Bắc Kạn: Chuyên gia địa chất cảnh báo hố sụt lún có thể vẫn tiếp tục xuất hiện

Đất đai - Ngày đăng : 16:04, 05/12/2018

(TN&MT) - Chỉ trong một thời gian ngắn (từ 26/11 đến 2/12/2018), tại thị trấn Bằng Lũng, huyện Chợ Đồn (Bắc Kạn) đã liên tiếp xuất hiện nhiều hố sụt lún có diện tích miệng hố từ 280m2 đến 320m2, gây thiệt hại về tài sản cho người dân. Phóng viên báo TN&MT đã có cuộc trao đổi cùng ông Nguyễn Quốc Khánh – người trực tiếp thực hiện nhiệm vụ “Nghiên cứu, đánh giá, giải quyết hiện tượng sụt lún đất tại huyện Chợ Đồn, tỉnh Bắc Kạn” (Viện Khoa học địa chất và khoáng sản Việt Nam.
Hố sụt lún xuất hiện tại Chợ Đồn, Bắc Kạn
Hố sụt lún xuất hiện tại Chợ Đồn, Bắc Kạn

PV: Thưa ông, vừa qua, tại thị trấn Bằng Lũng, huyện Chợ Đồn (Bắc Kạn) đã xuất hiện nhiều hố sụt lún liên tiếp trong nhiều ngày, ông có thể cho biết nguyên nhân?

Ông Nguyễn Quốc Khánh: Trong thời gian từ 26/11 đến 2/12/2018 tại khu vực cánh đồng Khuổi Ngoài, bản Tàn, thị trấn Bằng Lũng liên tiếp xảy ra 5 hố sụt đất; trong đó có hố sụt đất diễn ra vào khoảng 15h chiều ngày 26/11/2018 là có diện tích lớn nhất, khoảng 300 m2 đã cuốn xuống dưới một bụi tre có đường kính 6m, cao khoảng 12m.  Cho đến nay các hố sụt đều xuất trong tầng đất phủ kéo dài theo hướng tây bắc – đông nam, từ cánh đồng Nà Bưa, xã Ngọc Phái đến cánh đồng bản Lắc, xã Bằng Lãng dọc theo suối Khau Cun. Hiện tượng sụt lún trong vùng bắt đầu xảy ra từ năm 2008, xuất hiện nhiều từ 2016 đến nay, đặc biệt là trong mùa khô.

 Nguyên nhân xảy ra sụt lún trong vùng có thể kể đến các nguyên nhân sau: Thứ nhất là đặc điểm cấu trúc địa chất của đất đá trong khu vực: Cụ thể là, đất đá tại các vị trí xuất hiện sụt lún đều có thành phần chủ yếu là cát lẫn cuội sỏi, mức độ gắn kết kém có chiều dày lên đến 35m, phía trên mặt là lớp sét bột có chiều dày khá mỏng, chỉ khoảng 0,8 đến 1,0m. Phía dưới lớp đất phủ này, là đá vôi tuổi Devon, thuộc hệ tầng Khao Lộc có tồn tại các hệ thống hang động các-tơ ngầm bên dưới.

Qua thu thập và xử lý các tài liệu khoan khảo sát trong vùng, sơ bộ cho thấy các hang động các-tơ ngầm trong khu vực rất phát triển, với nhiều các hang động các-tơ nằm ở các độ sâu khác nhau, phân bố đến -70m dưới mặt đất và thường lấp nhét cát lẫn sạn sỏi và liên thông với nhau; có nhiều hang có chiều sâu bắt gặp khi khoan khảo sát cao tới 25m. Ngoài ra, trong khu vực còn tồn tại nhiều hệ thống đứt gãy, khe nứt khác nhau khiến đất đá bị dập vỡ, vò nhàu thuận lợi cho việc dẫn nước ngầm, phát triển hệ thống hang động các-tơ.

Nguyên nhân thứ 2 là do việc hạ thấp mực nước ngầm do các hoạt động sản xuất, sinh hoạt đã tạo thành các dòng chảy ngầm phía dưới do sự thay đổi gradien thủy lực. Nước mặt, nước từ tầng cuội sỏi phía trên thấm rỉ, chảy ngầm xuống các hang động các-tơ phía dưới cuốn theo các vật liệu dễ rửa trôi như cát, bột, bột sét. Quá trình này diễn ra từ từ và lâu dài, cường độ phát triển nhanh hay chậm phụ thuộc sự vận động của dòng chảy ngầm. Kết quả của quá trình này là tạo thành các hang rỗng nằm trong tầng phủ, khi chiều rộng của các hang này được mở rộng dần theo thời gian và chiều dày trần hang phía trên mỏng dần thì đất đá phía trên bị sập xuống hình thành các hố sụt như bạn thấy.

hố sâu
Người dân làm rào quanh một miệng hố sụt lún

PV: Để người dân kịp thời di chuyển đến nơi an toàn, ông có thể cho biết, trước khi xảy ra hiện tượng sụt lún thì sẽ có những hiện tượng báo trước như thế nào?

Ông Nguyễn Quốc Khánh: Trước khi xuất hiện hố sụt đất ở trên mặt đất, thì bên dưới đã tồn tại hố rỗng sâu trong lòng đất; vì thế nếu chỉ bằng mắt thường và không có thiết bị khảo sát thăm dò sâu nào thì rất khó phát hiện được. Rất nhiều trường hợp khi hố sụt đất xuất hiện mà trước đó không hề có bất kỳ dấu hiện nào. Tuy nhiên, cũng rất nhiều các hố sụt trước khi xuất hiện thì đầu tiên có thể nhận thấy nguồn nước trong giếng bị cạn dần, sau mất hẳn và trên mặt đất, tường nhà xuất hiện các khe nứt đất, độ mở của các khe nứt này được mở rộng theo thời gian. Vì vậy, khi xuất hiện các vết nứt đất, người dân cần liên hệ với chính quyền địa phương, cơ quan chuyên môn để khảo sát đánh giá nguy cơ xảy ra sụt lún; và ngay lập tức cần hạn chế và ngăn nước chảy vào các khe nứt này xuống dưới.

PV: Với hiện tượng hố sụt lún xuất hiện liên tiếp như vậy, theo ông, hiện tượng này còn tiếp tục xảy ra hay không, nếu xảy ra thì trước mắt, địa phương và người dân cần phải làm gì để tránh được rủi ro ở mức cao nhất?

Ông Nguyễn Quốc Khánh: Hiện nay đang là mùa khô nên nước mặt xuất lộ trong các nguồn nước, sông suối trong vùng sẽ cạn dần. Theo quy luật thì nước luôn chảy từ cao xuống thấp, thế nên nước trên mặt và nước tồn tại trong tầng cuội sỏi sẽ thẩm thấu chảy xuống các hệ thống hang động các-tơ ngầm bên dưới. Khi có sự mất cân bằng nước ở các khu vực khác nhau trong vùng, sẽ tạo thành các dòng chảy ngầm, cuốn các vật liệu phía trên và hình thành các hố sụt như tôi đã trình bày ở trên. Diễn tiến của quá trình này, phụ thuộc nhiều vào sự biến động của mực nước ngầm. Theo quan điểm cá nhân của tôi, trong thời gian tới sụt lún trên địa bàn sẽ tiếp tục xảy ra, đặc biệt tại các khu vực có đặc điểm địa chất yếu, đã từng xuất hiện nhiều hố sụt; nếu sự mất cân bằng nước không được can thiệp xử lý kịp thời.

Với chính quyền địa phương, trước mắt cần sớm tiến hành ngăn chặn các nguồn nước mặt chảy trực tiếp vào hố sụt và sớm tiến hành lấp lại hố sụt theo nguyên tắc thô trước mịn sau, tức là bên dưới cần sử dụng rọ đá, đá hộc sau đó là các vật liệu như cuội sỏi lẫn cát sạn, phía trên là đất sét, bột sét được lu lèn đầm chặt. Song song với đó cần thống kê và theo dõi sát sao các đơn vị, cá nhân hiện đang có các hoạt động sử dụng nguồn nước vào các mục đích khác nhau. Cần giám sát lưu lượng bơm hút nước, độ hạ thấp mực nước ngầm; và trong thời gian tới cần khẩn trương lắp đặt các giếng khoan quan trắc tại các khu vực bản Tàn, bản Lắc, bổ sung thêm tại khu vực cánh đồng Nà Bưa; để quan trắc sự biến động của mực nước ngầm. Việc lắp đặt này cần có sự tư vấn, giám sát của các cơ quan chuyên môn để đảm bảo đúng kỹ thuật, đạt hiệu quả mong đợi về giá trị khoa học và sử dụng lâu dài.

Với người dân tại các khu vực đã từng xuất hiện các hố sụt lún, hay có các vết nứt đất cần theo dõi những dấu hiện bất thường xuất hiện tại khu vực sinh sống của mình, như kích thước, chiều dài, độ mở các khe nứt đất, tường nhà; độ mở và dịch chuyển của vì kèo, các âm thanh bất thường có thể có dưới nền đất,... Khi có các dấu hiệu đó, cần thông báo ngay cho chính quyền địa phương và khẩn trương di dời đến các vị trí an toàn.

PV:Về lâu dài, đối với người dân sống ở những vùng có nguy cơ sụt lún cao thì cần phải có những biện pháp gì để phòng tránh, thưa ông?

Ông Nguyễn Quốc Khánh: Những khu vực có nguy cơ xảy ra sụt lún này cần được nghiên cứu, đánh giá và khoanh định để phân vùng cảnh báo phục vụ quy hoạch và phát triển. Trong những khu vực này, bất kỳ hoạt động xây dựng, sản xuất có quy mô đều phải được đánh giá, xem xét kỹ lưỡng về sự tác động của nó đến môi trường. Với người dân sinh sống tại các khu vực được đánh giá là có nguy cơ xảy ra sụt lún cao, bất kỳ hoạt động xây dựng nhà cửa có quy mô đều phải được khảo sát cẩn thận, việc thoát nước mặt và sinh hoạt cần kiểm soát, và được dẫn qua hệ thống ống dẫn đến hệ thống thoát nước chung. Khi khu vực sinh sống được đánh giá là có nguy cơ sụt lún cao hoặc khi nền nhà có nhiều dấu hiện bất thường nhanh và mạnh trong thời gian ngắn, cần khẩn trương di dời đến khu vực an toàn.

Hiện nay Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản đang thực hiện nhiệm vụ “Nghiên cứu, đánh giá, giải quyết hiện tượng sụt lún đất tại huyện Chợ Đồn, tỉnh Bắc Kạn” thuộc Đề án “Điều tra, đánh giá và phân vùng cảnh báo nguy cơ trượt lở đất đá các vùng miền núi Việt Nam”, dự kiến kết thúc vào cuối năm 2019. Kết quả thực hiện của đề án sẽ làm tỏ nguyên nhân gây ra sụt lún và khoanh định các khu vực có nguy cơ xảy ra sụt lún.

PV:Trân trọng cảm ơn ông!