Sơn La: Nhiều khó khăn trong bồi thường, giải phóng mặt bằng

Đất đai - Ngày đăng : 11:33, 08/11/2018

(TN&MT) - Những năm qua, công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) thực hiện các dự án trên địa bàn tỉnh Sơn La cơ bản triển khai thuận lợi, diện tích đất được thu hồi đáp ứng mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh của địa phương. Song, bên cạnh đó, quá trình thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư còn một số vướng mắc cần tiếp tục tháo gỡ.
Huyện Mộc Châu đối thoại với các hộ dân có đất thuộc diện GPMB Dự án khu nghiên cứu, ứng dụng chuyển giao công nghệ Nông, lâm nghiệp tại tiểu khu Chiềng Đi thị trấn Nông Trường Mộc Châu.
Huyện Mộc Châu đối thoại với các hộ dân có đất thuộc diện GPMB Dự án khu nghiên cứu, ứng dụng chuyển giao công nghệ Nông, lâm nghiệp tại tiểu khu Chiềng Đi thị trấn Nông Trường Mộc Châu.

Đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân

Kể từ khi Luật Đất đai 2013 có hiệu lực (ngày 1/7/2014) đến hết tháng 8/2018, trên địa bàn huyện Mộc Châu đã thực hiện 53 dự án, tổng diện tích đất đã được bồi thường, hỗ trợ là trên 1 triệu m2, chủ yếu là đất nông nghiệp. Tổng giá trị bồi thường, hỗ trợ GPMB đã thực hiện hơn 137 tỷ đồng. Việc xác định giá trị bồi thường và các khoản hỗ trợ được triển khai theo đúng quy định của Luật Đất đai và các văn bản hướng dẫn thi hành, cùng quy định của tỉnh Sơn La tại Quyết định số 15/2014/QĐ-UBND ngày 11/8/2014 về việc ban hành quy định một số nội dung về bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất trên địa bàn tỉnh Sơn La; Quyết định 03/2017/QĐ-UBND ngày 3/1/2017 về sửa đổi, bổ sung một số điều tại Quyết định số 15/QĐ-UBND; Quyết định 21/2018/QĐ-UBND ngày 16/7/2018 của UBND tỉnh Sơn La về sửa đổi, bổ sung một số điều quy định kèm theo Quyết định số 15/QĐ-UBND…

Ông Nguyễn Thế Hiệu, Trưởng phòng TN&MT huyện Mộc Châu cho biết: Nhờ tập trung cao cho công tác tuyên truyền vận động mà hơn 4 năm qua, từ ngày Luật Đất đai 2013 có hiệu lực, nhiều dự án được triển khai thực hiện với sự ủng hộ cao của nhân dân. Huyện đã bố trí tái định cư, giao đất ở mới cho 53 hộ gia đình. Việc đầu tư xây dựng tương đối hoàn chỉnh, đồng bộ kết cấu hạ tầng tại các khu tái định cư như nâng cấp đường giao thông, cung cấp điện, nước sạch phục vụ sinh hoạt, sản xuất… Từ đó, từng bước nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân tại nơi ở mới.

Còn tại huyện Quỳnh Nhai, từ tháng 7/2014 tới nay, toàn huyện có 16 dự án thực hiện thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, GPMB. Diện tích thu hồi hơn 236.000m2; tổng giá trị bồi thường hơn 7 tỷ đồng. Quá trình triển khai thực hiện đã bám sát các quy định của Luật và các hướng dẫn của các bộ, ngành, UBND tỉnh Sơn La. Công tác tuyên truyền về thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư được thực hiện thường xuyên qua các buổi đối thoại với công dân; các buổi họp giải quyết khó khăn vướng mắc về GPMB tại các bản có dự án. Nhờ đó, người dân bị ảnh hưởng sau khi tuyên truyền, đều chấp hành tốt các quy định của nhà nước, góp phần đẩy nhanh tiến độ dự án.

Dự án bố trí sắp xếp dân cư vùng thiên tai xã Mường Bang, huyện Phù Yên.
Dự án bố trí sắp xếp dân cư vùng thiên tai xã Mường Bang, huyện Phù Yên.

Thời gian qua, huyện Phù Yên đã triển khai 28 dự án, với hơn 106ha đất đã thu hồi; đã bồi thường, GPMB hơn 57ha. Tổng giá trị các khoản hỗ trợ hơn 54 tỷ đồng. Công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư trên địa bàn huyện được triển khai rộng rãi đến người dân bằng nhiều hình thức thiết thực, dễ nhớ, dễ hiểu, dễ thực hiện. Nhìn chung, quá trình thực hiện thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư trên địa bàn huyện Phù Yên đã được UBND huyện quan tâm chỉ đạo thực hiện theo đúng quy định của pháp luật về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi nhà nước thu hồi đất, đưa công tác này vào nề nếp, góp phần tạo quỹ đất sạch đáp ứng nhu cầu đầu tư.

Tiếp tục tháo gỡ vướng mắc

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư tại các địa phương của tỉnh Sơn La cũng gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Tại huyện Mộc Châu, do hầu hết các công trình trên địa bàn huyện là công trình theo tuyến nên lượng thửa đất phải thu hồi nhiều, việc đo đạc, lập thủ tục thu hồi đất tốn nhiều thời gian. Cộng thêm, chưa có quy định về trình tự, thủ tục bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi nhà nước thu hồi đất, trình tự về cưỡng chế kiểm đếm bắt buộc, cưỡng chế thu hồi đất, nên quá trình áp dụng còn lúng túng, thiếu đồng bộ, làm ảnh hưởng tới tiến độ thực hiện thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư.

Về chính sách hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp và tìm kiếm việc làm quy định còn thấp. Đối với cây trồng lâu năm như nhãn, hồng…. trồng trên đất trồng cây hàng năm, đất lúa mà không đăng ký, không có hồ sơ chuyển đổi cây trồng, chưa chuyển mục đích sử dụng đất thì có được bồi thường không?.. Trong đơn giá bồi thường quy định của tỉnh không có bồi thường tài sản là giàn lưới thép cọc tre, cọc gỗ hoặc cọc bê tông để trồng su su, bí xanh, đậu…; các hạng mục nhà, nhà bán mái không có đơn giá bồi thường cho tài sản là nhà mái lợp tôn, mái lợp ngói đỏ Hạ Long; tài sản xây dựng bằng gạch block…

Dự án bố trí sắp xếp dân cư vùng thiên tai xã Mường Bang, huyện Phù Yên.

Tương tự, huyện Phù Yên cũng gặp vướng mắc về việc phát sinh thực tiễn giá bồi thường một số loại tài sản trong quy định đơn giá chưa tính hết để đưa vào quy định về đơn giá bồi thường như cây thuốc nam, cây cọ… Nhân dân một số địa phương cũng chưa đồng tình với mức bồi thường, hỗ trợ hiện nay theo quy định của pháp luật, đặc biệt trong cùng dự án nhưng thực hiện trên 2 xã khác vùng nhau (xã lân cận, liền kề do quy định vùng) có sự chênh lệch giá đất.

Quá trình cấp đất ở các thời kỳ khác nhau, người sử dụng đất sử dụng không theo quy hoạch nên việc xác định nguồn gốc đất gặp nhiều khó khăn, dẫn đến quá trình thực hiện GPMB các dự án còn khó. Khi tiến hành đo đạc phục vụ thu hồi đất, chỉ thực hiện đo đạc khu vực dự án nên có nhiều sự sai khác về vị trí so với GCNQSDĐ của các hộ đã cấp qua các thời kỳ. Do đó, khi ban hành quyết định thu hồi đất khó chỉnh lý được biến động đất đai trên GCNQSDĐ và hồ sơ địa chính qua các thời kỳ, dễ xảy ra tranh chấp, khiếu nại về đất đai…

Việc xác định % mất đất nông nghiệp để tính hỗ trợ ổn định đời sống cũng gặp khó, do các hộ gia đình tự kê khai phần diện tích chưa được cấp giấy là rất khó khăn, vì một số dự án thực hiện tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số, người dân không xác định được và kê khai không đúng, dẫn đến áp giá tính toán sai. Bên cạnh đó, theo quy định, thu hồi đất từ 30% diện tích đất sản xuất nông nghiệp trở lên mới được hỗ trợ ổn định đời sống; như vậy, chưa được sự đồng tình của người dân có đất bị thu hồi.