. Trong đề án này, tỉnh Thừa Thiên Huế đã xây dựng khung chính sách đặc biệt cho các hộ dân khó khăn. Hiện chính sách đặc biệt này đang trình Bộ TN&MT xem xét.
Trao đổi với PV về khung chính sách trình Bộ TN&MT, ông Nguyễn Anh Tuấn- Phó Giám đốc Trung tâm phát triển Quỹ đất TP. Huế cho biết, đơn vị sẽ đưa vào dự án việc xác định quy mô và số hộ, chứ không lập phương án dự trù hết kinh phí vì nhiều hộ sau 2021 mới di dời nên khi ấy giá đất sẽ thay đổi...
“Khung chính sách sẽ được áp dụng cho toàn bộ dự án khu vực kinh thành, nhưng về kinh phí thì hiện chỉ đưa vào giai đoạn 1, giai đoạn 2 đến khi nào làm sẽ bổ sung sau. Trung tâm đã và đang phối hợp với các phường xã làm biễu mẫu, tiến hành điều tra từng hộ để xây dựng khung chính sách một cách hoàn chỉnh nhất...”, ông Anh Tuấn thông tin.
Như đã phản ánh, hàng chục năm qua, hơn 4.000 hộ dân sống trong Kinh thành Huế phải sống những ngôi nhà chật hẹp, được che chắn tạm bợ chủ yếu bằng tôn, hệ thống đường sá không được nâng cấp. Mọi thứ ở đây trở nên chật chội, nhếch nhác và cực kỳ ô nhiễm.
Hầu hết các hộ dân sống trong khu vực I di tích không được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, đất ở không hợp lệ. Vì người dân dựng nhà trên tường thành nên lối vào duy nhất của xóm là những chiếc thang bắc vượt lên trên thành. Mùi hôi nồng nặc bốc lên từ nước sinh hoạt thải trực tiếp ra khu vực tường thành vì không có cống thoát nước. Hàng ngày, hàng nghìn người dân luôn sống thấp thỏm trong những căn nhà chờ sập. Đặc biệt là vào mùa mưa bão, những hộ dân này được chính quyền địa phương vận động di dời đến những nơi trú ngụ an toàn.
Chính vì thế, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã có phương án di dời dân cư khoảng hơn 4.200 hộ thuộc khu vực I di tích Kinh thành Huế.
Đề án di dời sẽ được thực hiện theo 2 giai đoạn, gồm giai đoạn 1 (từ 2019-2021) sẽ di dời khoảng 2.938 hộ dân ở các khu vực tường hành, Eo Bầu, Hộ Thành Hào và tuyến phòng lộ; giai đoạn 2 (từ 2022- 2025) sẽ di dời 1.263 hộ dân ở các di tích hồ Tịnh Tâm, khu Lục Bộ, Đàn Xã Tắc, Khâm Thiên Giám, Trấn Bình Đài… Kinh phí di dời, bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng là khoảng hơn 2.800 tỷ đồng từ ngân sách Trung ương. Ngoài ra, tỉnh Thừa Thiên Huế cũng sẽ bố trí kinh phí để đầu tư hạ tầng khu dân cư mới để chuẩn bị phục vụ tái định cư trước khi di dời dân cư, với diện tích khoảng 73ha tại phường Hương Sơ (TP. Huế); dự kiến khoảng hơn 1.360 tỷ đồng.
Tại buổi làm việc với tỉnh Thừa Thiên Huế vừa qua, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, việc bảo vệ di tích Kinh thành Huế là nhiệm vụ của các cấp, các ngành, trước hết là trách nhiệm của địa phương. Về kinh phí, Thủ tướng nhấn mạnh tinh thần xã hội hóa, huy động nhiều nguồn lực khác nhau. Bên cạnh đó, Bộ Tài chính chủ trì phối hợp với Thừa Thiên Huế và các bộ, ngành liên quan để tính toán cụ thể việc hỗ trợ kinh phí cho tỉnh. Về khung chính sách đối với vấn đề này, Thủ tướng nêu rõ chủ trương tạo thuận lợi cho Thừa Thiên Huế.
Báo Điện tử Tài nguyên &Môi trường sẽ tiếp tục thông tin.