Dồn điền đổi thửa còn nhiều hạn chế

Đất đai - Ngày đăng : 10:57, 30/10/2018

(TN&MT) - Vừa qua, UBND tỉnh Ninh Bình đã ban hành thông báo kết luận Hội nghị chuyên đề về công tác Dồn điền - Đổi thửa đất nông nghiệp và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nông nghiệp sau khi Dồn điền - Đổi thửa trên toàn địa bàn tỉnh.
(Ảnh minh họa)
Ảnh minh họa
 

Công tác Dồn điền - Đổi thửa đất nông nghiệp và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nông nghiệp sau khi Dồn điền - Đổi thửa là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước tạo động lực mới trong sản xuất nông nghiệp và được xem là bước đột phá trong quy hoạch nông thôn mới, tạo tiền đề cho một nền nông nghiệp hàng hóa có giá trị, đáp ứng yêu cầu cơ giới hóa, ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến vào sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm nông nghiệp, đẩy mạnh phát triển kinh tế, xã hội trong khu vực nông thôn và nâng cao thu nhập của nông dân, giảm nghèo bền vững.

Tại tỉnh Ninh Bình, nhiều hộ gia đình đã tự giác chủ động hoán đổi diện tích cho nhau, làm giảm số thửa trên hộ gia đình, cá nhân trung bình từ 4,5 đến 5 thửa xuống còn 2 thửa từ đó đã tạo ra những ô thửa lớn, tạo điều kiện cho các hộ gia đình cá nhân có cơ hội đầu tư thâm canh, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, xây dựng mô hình sản xuất lớn, tập trung, áp dụng cơ giới hóa và các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Ngoài ra, Công tác cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nông nghiệp sau dồn điền, đổi thửa được lãnh đạo tỉnh quan tâm chỉ đạo đồng bộ, kịp thời, tạo cơ sở pháp lý giúp người sử dụng đất yên tâm đầu tư, khai thác tiềm năng đất đai, thực hiện nghĩa vụ theo quy định của pháp luật.

Đến nay, toàn tỉnh đã có 97/111 xã thực hiện xong công tác dồn điền, đổi thửa và tổ chức chỉnh trang đồng ruộng, trong đó có 92 xã đã được UBND huyện, thành phố phê duyệt phương án dồn điền, đổi thửa, toàn tỉnh đã có 90/145 xã, phường, thị trấn được đo đạc, lập bản đồ địa chính dạng số và thực hiện việc cấp đổi Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nông nghiệp sau dồn điền, đổi thửa cho 2 xã Khánh Cường và Khánh An, huyện Yên Khánh, các đơn vị còn lại vẫn đang tiếp tục triển khai thực hiện.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được về công tác dồn diền, đổi thửa, trên địa bàn tỉnh vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế bất cập cũng đã được UBND tỉnh nhắc đến. Cụ thể, việc nhận thức của một bộ phận cán bộ và nhân dân về việc dồn điền, đổi thửa còn hạn chế, một sổ cấp ủy đảng và chính quyền cơ sở chưa thực sự coi trọng công tác dồn điền đổi thửa, chưa quan tâm đến công tác quy hoạch, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch sử dụng đất, chưa chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp, nông thôn.

Việc xây dựng kế hoạch thực hiện ở một số nơi chưa khách quan, chưa phù hợp với tình hình thực tế của từng địa phương. Công tác triển khai, quán triệt chưa triệt để, còn lúng túng. Quá trình thực hiện, một số đơn vị chưa bám sát trình tự các bước trong việc xây dựng và thực hiện phương án dồn điền, đổi thửa, dẫn đến làm chậm tiến độ và phải làm đi, làm lại nhiều lần.

Bên cạnh đó, công tác quản lý nhà nước về đất đai ở cấp xã có nơi còn lỏng lẻo, một số đơn vị cấp xã không nắm được cụ thể diện tích đất nông nghiệp thực tế tại địa phương sau dồn điền, đổi thửa. Công tác tuyên truyền, vận động nhân dân còn nhiều hạn chế, đội ngũ cán bộ làm công tác hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện phương án dồn điền, đổi thửa còn yếu, chưa đáp ứng đươc yêu cầu.

Việc cấp đổi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nông nghiệp sau dồn điền, đổi thửa ở hầu hết các huyện, thành phố vẫn còn rất chậm, gặp nhiều khó khăn trong tổ chức thực hiện, do nhiều nguyên nhân.

Theo đó,  bản đồ địa chính, hồ sơ địa chính không được cập nhật, điều chỉnh theo phương án dồn điền - đổi thửa. Sau dồn điền, đổi thửa vị trí các thửa đất của các hộ gia đình, cá nhân đã bị thay đổi, số lượng thửa đất thay đổi, quy mô diện tích thay đổi, thông tin ghi trên Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã cấp không còn phù hợp với thực tế, Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cũ không còn giá trị, tư cách pháp nhân của người sử dụng đất không còn, người dân không thực hiện được các quyền của người sử dụng đất và không yên tâm đầu tư sản xuất.

Đặc biệt, Việc chỉnh lý biến động đất đai, chỉnh lý hồ sơ địa chính, cấp đổi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất không kịp thợi, dẫn đến khó khăn cho công tác quản lý nhà nước về đất đai, phát sinh tranh chấp, khiếu kiện cũng như việc thực hiện các quyền của ngưòi sử dụng đất. Cán bộ làm công tác quản lý nhà nước về đất đai còn thiếụ kinh nghiệm, chưa đáp ứng được yêu cầu, đặc biệt là cán bộ địa chính cấp xã. Kinh phí để thực hiện công tác đo đạc bàn đồ, hoàn thiện hồ sơ địa chính, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất còn hạn chế.

Để khắc phục những tồn tại, vướng mắc, UBND tỉnh đã có những chỉ đạo cụ thể đối với UBND huyện, thành phố và các Sở ngành về công tác Dồn điền đổi thửa đất sản xuất nông nghiệp và công tác cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nông nghiệp sau Dồn điền - đổi thửa trên địa tỉnh trong thời gian tới đây.